Một trong những nội dung quan trọng của xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam tại Đề án là đổi mới tổ chức hoạt động của VKSND, nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới.

Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã phỏng vấn TS. Trần Công Phàn xung quanh nội dung này.

leftcenterrightdel
 TS.Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam.

VIỆN KIỂM SÁT RA ĐỜI LÀ SẢN PHẨM CỦA THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ

PV: Qua nghiên cứu lý luận và từ thực tiễn hoạt động công tác lâu năm trong ngành Kiểm sát nhân dân, đồng chí có thể phác thảo chung về “định vị” vai trò, chức năng của Viện kiểm sát trong hệ thống Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam như thế nào?

TS. Trần Công Phàn: Trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân gồm 6 chương, 25 điều, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân. Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 20 công bố Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Đây là đạo luật quan trọng, đánh dấu sự ra đời của hệ thống cơ quan Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy Nhà nước.

Ngày 1/2/1963, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về công tác kiểm sát. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng đối với ngành Kiểm sát nhân dân. Nghị quyết đã xác định những định hướng quan trọng về tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân. Nghị quyết số 68-NQ/TW nhấn mạnh: “Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân của ta là một trong những công cụ chuyên chính của Nhà nước dân chủ nhân dân đang làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản, được tổ chức ra giữa lúc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc bắt đầu lấy việc xây dựng chủ nghĩa xã hội làm trọng tâm, đồng thời hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa. Ngành Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật, làm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế xã hội chủ nghĩa được tôn trọng, do đó mà góp phần vào việc tăng cường chuyên chính đối với bọn phản cách mạng, bảo đảm các quyền dân chủ của nhân dân được tôn trọng; đồng thời cũng góp phần vào việc tăng cường kỷ luật xã hội trong quần chúng nhân dân”.

Thể chế hoá đường lối đổi mới của Đảng, Hiến pháp năm 1992, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992 tiếp tục ghi nhận Viện kiểm sát nhân dân là một trong các cơ quan trong bộ máy nhà nước, có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật và thực hành quyền công tố, được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong Ngành. Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng bằng những công tác: kiểm sát chung, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, kiểm sát thi hành án, kiểm sát giam giữ, cải tạo, điều tra tội phạm trong những trường hợp do pháp luật quy định.

Trong giai đoạn này, quán triệt các nghị quyết của Quốc hội, thực hiện Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992, toàn ngành Kiểm sát đã tập trung vào kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, bám sát các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, tập trung kiểm sát các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như đất đai, ngân hàng, xuất nhập khẩu. Đã yêu cầu thu hồi cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng, yêu cầu khởi tố và trực tiếp khởi tố nhiều vụ án hình sự, dân sự. Ban hành nhiều kiến nghị rất xác đáng với các bộ, ngành, với Chính phủ trong việc tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh, đưa hoạt động quản lý kinh tế - xã hội vào nền nếp. Viện kiểm sát các cấp đã phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ đối với hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật có vi phạm, trong đó có cả văn bản của các bộ, ngành ở Trung ương, góp phần củng cố pháp chế trong xây dựng và thực hiện pháp luật.

Trong việc thực hiện chức năng công tố, Viện kiểm sát các cấp đã tập trung đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm lợi dụng cơ chế đổi mới kinh tế để xâm phạm tài sản của Nhà nước, các tội phạm nguy hiểm như ma túy, giết người, cướp tài sản và các tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; đồng thời tăng cường kiểm sát các hoạt động tư pháp, bảo đảm cho việc bắt, giam, giữ, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án tuân thủ pháp luật….

Có thể nói, thực tiễn lịch sử đã cho thấy, sự ra đời của Viện kiểm sát là sáng kiến của Lê Nin, của Chủ tịch Hồ Chí Minh được vận dụng vào Việt Nam và là một thiết chế hoàn toàn khoa học, phù hợp với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Theo tôi, Viện kiểm sát ra đời với chức năng ban đầu của nó là hoàn toàn phù hợp với chế độ chính trị 1 đảng lãnh đạo. Chúng ta đặt vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì phải kiểm soát quyền lực nhà nước. Khi mới thành lập, Viện kiểm sát có chức năng kiểm tra,  giám sát việc tuân theo pháp luật, đảm bảo cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh, thống nhất. Với vai trò, nhiệm vụ đó, Viện kiểm sát trở thành công cụ của Đảng, của Quốc hội, là cơ quan độc lập, chịu sự chỉ đạo của Đảng, của Quốc hội. Và ở đâu có pháp luật thì ở đó Viện kiểm sát “soi rọi” để pháp luật được thực thi đúng đắn, nghiêm minh, thống nhất.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại Hội thảo VKSND trong Nhà nước pháp quyền XHCN đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Hiện nay chúng ta đang thực hiện chủ trương tăng cường pháp chế. Điều đó đồng nghĩa với việc phải có một hệ thống pháp luật hoàn thiện cộng với sự tuân thủ hệ thống pháp luật ấy. Đó cũng là trách nhiệm của Viện kiểm sát, vì việc xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện có vai trò kiểm sát các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản dưới luật, đảm bảo phù hợp với Hiến pháp và pháp luật.

Chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát khi ra đời gồm “kiểm sát chung” và công tố. Trong bối cảnh hiện nay, chức năng đó càng phù hợp với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Vì pháp luật được thượng tôn và dưới thể chế một Đảng lãnh đạo thì Đảng phải có “công cụ”, “tai mắt” để làm cho pháp luật đó được chấp hành nghiêm chỉnh.

Chính vì tầm quan trọng như vậy, khi mới thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị sang làm Viện trưởng VKSND tối cao đầu tiên.

Với chức năng “kiểm sát chung”, Viện kiểm sát đã phát hiện, kiến nghị thường xuyên, hàng ngày xem ở đâu, địa phương nào, ngành nào, bộ nào có sai phạm, dấu hiệu sai phạm pháp luật…để báo cáo Quốc hội. Đây chính là công cuộc phòng ngừa tội phạm từ sớm.

Còn công tố chỉ là chức năng rất nhỏ của Viện kiểm sát. Đó là, trong quá trình kiểm sát nếu phát hiện, khẳng định được tội phạm thì duy nhất VKS có quyền truy tố tội phạm ra Tòa án để xét xử. Đây là chức năng duy nhất của Viện kiểm sát nhưng tất cả các nước trên thế giới đều theo mô hình đó. Nhưng Viện kiểm sát thực hiện cả chức năng “kiểm sát chung” thì chỉ ở thể chế chính trị Việt Nam do 1 đảng lãnh đạo mới có.

VKSND ra đời như vậy là hoàn toàn khoa học, rất phù hợp với đòi hỏi hiện nay chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Và VKS là sản phẩm của thể chế chính trị. Công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị. Vì vậy, VKS cần được được củng cố để phát triển, làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Từ những phân tích trên, cá nhân tôi không đồng tình với ý kiến đặt vấn đề chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố. Bởi vì, từ khi sinh ra, VKS đã gắn với chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật, gắn với thể chế chính trị, phù hợp với việc xây dựng nhà nước pháp quyền…Nếu chủ trương thay đổi VKS sẽ không đảm bảo cơ sở lý luận và thực tiễn đã chứng minh.

Cần trả lại nguyên nghĩa chức năng, nhiệm vụ của kiểm sát như lúc sinh ra, vì thiết chế VKS như vậy là đúng đắn, phù hợp và đảm bảo cho mọi hoạt động của xã hội được thực thi nghiêm minh và thống nhất, đúng với mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay.

ĐỔI MỚI THEO HƯỚNG NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, KIỂM SÁT VIÊN

PV: Hiện nay, trong “Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đang đặt ra chủ trương cần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Đồng chí cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

TS. Trần Công Phàn: Theo tôi, đổi mới là cần thiết, là đòi hỏi từ thực tiễn nhưng vấn đề cần đổi mới hiện nay chính là nâng cao trách nhiệm chính trị của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong thực thi nhiệm vụ. Viện kiểm sát với nhiệm vụ giúp Quốc hội giám sát tối cao quyền lực nhà nước, kiểm sát việc tuân theo pháp luật thì cán bộ, Kiểm sát viên phải am hiểu pháp luật, luôn khách quan, đúng như lời Bác Hồ dạy: cán bộ Kiểm sát phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Người cán bộ kiểm sát phải thường xuyên rèn luyện các đức tính đó; phải là người gương mẫu, có đủ năng lực trình độ và trước hết bản thân mình phải thực hiện đúng luật.

Có thể thấy, đổi mới hiện nay đang được tiến hành trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ, trong lĩnh vực hình sự khi thực hành quyền công tố thì phải gắn với hoạt động điều tra; chức năng kiểm sát thì phải đi vào kiểm sát chặt chẽ, kịp thời các hoạt động của cơ quan chức năng liên quan. Đặc biệt là những vấn đề gì nhằm phục vụ người dân, làm cho người dân tốt hơn, những gì liên quan đến lợi ích toàn dân, vì sự phát triển đất nước thì rất cần có VKS vào cuộc. Tôi đồng tình với các nội dung đổi mới, hoàn thiện pháp chế trong lĩnh vực dân sự, hành chính…có mở rộng vai trò của VKS trong thời gian qua.

Theo tôi, đổi mới hiện nay thì phải làm sao để vai trò, nhiệm vụ của VKS được trả về theo đúng bản chất, mục đích khi VKS mới ra đời. Vì khi VKS được thành lập với chức năng, nhiệm vụ, các hoạt động như vậy là hoàn toàn lôgíc, khoa học, phù hợp với thể chế chính trị, với mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Thực tiễn lịch sử xã hội đã minh chứng, khi có hoạt động “kiểm sát chung” thì các trật tự xã hội đã được đảm bảo hơn; nếu VKS vẫn giữ chức năng “kiểm sát chung” thì có lẽ không xảy ra nhiều đại án đau lòng như thời gian qua. Bởi, những sai phạm manh nha sẽ được kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa được tội phạm từ sớm, từ xa.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội thảo VKSND trong Nhà nước pháp quyền XHCN đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

CÙNG VÌ LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI DÂN, BẢO VỆ NGƯỜI DÂN TỐT HƠN

PV: Là một cán bộ có hoạt động thực tiễn lâu năm trong ngành pháp luật, hiện nay với tư cách lãnh đạo của Hội Luật gia Việt Nam, đồng chí đánh giá như thế nào về “điểm chung” của Viện kiểm sát và Hội Luật gia Việt Nam?

TS. Trần Công Phàn: Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, thống nhất, tự nguyện của các luật gia trong cả nước, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hội Luật gia Việt Nam tập hợp, đoàn kết các luật gia đã hoặc đang làm công tác pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị tự nguyện hoạt động nhằm góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của Nhân dân, xây dựng nền khoa học, pháp lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; tham gia và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tổ chức luật gia trên thế giới và các tổ chức khác theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước vì mục đích chung là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Hội luật gia tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý; tham gia phản biện và giám sát xã hội; tham gia giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước. Hội còn làm công tác tư vấn, trợ giúp pháp luật, tham gia công tác hòa giải; đặc biệt là đối với toàn dân và với những người yếu thế trong xã hội.

Tôi nghĩ việc này cũng phù hợp với công tác của ngành Kiểm sát, đều cùng làm công tác chính trị; cùng vì lợi ích của người dân, bảo vê người dân tốt hơn. Viện kiểm sát chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và vi phạm pháp luật cũng là để bảo vệ người dân tốt hơn. Phòng ngừa sớm cũng là để nhằm làm giảm bớt các vi phạm pháp luật…Hội Luật gia Việt Nam tham gia xây dựng pháp luật để cho hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn. Đặc biệt, hội viên Hội luật gia có nhiều người công tác trong ngành luật và Viện kiểm sát.

PV: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Trần Công Phàn!

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ chiến lược trọng tâm của toàn khoá là triển khai nghiên cứu xây dựng “Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” để tiếp tục nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 Tháng 5/2021, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng “Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” gồm 21 thành viên.

Nội dung của Đề án nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Sự lãnh đạo của Đảng trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tổ chức hoạt động của các thiết chế trong bộ máy Nhà nước; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, nền hành chính quốc gia, nền tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và của các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, đến nay, Ban Chỉ đạo đã hoàn thành dự thảo Đề án, Tờ trình và dự thảo Nghị quyết Hội nghị trung ương lần thứ 6 của Ban Chấp hành trung ương Đảng khoá XIII.

 



Nhóm PV (thực hiện)