Trong quá trình dày công giáo dục cán bộ, công chức về các đức tính cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, thì bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành hiện thân, biểu tượng cao đẹp nhất của những đức tính đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành lãnh tụ vĩ đại, đồng thời là người con trung hiếu nhất của dân tộc Việt Nam, của nhân dân Việt Nam. Người cũng là hiện thân của pháp quyền nhân nghĩa và công lý.

Là Chủ tịch Đảng và là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, sự quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sử dụng mối quan hệ biện chứng giữa đạo đức và pháp luật trong xây dựng, quản lý con người và xã hội, trong xây dựng Đảng cầm quyền và xây dựng Nhà nước pháp quyền nhân nghĩa, trong sạch, vững mạnh.

Đạo đức xã hội tốt đẹp, thì pháp luật sẽ được thực thi nghiêm minh. Pháp luật sẽ thường xuyên bị vi phạm nếu có sự xuống cấp đạo đức và nhất là sự suy thoái, biến chất của đội ngũ đảng viên, công chức của Nhà nước. Pháp luật bị buông lỏng là điều kiện khiến đạo đức xuống cấp.  

leftcenterrightdel
 Diễu hành kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9. Ảnh Tuổi trẻ

Từ xưa tới nay, ở bất cứ đâu, các nhà chính trị kiệt xuất cũng đều khai thác mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau giữa đạo đức và pháp luật, khai thác điểm chung giữa pháp  luật và đạo đức đều tồn tại nhằm điều chỉnh hành vi của con người cho phù hợp với lợi ích,  yêu cầu chung của xã hội, bảo vệ trật tự, kỷ cương xã hội. 

Trong lịch sử hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ vĩ đại đã khéo léo kết hợp vai trò của đạo đức với pháp luật trong việc giáo dục, xây dựng con người và quản lý xã hội. Người khẳng định: “Luật pháp dựa vào đạo đức, mặt khác, phải bảo vệ đạo đức”. Pháp luật và đạo đức đều nhằm mục đích thể hiện, thực hiện và bảo vệ quyền con người, đạo lý làm người. Mỗi con người sống có đạo đức là từ suy nghĩ đến hành động đều hướng theo các chuẩn mực đạo đức xã hội. Người có đạo đức đương nhiên thuận ý tuân theo các quy định pháp luật. Còn người dù buộc phải tuân theo pháp luật thì đồng thời cũng phải tôn trọng và thực hiện những chuẩn mực đạo đức.

Tư tưởng pháp quyền và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đều thống nhất đề cao giá trị số 1 của con người Việt Nam là yêu nước, thương dân. Người khẳng định: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này, là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp vào việc làm cho nước được độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ”. Hồ Chí Minh khẳng định rõ, yêu cầu đầu tiên của đạo đức mới, đạo đức cách mạng. “Đạo đức, ngày trước thì chỉ trung với vua, hiếu với cha mẹ. Ngày nay, thời đại mới, đạo đức cũng phải mới. Phải trung với nước. Phải hiếu với toàn dân, với đồng bào”. 

Từ phương diện pháp luật thì tội phạm số 1 là phản quốc và chống lại nhân dân, bất kỳ ai vi phạm, pháp luật cũng phải thẳng tay trừng trị. Tháng 2/1946,  khi thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Quốc gia cố vấn đoàn do cụ Hoàng Vĩnh Thụy làm Trưởng đoàn. Đến tháng 3/1946, tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh thăm viếng Trung Hoa, khi kết thúc, Vĩnh Thụy đã chạy trốn sang Hồng Kông. Tháng 3/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố  trước nhân dân ta và thế giới: “Vĩnh Thụy trở về với 10.000 viễn binh Pháp, để giết hại thêm đồng bào Việt Nam. Vĩnh Thụy can tâm bán nước, đó là sự thực. Âm mưu của thực dân Pháp là đặt lại chế độ nô lệ ở Việt Nam. Vĩnh Thụy làm tay sai cho thực dân, là một tên phản quốc. Pháp luật Việt Nam tuy khoan hồng với những người biết cải tà quy chính nhưng sẽ thẳng tay trừng trị những tên Việt gian đầu sỏ đã bán nước, buôn dân”. 

Từ khi chuẩn bị thành lập Đảng, Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng đảng về mặt đạo đức. Song, từ khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, vốn dĩ quyền lực dễ tha hóa với con người thiếu cái gốc đạo đức vững chắc, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng quan tâm xây dựng Đảng về đạo đức. Coi đạo đức cách mạng là cái gốc, là nền tảng tinh thần quyết định sự trong sạch, phát triển bền vững và mạnh mẽ của một Đảng cầm quyền. 

Xây dựng Đảng đạo đức, văn minh là biện pháp quan trọng nhất để giữ vững vị thế Đảng Cộng sản Việt Nam là cầm quyền, hành động theo pháp luật. Đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng tinh thần của người cách mạng. Người khẳng định: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Đạo đức cách mạng là cơ sở tạo nên sức mạnh, uy tín lãnh đạo của Đảng, là gốc trong công tác xây dựng Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ: Để giữ vững vai trò của một Đảng cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và toàn dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Đảng phải "là đạo đức, là văn minh". “ Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội nhưng phải hoạt động trong khuôn khổ luật pháp. Cán bộ, Đảng viên vừa phải giữ gìn đạo đức cách mạng vừa phải tuân thủ kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh hết lòng, hết sức giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên, công chức, đồng thời khẳng định, pháp luật phải trừng trị nghiêm khắc những kẻ vi phạm đạo đức, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật  của Nhà nước”. Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương kết hợp đạo đức và pháp luật trong  xây dựng Nhà nước pháp quyền nhân nghĩa của dân, do dân, vì dân, trong sạch, vững mạnh. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Nhà nước hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật. Pháp luật là tối thượng. Pháp luật đó được xây dựng trên cơ sở đạo đức mới và nhằm bảo vệ đạo đức, bảo vệ quyền làm người, quyền làm chủ của công dân. Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh là tư tưởng về  quyền lực tối thượng của pháp luật Nhà nước được xây dựng và thực thi với mục đích vì nhân dân, phục vụ nhân dân. Pháp quyền mang nội dung đạo lý làm người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có công lớn nhất, sáng tạo nhất trong sự nghiệp lập hiến và lập pháp ở Việt Nam. Trên cương vị Chủ tịch nước, Người đã hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp (Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959), đã ký lệnh công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác. Người đã mở đầu xây dựng một nền pháp chế xã hội chủ nghĩa nhằm đảm bảo thực hiện quyền lực của nhân dân, bảo vệ dân chủ, nhân quyền và đạo đức mới.

Người rất coi trọng việc giáo dục pháp luật cho toàn dân, nâng cao dân trí, bồi dưỡng ý thức làm chủ, phát triển văn hóa chính trị và tính tích cực công dân, khuyến khích nhân dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, khắc phục mọi thứ dân chủ hình thức. Đồng thời, Người hết sức đề cao công tác giáo dục đạo đức công dân cho nhân dân,  giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, công chức. Đặc biệt là, đội ngũ cán bộ tư pháp cần kết hợp nhuần nhuyễn đạo đức và pháp luật trong công tác của mình theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt kết hợp chặt chẽ pháp luật và đạo đức trong cuộc chiến chống 3 thứ giặc nội xâm là quan liêu, tham nhũng, lãng phí, để đảm bảo Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hiệu quả. Trong quá trình dày công giáo dục cán bộ, công chức về các đức tính cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, thì bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành hiện thân, biểu tượng cao đẹp nhất của những đức tính đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành lãnh tụ vĩ đại, đồng thời là người con trung hiếu nhất của dân tộc Việt Nam, của nhân dân Việt Nam. Người cũng là hiện thân của pháp quyền nhân nghĩa và công lý.

Đi đôi với giáo dục đạo đức tận tình, Người kịp thời ban hành pháp luật và thực hiện rất nghiêm minh pháp luật. Ngày 27/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ấn định hình phạt tội Đưa và Nhận hối lộ. Ngày 26/1/1946, Người ký “Quốc lệnh” khép tội Tham ô, Trộm cắp của công vào tội Tử hình. 

Việc xét xử nghiêm minh và y án tử hình với Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu về tội Tham nhũng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tử hình Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trương Việt Hùng về tội Cặp bồ nhí rồi giết vợ thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc... cho thấy rõ, Hồ Chí Minh là người kết hợp nhuần nhuyễn, sáng tạo pháp trị và đức trị trong thực tế xây dựng, điều hành hoạt động của Nhà nước ta. Để xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, xây phải đi đôi với chống. Xây là ra sức giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng. Khen thưởng người tốt đi đôi với trừng phạt người xấu. Cần chống chủ nghĩa cá nhân và dùng pháp luật nghiêm trị những kẻ vi phạm pháp luật và thoái hoá đạo đức trầm trọng. “Đức trị” phải đi đôi với “pháp trị”. Phải đánh thắng giặc nội xâm là tham nhũng, lãng phí, quan liêu, làm cho bộ máy Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh mới có thể đánh thắng giặc ngoại xâm, phát triển đất nước giàu mạnh, hùng cường.

Nguyễn Thế Thắng