leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 8/6 (ảnh: VPQH cung cấp).

Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn

Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai nêu rõ, thời gian qua, thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, thanh khoản dòng tiền.

Cùng với đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể nói là khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp bất động sản chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu, nhất là trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 là rất lớn. Điều này gây bức xúc cho nhiều người dân, làm sụt giảm niềm tin của thị trường và nhà đầu tư nên việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu đạt thấp thì tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Do đó, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Phó Thủ tướng cho biết trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này? Những giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường này phát triển an toàn, lành mạnh trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Sùng A Lềnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, hiện nay thị trường bất động sản, trái phiều doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô. Nguyên nhân là bởi quản lý, sử dụng dòng tiền trong đòn bẩy tài chính còn chưa hợp lý, có một số vi phạm, sai phạm trên thị trường, các doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính sau đại dịch… 

leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn của đại biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Phó Thủ tướng phân tích, thị trường bất động sản gặp khó khăn do nguyên nhân pháp lý, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, chưa phù hợp, năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập hai tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do hai đồng chí Phó Thủ tướng làm tổ trưởng để nghiên cứu, đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp. 

Hai Tổ công tác đã có báo cáo, Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo để hoàn thiện căn cứ pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp hoạt động thông suốt, hiệu quả. Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo công khai, minh bạch, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức, pháp luật, ổn định tâm lý. 

Hiện nay, Chính phủ cũng đã ban hành, sửa đổi nhiều Nghị định, chỉ đạo trực tiếp các dự án bất động sản. Gần đây, dù còn nhiều khó khăn, nhưng việc phát hành, thanh toán, gia hạn, đáo hạn đã ổn định, dần tháo gỡ khó khăn trên tinh thần thực hiện trách nhiệm trên hợp đồng dân sự, tuy nhiên Nhà nước phải tham gia kiểm tra, kiểm soát để thúc đẩy việc thực hiện theo các cam kết, nghĩa vụ, xử lý nghiêm nếu có sai phạm để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, nhà đầu tư. 

Một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp

Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công chậm diễn ra trong nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết triệt để, trong đó một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Đại biểu Vương Thị Hương đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết nguyên nhân, trách nhiệm xử lý và giải pháp căn cơ trong thời gian tới để giải quyết vấn đề này.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Trả lời câu hỏi trên của đại biểu Vương Thị Hương, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm đạt 22,2%, tương đương mức giải ngân vốn đầu tư năm 2022 cùng kỳ. Qua tương quan so sánh với 5 tháng đầu năm của những năm trước, Phó Thủ tướng cho rằng mức giải ngân này không phải là chậm so với các năm, mà đang chậm so với kỳ vọng đưa vốn vào nền kinh tế để làm động lực cho sự tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Về giải pháp, Phó Thủ tướng cho biết, 5 Tổ công tác của Thủ tướng đã có đôn đốc liên quan tới giải phóng mặt bằng, liên quan tới các trình tự, thủ tục đầu tư, liên quan tới năng lực nhà đầu tư, liên quan tới thi công, liên quan tới tuyên truyền cho người dân để đồng thuận trong việc giải phóng mặt bằng để chúng ta tiến hành thi công các dự án...

Các giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực

Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết, một trong những giải pháp cốt lõi để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phải kiểm soát quyền lực, đảm bảo quyền lực được thực thi trong khuôn khổ. Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần đề cập việc kiểm soát quyền lực, xác định đây là vấn đề cốt lõi để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết đâu là giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp).

Trả lời câu hỏi nêu trên của đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả cần kiểm soát được quyền lực, đây là việc có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, do quyền lực có xu hướng gây tha hóa khi không kiểm soát. Kiểm soát quyền lực là việc căn cơ trong phòng chống tham nhũng, giúp loại bỏ, phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm sai phạm.

Phó Thủ tướng cho rằng, thực tiễn cho thấy phải kiểm soát quyền lực chặt chẽ tại các cơ quan quản lý nhà nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, cần thiết lập được cơ chế kiểm soát quyền lực với người có chức vụ, quyền hạn, phải “nhốt” quyền lực vào lồng cơ chế. 

Về giải pháp sắp tới, Phó Thủ tướng cho biết, thứ nhất, phải hoàn thiện cơ chế để thực thi quyền lực nhà nước; xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan quyền lực nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp, tư pháp, lập pháp.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên làm việc của Quốc hội ngày 8/6 (ảnh: VPQH cung cấp).

Thứ hai, phải tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, truy tố, điều tra, xét xử là những cơ quan thực thi pháp luật liên quan tới phòng, chống tham nhũng.

Thứ ba, phải tăng cường giám sát, kiểm soát thực thi của người có chức vụ, quyền hạn. Chúng ta thực hiện cơ chế tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, chịu trách nhiệm, giải trình,… Đặc biệt, đối với những người có chức vụ, quyền hạn phải tự soi, tự sửa, tự rèn luyện.

Thứ tư, phải kết hợp chặt chẽ giữa các cơ chế kiểm soát của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Phó Thủ tướng khẳng định, chúng ta phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, của các tổ chức đoàn thể, vai trò của báo chí, đặc biệt là phát huy vai trò của Nhân dân trong việc tiếp cận thông tin, quyền khiếu nại, tố cáo cũng như phản ánh, kiến nghị của Nhân dân theo quy định. Có làm được như vậy thì công tác phòng, chống tham nhũng mới thực hiện tốt hơn.

Vũ Cảnh