leftcenterrightdel
 Quyết định phân công Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm. 

Kiểm sát chặt chẽ việc chuyển nguồn tin và giải quyết nguồn tin tội phạm

Theo đó, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận đã Quyết định phân công Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với vụ việc: Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức nhằm chiếm đoạt tài sản của công dân theo thông báo tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Bình Thuận (PC01).

Trước đó, VKSND tỉnh Bình Thuận đã có Phiếu chuyển tố giác, tin báo về tội phạm đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận do VKSND tỉnh Bình Thuận nhận được đơn tố giác, tin báo về tội phạm của ông Bùi Văn Ốm (SN 1961); Lê Văn Thành (SN 1971); Đặng Thành Lập (SN 1969; cùng ngụ phường Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Nội dung đơn: tố cáo bà Trần Quế Th. (SN 1973) làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, sử dụng tài liệu giả mạo, tạo dựng chứng cứ giả để lừa dối cơ quan, tổ chức nhằm chiếm đoạt tài sản, có dấu hiệu các tội: “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo Điều 341 BLHS và “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS năm 2015.

Sau khi nhận các Phiếu chuyển của VKSND tỉnh Bình Thuận, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã ra Thông báo về việc tiếp nhận tin báo về tội phạm, quyết định phân công Điều tra viên giải quyết nguồn tin về tội phạm nêu trên.

Được biết, vụ việc nội dung tố giác “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” này xuất phát từ 3 vụ án dân sự “tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà Trần Quế Th. và các bị đơn gồm ông Bùi Văn Ốm; Lê Văn Thành; Đặng Thành Lập.

Viện kiểm sát ban hành 3 Kháng nghị phúc thẩm

Nội dung 3 vụ án dân sự nêu trên, bà Trần Quế Th. khởi kiện yêu cầu ông Bùi Văn Ốm; Đặng Thành Lập; Lê Văn Thành chấm dứt việc lấn chiếm và giao trả cho nguyên đơn diện tích đất đã lấn chiếm lần lượt là 3.048,3m2; 13.313,3m2 và 10.063,1m2. (tổng diện tích 26.424,7m2) tọa lạc tại khu phố Long Sơn, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, đại diện VKSND thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã phát biểu ý kiến về việc xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Bởi vì, tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải của Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Phan Thiết, các bị đơn chỉ được tiếp cận tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn giao nộp là bản phô tô. Bị đơn có đề nghị trưng cầu giám định các giấy tờ, tài liệu do nguyên đơn giao nộp nhưng Tòa án không có bản chính để thực hiện vì tài liệu, chứng cứ là bản chính đang được bị đơn cất giữ.

Cũng tại phiên tòa, bị đơn được Tòa án cho tiếp cận tài liệu, chứng cứ được nguyên đơn cung cấp và xác định là bản chính để đối chiếu với bản sao đã cung cấp cho Tòa án. Do nghi ngờ các tài liệu, chứng cứ này có sự ngụy tạo chữ ký, chữ viết, không trùng khớp về chữ ký, các bị đơn đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết nhưng vẫn tiếp tục không được chấp nhận.

leftcenterrightdel
 Quyết định Kháng nghị phúc thẩm của VKSND TP Phan Thiết.

Đại diện VKSND TP Phan Thiết thấy rằng việc tiếp cận và công khai chứng cứ trong các vụ án này chưa đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự nên chưa đảm bảo quyền lợi cho bị đơn. Mặt khác, bị đơn cũng yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết do có sự nghi ngờ giả tạo trong chứng cứ. Căn cứ theo quy định của pháp luật tại Điều 103 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Trường hợp chứng cứ bị tố cáo là giả mạo thì người đưa ra chứng cứ có quyền rút lại; nếu không rút lại thì người tố cáo có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Tòa án có quyền quyết định trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 102 của Bộ luật này.

“Nhận thấy, việc Tòa án không thu thập bản chính các tài liệu, chứng cứ từ nguyên đơn và việc công bố tài liệu, chứng cứ cho các đương sự trong vụ án của Tòa án cũng không được đảm bảo theo thủ tục tố tụng và không đúng quy định về nguồn chứng cứ nên Viện kiểm sát không phát biểu quan điểm nội dung giải quyết vụ án” Đại diện Viện kiểm sát nêu ý kiến tại phiên tòa sơ thẩm.

Tại các Bản án dân sự sơ thẩm, TAND thành phố Phan Thiết cho rằng: “trong quá trình giải quyết, bị đơn yêu cầu giám định tuổi giấy, tuổi mực của những giấy tờ chuyển nhượng đất của bà Th. với các hộ dân. Tòa án đã có công văn yêu cầu giám định. Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bình Thuận và phân viện khoa học hình sự tại TP HCM cũng đã có văn bản trả lời các cơ quan giám định tư pháp về kỹ thuật hình sự trong ngành Công an chưa triển khai giám định về lĩnh vực này. Mặt khác, giả sử cho rằng việc thực hiện giám định được nhưng việc giám định phải được thực hiện có sự tranh chấp giữa 2 bên nhưng trong việc mua bán đất này giữa bên bán đất và bên mua đất không tranh chấp với nhau, những người bán đất đều xác định là đất của họ và họ đã bán cho bà Th. theo những giấy tờ mua bán đã xác lập vào năm 2001. Do đó, phía bị đơn cho rằng nghi ngờ đó là giấy tờ giả mạo để giám định thì xét thấy không cần thiết”, Tòa án thành phố Phan Thiết nhận định.

TAND thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã tuyên 3 Bản án dân sự sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Quế Th, buộc các ông Bùi Văn Ốm; Lê Văn Thành; Đặng Thành Lập trả lại 3 phần đất có tổng diện tích 26.424,7m2 tọa lạc tại khu phố Long Sơn, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận cho bà Th.

leftcenterrightdel
 Khu đất tranh chấp giữa bà Trần Quế Th. và các bị đơn.

VKSND thành phố Phan Thiết xét thấy việc nhận định xét xử và trình tự thủ tục của TAND thành phố Phan Thiết là không khách quan và không đúng các quy định về chứng cứ, nguồn chứng cứ, thu thập chứng cứ, đã vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng dân sự trong việc giải quyết vụ án. Vì vậy, đã ban hành 3 Quyết định Kháng nghị phúc thẩm, đề nghị TAND tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng hủy bản án dân sự sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho TAND thành phố Phan Thiết giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Trong quá trình kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án dân sự, VKSND tỉnh Bình Thuận đã tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo vệ kháng nghị của VKSND thành phố Phan Thiết. Trên cơ sở tài liệu thu thập được từ các cơ quan chức năng, đối chiếu với hồ sơ vụ án sơ thẩm và các đơn tố cáo của công dân, VKSND tỉnh Bình Thuận xác định có dấu hiệu của các tội hình sự gồm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức” theo quy định tại Điều 174, Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 nên đã chuyển nguồn tin tội phạm cho Cơ quan CSĐT đề nghị thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngày 4/9/2024, VKSND tỉnh Bình Thuận đã ban hành công văn số 03/YC-VKS-DS gửi TAND tỉnh Bình Thuận về việc yêu cầu tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với 3 vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà Trần Quế Th. và bị đơn là các ông Bùi Văn Ốm; Lê Văn Thành; Đặng Thành Lập. Lý do tạm đình chỉ: Để chờ kết quả giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận, theo điểm d khoản 1, Điều 214 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Đồng thời, Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Bình Thuận đã có quyết định thụ lý tin báo tội phạm và có văn bản yêu cầu TAND tỉnh Bình Thuận cung cấp tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn Trần Quế Th. đã giao nộp nhằm chứng minh yêu cầu khởi kiện trong 3 vụ án cho Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Bình Thuận theo quy định tại Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự. Vì vậy, trong quá trình tham gia các phiên tòa xét xử phúc thẩm, Kiểm sát viên đã đề nghị Hội đồng xét xử tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, trong các ngày 20 và 25/9/2024, TAND tỉnh Bình Thuận vẫn tiến hành xét xử công khai vụ án dân sự phúc thẩm về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn bà Trần Quế Th. và bị đơn ông Lê Văn Thành.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 170/2024/DS-PT ngày 25/9/2024 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất”; TAND tỉnh Bình Thuận nhận định và cho rằng không có căn cứ để tạm đình chỉ giải quyết vụ án như đề nghị của đại diện VKSND tỉnh Bình Thuận. Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận đã căn cứ vào các chứng cứ do nguyên đơn giao nộp để tuyên không chấp nhận kháng cáo của ông Lê Văn Thành và kháng nghị của Viện trưởng VKSND thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Quế Th.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Hoa Việt - Mai Phong