Cập nhật, đánh giá những tình tiết mới phát sinh sau khi xét xử sơ thẩm

Theo VKSND tối cao (Vụ 7), khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự, lãnh đạo, Kiểm sát viên nắm chắc phạm vi, nội dung kháng cáo của người tham gia tố tụng, kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát; nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, đặc biệt là phần nhận định và quyết định của bản án sơ thẩm liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị. Lãnh đạo, Kiểm sát viên phải chuẩn bị tốt bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm, dự kiến nội dung cần tiếp tục tranh tụng làm rõ để cập nhật vào nội dung phát biểu về kháng cáo, kháng nghị và việc giải quyết vụ án.

Chú ý cập nhật, đánh giá những tình tiết mới phát sinh sau khi xét xử sơ thẩm liên quan đến việc xem xét kháng cáo, kháng nghị để có quan điểm phù hợp, đúng quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, xác minh làm rõ những nội dung liên quan đến kháng nghị phúc thẩm (nếu có) trước khi tham gia phiên tòa phúc thẩm.

Đối với vụ án có kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát cấp dưới, Viện kiểm sát cấp trên có thể trao đổi, làm rõ thêm về những vấn đề nêu trong kháng nghị để bảo vệ quan điểm của Viện kiểm sát hoặc thống nhất tối đa về hướng xử lý đối với kháng nghị phúc thẩm và việc giải quyết vụ án, bảo đảm tính thuyết phục, có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.

Viện kiểm sát cấp phúc thẩm cần ưu tiên Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm trực tiếp thụ lý giải quyết vụ án Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội, án có kháng nghị phúc thẩm, án đã bị hủy để điều tra, xét xử lại…

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát tại phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án nữ sinh giao gà bị sát hại ở Điện Biên.

Sau phiên tòa phúc thẩm, Viện kiểm sát cấp phúc thẩm cần báo cáo ngay với Viện kiểm sát có thẩm quyền để xem xét việc kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ theo quy định của pháp luật; nếu phát hiện Viện kiểm sát cấp sơ thẩm có những thiếu sót, vi phạm trong quá trình truy tố, xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát cấp phúc thẩm cần ban hành thông báo rút kinh nghiệm kịp thời nhằm chấn chỉnh những sai sót, nâng chất lượng công tác này cho Viện kiểm sát cấp dưới.

Xử lý, giải quyết 100% đơn, công văn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử giám đốc thẩm các vụ án hình sự, Viện kiểm sát phải xử lý, giải quyết 100% đơn, công văn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo đúng quy định của pháp luật và của Ngành (Quyết định số 201/QĐ-VKSTC ngày 20/5/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao và Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự); không để xảy ra trường hợp đơn, công văn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bị tồn đọng, kéo dài hoặc quá hạn luật định; kiên quyết kháng nghị giám đốc thẩm để bảo vệ quan điểm truy tố có căn cứ, đúng quy định pháp luật của Viện kiểm sát cấp dưới.

VKSND cấp cao cần chú trọng quản lý tốt việc gửi bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới và Viện kiểm sát cấp dưới theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Quy chế của Ngành; chủ động kiểm sát đầy đủ, chặt chẽ các bản án, quyết định của Tòa án để phát hiện vi phạm và kiên quyết kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm khi có căn cứ.

Thường xuyên tổng kết thực tiễn, ban hành thông báo rút kinh nghiệm về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đối với Viện kiểm sát cấp tỉnh, cấp huyện; chú ý đánh giá chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa, chất lượng kháng nghị phúc thẩm, chất lượng đề nghị kháng nghị phúc thẩm, kháng nghị giám đốc thẩm của Viện kiểm sát cấp dưới.

leftcenterrightdel
 Vụ 7, VKSND tối cao triển khai công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự năm 2020.

Khi có yêu cầu, Viện kiểm sát cấp cao phối hợp, cung cấp hồ sơ kiểm sát và các tài liệu tố tụng liên quan cho VKSND tối cao để xem xét việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đặc biệt đối với bản án phúc thẩm, giám đốc thẩm của TAND cấp cao có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và áp dụng pháp luật, có dấu hiệu oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

Trong công tác kháng nghị, kiến nghị, tiếp tục quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 08/CT-VKSTC ngày 6/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về “Tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị án hình sự” nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kháng nghị, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự.

Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp cần tập trung chỉ đạo làm tốt nhiệm vụ kiểm sát xét xử hình sự để nâng số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm, nhất là kháng nghị phúc thẩm ngang cấp của Viện kiểm sát cấp tỉnh, cấp huyện; tăng cường kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án các cấp để kháng nghị hoặc đề xuất kháng nghị nhằm khắc phục vi phạm của bản án, góp phần không để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng.

Thực hiện quy chế của Ngành, Viện kiểm sát cấp trên cần chỉ đạo thực hiện việc báo cáo và trả lời thỉnh thị kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát cấp dưới bảo đảm thống nhất cao về quan điểm truy tố, buộc tội của Viện kiểm sát; phối hợp, xử lý kịp thời, có căn cứ và đúng pháp luật các tình huống bổ sung, thay đổi hoặc rút kháng nghị của Viện kiểm sát cấp sơ thẩm, phúc thẩm, hạn chế tối đa quan điểm khác nhau của Viện kiểm sát các cấp về việc kháng nghị và giải quyết vụ án.

Thông qua công tác kiểm sát xét xử hình sự, chú trọng ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án, trong công tác quản lý Nhà nước về kinh tế xã hội là điều kiện, nguyên nhân làm phát sinh tội phạm.

Viện kiểm sát cấp trên cần theo dõi, nắm chắc và đánh giá tốt chuyên đề nhận diện vi phạm pháp luật và kháng nghị, kiến nghị của cấp mình và cấp dưới trực thuộc. Phối hợp tốt với Vụ 7 VKSND tối cao chuẩn bị nội dung tổ chức hội nghị chuyên đề về kỹ năng nhận diện vi phạm trong các bản án, quyết định của Tòa án nhằm làm tốt công tác kháng nghị, kiến nghị của Ngành.

Viện kiểm sát tiếp tục phối hợp với Tòa án các cấp xác định tiêu chí lựa chọn và tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa của Kiểm sát viên; ưu tiên chọn, đề xuất và tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến trong phạm vi toàn Ngành hoặc quy mô khu vực để học tập, rút kinh nghiệm chung.

Quán triệt, thực hiện nghiêm Hướng dẫn số 32/HD-VKSTC ngày 13/9/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác quản lý các trường hợp Viện kiểm sát truy tố Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội; Hướng dẫn số 34/HD-VKSTC ngày 25/10/2019 về công tác quản lý việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát.

Trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự, theo VKSND tối cao, Viện kiểm sát cấp trên phải tiến hành kiểm tra chuyên đề về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự của Viện kiểm sát cấp dưới, gắn với chỉ đạo của VKSND tối cao và thực trạng hoạt động của địa phương, đơn vị mình. Chú trọng chất lượng trả lời thỉnh thị và thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự của Viện kiểm sát cấp mình và cấp dưới.
V.T (t/h)