Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Nguyễn Hải Trâm, Nguyễn Quang Dũng; các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSND tối cao; tập thể Ban giám hiệu, trưởng các phòng, khoa thuộc các cơ sở đào tạo trong Ngành; lãnh đạo Viện, công chức có liên quan các VKSND cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện; Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, khu vực…

leftcenterrightdel
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao. 

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, kết nối điểm cầu chính tại trụ sở VKSND tối cao đến các điểm cầu trong toàn Ngành.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, sau hơn 10 năm kể từ ngày thành lập VKSND (1960 - 1970), ngành KSND đã tiến hành tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; xác định phương hướng, nhiệm vụ và nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng mới cho phù hợp với yêu cầu chính trị và đặc điểm thời chiến. Ngày 25/4/1970, Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát được thành lập, đánh dấu một bước tiến lớn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành KSND.

Trong 10 năm tiếp theo (từ năm 1976 đến năm 1985), ngành KSND luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng cán bộ không chỉ nắm vững các quan điểm, chủ trương của Đảng về pháp chế XHCN mà còn không ngừng tăng cường xây dựng lý luận khoa học công tác kiểm sát, bước đầu xây dựng đội ngũ chuyên gia trong từng lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ngành, xây dựng được hệ thống giáo trình môn học kiểm sát tương đối hoàn chỉnh.

Giai đoạn 1986 - 2010, công tác đào tạo, bồi dưỡng đã bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành KSND và tiêu chuẩn cán bộ của thời kỳ đổi mới để hướng tới nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ chuẩn hóa và nâng cao trình độ về lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn,... cho đội ngũ công chức nói chung, trong đó có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc VKSND các cấp.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao điều hành Hội nghị.

Giai đoạn 2011 - 2020 là giai đoạn đánh dấu bước phát triển vượt bậc, sự chuyển biến về chất trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành KSND. Kết quả nổi bật trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn này là vào ngày 24/4/2013, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại Hà Nội. Đây là kết quả của khát vọng, trí tuệ, tâm huyết của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại Hà Nội (nay là Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội) nói riêng và của cả ngành KSND nói chung và đã tạo ra một chương mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành KSND.

Trong hơn 60 năm, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao xác định là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm của ngành Kiểm sát để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế; đồng thời đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đã đạt được những kết quả nổi bật.

Theo đó, kết quả đào tạo, bồi dưỡng đại học, đã đào tạo chính quy 8 khóa với hơn 2.507 sinh viên; đào tạo văn bằng 2: 1 khóa với 76 học viên, hiện đang đang đào tạo khóa 2 với 78 học viên.

Đào tạo sau đại học 2 khoá với 91 học viên; trung cấp là 2.430 sinh viên; cao đẳng là 9.133 sinh viên.

Đào tạo nghiệp vụ kiểm sát để tạo nguồn bổ nhiệm Kiểm sát viên, trong đó đào tạo nghiệp vụ kiểm sát là 7.308 học viên; đào tạo nguồn nhân lực nghiệp vụ kiểm sát: Tổng số 6 khóa với 72 học viên tốt nghiệp; lớp hoàn chỉnh kiến thức nghiệp vụ kiểm sát: Tổng số 7 khóa với 715 học viên… Hoạt động bồi dưỡng cán bộ, Kiểm sát viên luôn được quan tâm thực hiện và tập trung vào những chương trình cơ bản và với tổng số 24.739 học viên.

Tại Hội nghị, dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao, đại diện lãnh đạo Vụ 15 - VKSND tối cao, VKSND cấp cao tại Hà Nội, các cơ sở đào tạo của Ngành và VKSND một số địa phương đã phát biểu tham luận đề cập đến những kết quả đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; nêu lên những tồn tại, hạn chế và kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị, của Ngành trong thời gian tới. 

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao khẳng định, kể từ khi thành lập cho đến nay, ngành KSND luôn quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng thời, qua các giai đoạn cách mạng, Ngành đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên đủ đức, đủ tài hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Đây chính là niềm tự hào của ngành KSND.

Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh, trong hơn 60 năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao xác định là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm của ngành Kiểm sát để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế. Việc tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hội thảo khoa học về các vấn đề pháp luật và công tác kiểm sát tại các nước: Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Hungary… cũng góp phần vào việc nâng cao năng lực xây dựng và thực thi pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp cho cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu cần nhìn thẳng vào những hạn chế, thiếu sót, những vướng mắc khó khăn để tiếp tục rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, từ đó có những tham mưu cho Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao đề ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, Kiểm sát viên.

Viện trưởng Lê Minh Trí yêu cầu các cơ sở đào tạo của ngành Kiểm sát nhân dân cần tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc VKSND tối cao và VKSND các cấp đổi mới phương pháp giảng dạy, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đội ngũ giảng viên. Cùng với quá trình đào tạo tri thức, các cơ sở cần chú trọng các hoạt động hướng nghiệp, hoạt động thực tập cuối khóa của sinh viên, đặc biệt là thực tế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; đào tạo các kỹ năng mềm (tin học, ngoại ngữ, giao tiếp…); giáo dục đạo đức, lối sống, trách nhiệm và bản lĩnh nghề nghiệp cho sinh viên, học viên để xây dựng đội ngũ cán bộ tuyệt đối trung thành với Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn cao, có khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn hoạt động công tác kiểm sát.

Tập trung củng cố, tăng cường năng lực của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Ngành về mọi mặt nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Mặt khác, mỗi cán bộ cùng với việc được đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong Ngành thì phải tự học từ thực tiễn; cập nhật những kiến thức mới, kinh nghiệm mới; đồng thời phải gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng với công tác quy hoạch, rèn luyện, đánh giá, luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ, để góp phần có được đội ngũ cán bộ “Vừa hồng, vừa chuyên”.

Cùng với đó, cần tiếp tục kiện toàn, củng cố các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Ngành; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị, cơ sở đào tạo trong và ngoài Ngành; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng, mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng giữa VKSND Việt Nam với Viện công tố, Viện kiểm sát các nước, nhất là trong đào tạo về chứng cứ điện tử, điều tra kỹ thuật số…

Đắc Thái