Bác Hồ là nguyên thủ quốc gia, vì thế, hầu như Bác phải thường xuyên giải quyết những vấn đề thuộc về ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trong quản lý của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong con người Bác có các cặp rất hài hòa, chỉnh thể như: Nghiêm khắc - độ lượng; có lý - có tình; nghĩa trọng - tình sâu,... Đối với ngành tư pháp, Bác bao giờ cũng thành tâm trong xử lý mọi việc trên cơ sở phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư. Nghĩa là xử lý trong công tác tư pháp phải nghiêm minh, đúng pháp luật, vì việc công và vì lẽ phải, nếu có cơ hội, có cơ sở thì phải tận dụng khơi dậy tính tốt, điều tốt, dù nhỏ, cho con người, mở cho người phạm lỗi một lối thoát hiếu sinh, chứ không phải đày đọa người ta cả về vật chất và tâm trí.
|
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao chụp ảnh kỷ niệm với Đoàn đại biểu VKSND tối cao Liên Xô nhân dịp Đoàn đến thăm và làm việc tại Việt Nam. (Ảnh: tư liệu) |
Trong cuộc đời mình, Bác đã phải chịu một cái án tử hình vắng mặt do thực dân Pháp chỉ đạo Tòa án phong kiến Nam Triều ở Vinh (Nghệ An) tuyên cuối năm 1929. Bác phải qua hai lần bị tù: Lần thứ nhất là năm 1931-1933 do chính quyền thực dân Anh tại Hong Kong bắt. Cái đận khổ ải trong tù đó, Bác bị lao phổi, may mà nhờ Quốc tế cứu tế đỏ, đặc biệt là nhờ Luật sư người Anh Loseby bào chữa nên trắng án. Lần thứ hai là Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc bắt và giam giữ hơn 1 năm (1942-1943), bị giải đi qua mấy chục nhà lao, cơ thể trong tù bị héo mòn, bị “Gầy đen như quỷ đói/Ghẻ lở mọc đầy thân” ... Cảnh trong tù “một ngày trong tù bằng ngàn thu ở ngoài”, nếm trải bao nhiêu oan khuất, đau khổ, nhất là bị mất tự do. Ôi, cái giá trị tự do muôn năm cũ mà sao khó thế dưới chế độ thực dân! Có lẽ như thế chăng, mà Bác thấm được nỗi niềm của con người cần có tự do.
Với kinh nghiệm từng trải trong quá trình hoạt động ở nhiều môi trường, Bác thường nhắc nhở cán bộ làm công tác tư pháp rằng, chớ có lôi án cũ ra làm án mới. Cách mạng thành công, lập được chính quyền mới, bao nhiêu là công việc cần phải làm, Bác lo lắng rằng, có thể có một số người vì mang tâm lý tư thù rất dễ dẫn đến việc lôi những án cũ ra để trả thù. Phải chặn ngay, như chặn một luồng sát khí từ cái mặt trái trong hành động xuất phát từ cái tính nhỏ nhen của con người.
Trong một bức thư gửi tới một hội nghị tư pháp toàn quốc, Bác khuyên những người thi hành pháp luật phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình là người được Nhà nước và Nhân dân giao cho quyền thực thi pháp luật, làm việc để phụng sự đất nước, phụng sự Nhân dân, phải thực thi pháp luật cho rõ ràng, minh bạch, khách quan, theo đúng quy định của pháp luật. Bác có quan điểm phát triển ngành tư pháp là cơ sở để xã hội phát triển; tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ Nhân dân.
Có lúc Bác nói đùa với cán bộ tư pháp rằng, nếu các cô các chú thất nghiệp thì tốt, nghĩa là nếu xã hội tốt đẹp, không có ai phạm tội cả thì không cần tới lực lượng công an, kiểm sát, tòa án. Nhưng cái xấu, cái ác vẫn cứ lẩn khuất đâu đây trong con người rất dễ bùng phát khi có dịp. Thế là xã hội phải có đủ lực lượng của con người chuyên trách tư pháp để giữ cho xã hội bình yên, cho một môi trường trong sạch, minh bạch và công bằng, để cho bất cứ mỗi con người nào sống dưới gầm trời này đều được hưởng những quyền cơ bản của con người, trong đó quyền lớn nhất là quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Bác cũng là một tấm gương đưa ra và thực hành quan điểm xử lý đối với những người có lỗi lầm một cách nghiêm minh, độ lượng. Đau lòng lắm, nhưng với tư cách là Chủ tịch nước, Bác đành phải y án tử hình cán bộ cao cấp – Đại tá, Cục trưởng Cục quân nhu Trần Dụ Châu trong kháng chiến chống Pháp khi vị này mắc rất nhiều tội nặng mà tòa án xử tử hình. Nghiêm là thế, nhưng cơ bản Bác là con người nhân ái, vì Bác coi ở đời và làm người là thương người, thương nhân loại đau khổ. Tinh thần nhân văn của Bác là tất cả vì con người, luôn luôn khơi dậy tính thiện của mỗi một con người mà đi đến chỗ bài trừ cái ác. Pháp luật gì thì pháp luật, cuối cùng phải đọng lại ở tinh thần nhân văn, nhân đạo, phải theo phương châm xử lý: Không được vì công mà quên lỗi; không được vì lỗi mà quên công.
Hành xử ở đời, theo Bác phải yêu cái thiện, ghét cái ác, bao giờ cũng phải xử lý vừa có lý, vừa có tình. Thật lý thú khi đọc lại bài trả lời phỏng vấn của Bác cho báo Freres d’Armes vào tháng 5/1948 trên Chiến khu Việt Bắc. Phóng viên hỏi, Bác trả lời hết sức súc tích, ngắn đến mức không thể ngắn hơn được nữa.
“– Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch ghét gì nhất?
– Trả lời: Điều ác.
– Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch yêu gì nhất?
– Trả lời: Điều thiện”.
Thế là đủ!
Năm, tháng qua đi. Đất nước ta đang tiến nhập vào một thời kỳ mới với biết bao thời cơ và thách thức. Vẫn còn đó ngổn ngang đại sự. Nhưng, chúng ta tin vào chính mình, vì trong mỗi bước tiến, đều có những giá trị mà Bác Hồ đã cho chúng ta mang theo. Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu năm nay (19/5/1890 – 19/5/2020), một lần nữa, những cán bộ ngành tư pháp càng hướng về Bác với bao cố gắng để không hổ thẹn với sự chăm lo, dạy bảo ân cần của Bác.