Chỉ thị số 02/CT-VKSTC nêu rõ, năm 2021, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, với phương châm “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Ngành; Viện trưởng VKSND tối cao phát động phong trào thi đua với chủ đề: “Đoàn kết, kỷ cương, khát vọng cống hiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021” với những nội dung trọng tâm đã được xác định. 

Theo đó, ngành Kiểm sát cần quán triệt sâu sắc Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tích cực triển khai nội dung phát động thi đua của Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Chính phủ; khơi dậy khát vọng cống hiến, vươn lên, tiếp bước truyền thống phát triển của ngành Kiểm sát nhân dân trong đội ngũ công chức, viên chức và người lao động; các đơn vị trong toàn Ngành chủ động căn cứ vào tình hình công tác, phòng chống dịch COVID-19 để phát động và tổ chức thực hiện phòng trào thi đua năm 2021 cho phù hợp.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó viện trưởng Thường trực VKSND tối cao trao Cờ "Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua" năm 2020 của Chính phủ tặng VKSND TP HCM. 

Hướng công tác thi đua vào thực hiện các khâu đột phá, giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề nổi cộm, dư luận quan tâm, đề ra các mục tiêu cụ thể để phấn đấu thực hiện có hiệu quả cao nhất các mục tiêu nêu trong Chỉ thị công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2021: “Thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác tư pháp. Tiếp tục tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm, đấu tranh phòng chống tham nhũng. Sắp xếp, kiện toàn và nâng chất đội ngũ công chức; đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học kiểm sát. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường các nguồn lực bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Bên cạnh đó, Ngành cần thực hiện các phong trào thi đua do Đảng và Nhà nước phát động gắn với công tác xây dựng Ngành: Phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” gắn với phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân thi đua thực hiện văn hóa công sở”.

Tiếp tục đổi mới công tác khen thưởng: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khen thưởng, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, kịp thời, thực chất, công bằng, công khai; tạo động lực để công chức, viên chức người lao động phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Sửa đổi, hủy bỏ các chỉ tiêu thi đua làm triệt tiêu động lực phấn đấu; khuyến khích việc chủ động phát hiện, báo cáo kịp thời và xử lý nghiêm minh tập thể, cá nhân có vi phạm, tiêu cực.

Mặt khác, Ngành cần chú trọng khen thưởng theo đợt (chuyên đề) kết hợp làm tốt công tác khen thưởng định kỳ. Chủ động phát hiện, kịp thời khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, đặc biệt xuất sắc. Nâng cao tỉ lệ khen thưởng các tập thể và cá nhân cấp cơ sở, Viện kiểm sát địa phương.

Tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, qua đó tuyên truyền sâu rộng hình ảnh ngành Kiểm sát nhân dân, người cán bộ Kiểm sát, vị trí, vai trò, thành tựu đóng góp của Ngành trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng chống tham nhũng, cải cách tư pháp, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng hoạt động cụm, khối thi đua. Các cụm trưởng, khối trưởng, Viện trưởng VKSND các cấp, thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao nâng cao trách nhiệm triển khai tổ chức các phong trào thi đua, xây dựng các điển hình tiên tiến; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; xét khen thưởng và đề nghị xét, khen thưởng phải thực chất, hiệu quả, đúng đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, thành tích mang lại hiệu quả thiết thực; tránh tràn lan, hình thức để lấy đủ chỉ tiêu, số lượng.

Đồng thời, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả các phong trào thi đua trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị.

Chỉ thị yêu cầu Viện trưởng VKSND các cấp, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao quán triệt và phối hợp với tổ chức đảng, đoàn thể trong đơn vị nghiêm túc phát động và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị.
P.V