leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 7/6 (ảnh: VPQH cung cấp).

Các giải pháp đăng kiểm phương tiện hiện nay mới chỉ là trước mắt

Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng, việc đăng kiểm phương tiện cơ giới trong thời điểm hiện nay thì không đáng lo. Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, Bộ trưởng trả lời như vậy chỉ đúng một phần, bằng một số giải pháp cấp bách hiện tại như là sửa ban hành Thông tư 08, kéo giãn thời gian đăng kiểm đối với chu kỳ đăng kiểm phương tiện cá nhân dưới 7 chỗ. Đại biểu cho rằng, đây chỉ là giải pháp trước mắt. 

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu tranh luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Nguyễn Trường Giang nhận thấy, với 75% các trung tâm đăng kiểm hiện nay là do các doanh nghiệp ngoài nhà nước đang thực hiện. Doanh nghiệp ngoài nhà nước khi đầu tư thì họ phải thu hồi lại vốn. Tuy nhiên với cơ chế tài chính như hiện nay, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng rất khó để các doanh nghiệp này có thể duy trì được các trung tâm đăng kiểm mà họ xin phép đã được thành lập. 

Do đó, thời gian tới, đại biểu đề nghị cần có đổi mới về cơ chế tài chính, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp ngoài Nhà nước thực hiện, đây mới là giải pháp có thể đảm bảo tính lâu dài. Còn nếu chỉ kéo giãn ra và vẫn giữ cơ chế tài chính như hiện nay thì rất khó có thể tồn tại các trung tâm đăng kiểm do doanh nghiệp ngoài Nhà nước thực hiện như hiện nay.

Trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu Nguyễn Trường Giang, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, những vụ việc xảy ra trong hoạt động đăng kiểm vừa qua hết sức nghiêm trọng, gây ra hệ lụy lớn, khi doanh nghiệp, người dân phải chờ đợi trong hoạt động đăng kiểm.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn (ảnh: VPQH cung cấp).

Có tới 600 lãnh đạo, công chức, viên chức, đăng kiểm viên bị khởi tố, trong 281 đơn vị đăng kiểm thì có tới 106 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa. Vừa qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để tập trung tháo gỡ, khôi phục hoạt động đăng kiểm phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, ngay từ khi nhận công tác đã có nỗ lực nghiên cứu, điều chỉnh lại các quy định đăng kiểm cho phù hợp với thông lệ quốc tế, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân. Bộ đang triển khai khắc phục, khôi phục hoạt động đăng kiểm, đồng thời rà soát lại toàn bộ hoạt động đăng kiểm để đảm bảo yêu cầu hiện đại, thông thoáng, chặt chẽ. 

Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 02, trong đó đề cập đến việc miễn đăng kiểm lần đầu, giãn chu kỳ đăng kiểm để phù hợp với các quy định của các nước trong khu vực.

Bộ GTVT cũng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh khi giãn chu kỳ đăng kiểm thì không cần thiết phải khám xe rồi mới cấp tem kiểm định. Việc làm này đã làm tiết kiệm thời gian cho hơn 1 triệu lượt xe. 

leftcenterrightdel
 Các đại biểu dự phiên làm việc của Quốc hội chiều 7/6 (ảnh: VPQH cung cấp).

Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, còn một số việc cần làm để khôi phục hoạt động đăng kiểm. Bộ đã phối hợp với Bộ Tài chính đưa vào dự thảo luật Giá để loại bỏ giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá Nhà nước quản lý, để thị trường quyết định, đảm bảo thu nhập cho các đăng kiểm viên.

Bộ GTVT cũng đang tập trung tuyển dụng, đào tạo cán bộ đăng kiểm, để có đủ lực lượng bố trí trở lại tất cả các trung tâm đăng kiểm, để tất cả dây chuyền đăng kiểm khi có đủ lực lượng sẽ trở lại hoạt động bình thường.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu tối đa việc kiểm định thủ công, đồng thời thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm qua mạng, thanh toán chuyển khoản.

Làm rõ trách nhiệm và phương án giải quyết của Bộ GTVT đối với các dự án BOT bị ảnh hưởng 

Phát biểu tại Phiên chất vấn, đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai nêu rõ, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, của ngành giao thông, nhiều doanh nghiệp đã chung tay đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT. Tuy nhiên, đến nay, một số doanh nghiệp không có khả năng hoàn vốn đầu tư do Bộ GTVT đầu tư bằng ngân sách nhà nước tuyến song hành hoặc tuyến tránh, làm phá vỡ phương án tài chính của dự án. 

leftcenterrightdel
 Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai phát biểu chất vấn (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu nêu dẫn chứng, cử tri phản ánh và bức xúc khi nhà đầu tư ở Gia Lai đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14 đoạn ở Đắk Lắk theo hình thức BOT. Sau khi đưa vào sử dụng chưa được 1 năm thì Bộ GTVT đầu tư từ ngân sách nhà nước tuyến tránh thị xã Buôn Hồ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp và doanh nghiệp đang đứng bên bờ phá sản.

Đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết trách nhiệm của mình và phương án giải quyết vấn đề trên?

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án BOT, tuy nhiên sau đó nhà nước mở tuyến nhánh song song làm ảnh hưởng đến hiệu quả của các dự án đầu tư tuyến BOT. Bộ trưởng cho biết, trong quá trình phát triển đất nước, chiến lược phát triển hạ tầng giao thông đôi khi không lường hết được các khả năng. 

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực GTVT chiều 7/6 (ảnh: VPQH cung cấp).

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, cách đây 10, 15 năm, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông rất lớn, nguồn lực có hạn, chúng ta đã tạo mọi điều kiện để mời gọi nhà đầu tư. Đến khi kinh tế xã hội phát triển, chúng ta xây dựng những kế hoạch, chiến lược, cùng với sự phát triển thực tiễn, khi rà soát lại, ta thấy cần tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, chính vì thế, nhiều dự án bị ảnh hưởng. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, khi hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông, rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bị chia sẻ lưu lượng. 

Ngay trong Luật PPP cũng quy định, khi một dự án đầu tư BOT của doanh nghiệp nếu doanh thu vượt quá 125% so với dự tính thì nhà đầu tư phải chia sẻ lại cho nhà nước. Nếu doanh thu thấp hơn dưới 75% so với dự tính, thì Nhà nước phải chia sẻ với doanh nghiệp.

Riêng với dự án này, khi làm tuyến tránh Buôn Hồ, dự án BOT Quang Đức bị ảnh hưởng. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có ý kiến giao Bộ GTVT nghiên cứu, trình Chính phủ phương án mua lại của nhà đầu tư. Đây là một tồn tại, hạn chế. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cơ chế thu phần vốn nhà nước đầu tư trên các tuyến cao tốc, cơ chế xử lý với các tuyến BOT bị ảnh hưởng do Nhà nước đầu tư các tuyến cao tốc, tuyến đường tránh...

Vũ Cảnh - Hồng Nguyên