Trong suốt cuộc đời làm cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vấn đề cán bộ và công tác cán bộ. Bác khẳng định: "cán bộ là gốc của mọi việc. Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không".

Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Bác đã viết: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hoá…[1]

Mỗi ngành nghề, Bác Hồ luôn có những lời nói về đạo đức cách mạng thật giản dị mà sâu sắc, thấm thía. Ðối với cán bộ kiểm sát, Bác căn dặn “Cán bộ kiểm sát phải: công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” [2].

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Hoàng Quốc Việt chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn cán bộ VKSND tối cao Trung Quốc. Ảnh TL 

Ðồng chí Hoàng Quốc Việt là một trong những người cộng sản đầu tiên của Ðảng, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong quãng đời gần 70 năm hoạt động cách mạng, một trong những trọng trách mà đồng chí Hoàng Quốc Việt đã đảm nhận là xây dựng hệ thống VKSND và là Viện trưởng đầu tiên của VKSND tối cao trong 16 năm (từ năm 1960 đến 1976).

Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo toàn Ngành tăng cường bồi dưỡng ý thức tổ chức và kỷ luật, đạo đức cách mạng cho cán bộ toàn Ngành, làm cho mỗi người cán bộ Kiểm sát có tinh thần kỷ luật và ý thức trách nhiệm cao, có đầy đủ những đức tính mà Bác Hồ đã dạy đối với cán bộ Kiểm sát. Ðối với các thế hệ lãnh đạo, cán bộ ngành kiểm sát, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn là gương sáng với phẩm chất cao quý “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

­“Công minh” được hiểu là công bằng và sáng suốt. Công bằng là theo đúng lẽ phải, không thiên vị. Sáng suốt là có khả năng nhận thức đúng đắn, giúp giải quyết vấn đề một cách tỉnh táo, không sai lầm.

leftcenterrightdel
 Đoàn cán bộ VKSND tối cao dâng hương tưởng nhớ đồng chí Hoàng Quốc Việt.
Đức tính công minh đòi hỏi cán bộ kiểm sát phải căn cứ vào pháp luật, lẽ phải mà giải quyết công việc sao cho công bằng, hợp lý. Không được vì lợi ích cá nhân mình mà thiên vị người này, đối xử bất công với người khác.

Người cán bộ kiểm sát phải công minh để nhận thức rõ ràng, đúng đắn mọi hành vi, quyết định của mình, của người trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, là đúng hay sai? đúng chỗ nào, sai chỗ nào? Và phải giải quyết thế nào?...Như thế thì làm việc mới tránh khỏi thất bại.

­“Chính trực”: có tính ngay thẳng. Ngay thẳng là chân thật, theo đúng lẽ phải, không thiên vị. Đức tính chính trực đòi hỏi người cán bộ kiểm sát phải thường xuyên kiểm điểm tư tưởng và công tác để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm. Phải luôn chân thật, không gian dối. Chẳng hạn: Làm ít, báo cáo nhiều hoặc xem báo cáo thì việc gì cũng hoàn thành vượt mức kế hoạch, nhưng khi xét kỹ lại thì rổng tuếch, thế là không chân thật, là gian dối.

Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, cán bộ kiểm sát phải kiên quyết đấu tranh đến cùng với vi phạm pháp luật và tội phạm, không để lọt tội phạm và người phạm tội, tránh làm oan người vô tội. bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công việc gì, nếu thực hiện hành vi phạm tội, thì cán bộ kiểm sát phải kiên quyết làm rõ, đề nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, khi phát hiện vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì kiên quyết báo cáo người có thẩm quyền xử lý, không vì nể nang mà bao che hoặc tránh né. Tóm lại, cán bộ kiểm sát chỉ biết tuân theo Hiến pháp và pháp luật, theo lẽ phải, sự công bằng. Quyết không vì bất cứ điều gì mà làm trái những điều ấy.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ rõ rằng, để thực hiện tốt công minh, chính trực, mỗi cán bộ ngành kiểm sát phải chống chủ nghĩa cá nhân, vì chủ nghĩa cá nhân cản trở việc hoàn thành nhiệm vụ, không nên vì nể nang cảm tình với bạn bè, họ hàng của mình hay vì tư lợi mà làm sai pháp luật; không vì sợ mất quyền lợi địa vị của mình, sợ khuyết điểm mà không dám đấu tranh để bảo vệ chân lý, không dám nhận sai lầm để sửa; không vì tự ái cá nhân mà lạm quyền, tìm cách trừng phạt trái với pháp luật người nào đã vi phạm đến quyền lợi của mình, hoặc vặn vẹo, gây khó khăn cho người đương sự, hoặc tìm cách xử lý nặng khi họ có thái độ không đúng với mình....[3].

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Ảnh Trần Tâm.

“Khách quan”: là cái tồn tại bên ngoài, không phụ thuộc vào ý thức, ý muốn của con người, trong quan hệ đối lập với chủ quan; có tính chất xuất phát từ thực tế, biểu hiện một cách trung thực, không thiên vị. đức tính khách quan thể hiện trong tất cả các khâu công tác kiểm sát như khi thu thập tài liệu chứng cứ phải sưu tầm đầy đủ tình tiết, cả buộc tội lẫn gỡ tội, khi ghi lời khai của bị can, của nhân chứng phải trung thực, không thể ghi theo ý mình, gạt bớt đi hoặc ghi theo tinh thần, đại ý câu nói, khi xem xét việc gì phải đi sâu vào nhiều mặt để thấy bản chất của sự việc chứ không thể nhìn qua hiện tượng, chớ thành kiến có ấn tượng trước...[3].

Cán bộ kiểm sát phải có phong cách làm việc khách quan, tránh để mắc phải chứng “bệnh chủ quan”. khi nghiên cứu hồ sơ vụ án cần xem xét, đánh giá các tài liệu, chứng cứ một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ, theo đúng quy định của pháp luật, quy trình nghiệp vụ, để rồi kết luận sự việc sao cho đúng như thực tế đã xảy ra.

Tránh chú ý đến chứng cứ này, mà bỏ qua các chứng cứ khác, để rồi suy diễn sự việc theo nhận định chủ quan của mình, dẫn đến các quyết định sai lầm. Khi được phân công giải quyết vụ việc, nếu thấy mình không thể vô tư khi thực hiện nhiệm vụ, thì nhất quyết từ chối. Nếu phát hiện có người tiến hành tố tụng thuộc các trường hợp phải từ chối hoặc phải thay đổi, thì kiên quyết đề nghị thay đổi để đảm bảo sự khách quan của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

“Thận trọng”: là có sự đắn đo, suy tính cẩn thận trong hành động để tránh khỏi sai sót. Làm rõ về tính thận trọng trong công tác kiểm sát, đồng chí Hoàng Quốc Việt nói: “Trong quá trình điều tra và xử lý một vụ án phải chú ý ngay từ khi thu thập chứng cứ bảo vệ, giữ gìn những dấu vết được nguyên vẹn, lập biên bản chu đáo để tránh sau này khỏi sự đánh giá sai lệch; hay khi quyết định bắt giam một người phải nghiên cứu kỹ hồ sơ tài liệu, cân nhắc nhiều mặt như đã đủ chứng cứ chưa, mức độ tội lỗi, ảnh hưởng của nó như thế nào? Hay khi quyết định xử lý cũng vậy, không những thế còn phải tuân theo chế độ báo cáo thỉnh thị…” [3].

Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, trước khi tham mưu lãnh đạo ban hành quyết định tố tụng gì, cán bộ kiểm sát đều phải nghiên cứu hồ sơ hết sức cẩn thận, kỹ lưỡng. Trước khi thực hiện một nhiệm vụ, cán bộ kiểm sát phải có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, đầy đủ. không có kế hoạch thì lúng túng, không biết đường nào mà công tác.

Khi tiến hành công việc, phải kỹ lưỡng, cẩn thận để tránh xảy ra sai sót. Bởi vì sai sót trong việc thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của người cán bộ Kiểm sát cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến oan, sai. Những sai lầm trong hoạt động nghiệp vụ của cán bộ Kiểm sát không những đã xâm phạm đến quyền và lợi ích của người bị oan, sai mà một số trường hợp còn gây hậu quả xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan pháp luật [2].

leftcenterrightdel
 Khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng. Ảnh Bá Hưng

Một ví dụ: trước khi tiến hành hỏi cung bị can, Kiểm sát viên phải lên kế hoạch hỏi cung bị can cụ thể, rõ ràng, đầy đủ: những vấn đề cần giải quyết, chiến thuật hỏi cung, các câu hỏi, các chứng cứ, tài liệu cần sử dụng…Quá trình hỏi cung bị can, Kiểm sát viên phải xem xét, đánh giá lời khai của bị can cẩn thận, phải chú ý quan sát thái độ, cử chỉ của bị can…để kết luận sự việc một cách đúng đắn.   

“Khiêm tốn”: có ý thức và thái độ đúng mực trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu.

Vì sao phải khiêm tốn? Vì một cá nhân, dù tài giỏi mấy cũng không thể biết hết mọi việc, làm được hết mọi việc, nên phải khiêm tốn học hỏi đồng chí, học tập nhân dân để tiến bộ mãi. Khiêm tốn trái hẳn với tự kiêu, tự mãn.

Tự kiêu, tự mãn là tự cho mình điều gì cũng biết, việc gì cũng làm được, làm biếng học tập, làm biếng suy nghĩ, khi có thành tích thì xem ai ra gì. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: Sông to, biển rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được vì độ lượng nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn thì một chút nước cũng đầy tràn vì độ lượng nó hẹp. Người mà tự kiêu, tự mãn cũng như cái chén, cái đĩa cạn. Vì vậy, không nên tự kiêu, mà cần khiêm tốn.

Để thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, người cán bộ kiểm sát phải có kiến thức về nhiều lĩnh vực. Muốn thế, cán bộ kiểm sát mỗi ngày phải siêng năng học tập, khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp và nhân dân để nâng cao hiểu biết của mình.

Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, chớ nghĩ là mình giỏi mà chủ quan, phải luôn cố gắng, vượt khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, càng có thành tích, lại càng khiêm tốn. Đối với đồng nghiệp thì phải tôn trọng, không xem thường, giúp đỡ đồng nghiệp hoàn thành công việc được giao.

leftcenterrightdel
 Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Kiểm sát nhân dân nguyện học tập và thực hiện tốt lời Bác dạy. Ảnh Hoàng Hưng
Trong suốt hơn 60 năm qua, các thế hệ cán bộ kiểm sát đã không ngừng nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, luôn ghi nhớ, thực hiện lời dạy của Bác, kiên quyết vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Nhiều tập thể, cá nhân trong ngành được nêu gương điển hình tiên tiến, vinh dự được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng Bằng khen và Huân chương cao quý.

Hiện nay, Ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó nhiệm vụ hết sức quan trọng, nặng nề, đó là: bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Nhiệm vụ này thực hiện thành công hay thất bại, là do ở người cán bộ kiểm sát, vì họ là người trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ đó. Mỗi cán bộ kiểm sát thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, tức là ngành thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành. Mà muốn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, mỗi cán bộ kiểm sát phải không ngừng phấn đấu, học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”... 

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.11.

2. Bùi Mạnh Cường, Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngành Kiểm sát nhân dân, Tạp chí Kiểm sát, 14/2013.

3. Tạp chí Kiểm sát (2005), Đồng chí Hoàng Quốc Việt với ngành Kiểm sát nhân dân, Hà Nội.

Nguyễn Cao Cường