Quy định mới về tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước
Ngày 6/3/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2024/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước. Nghị định có hiệu lực từ 1/5/2024.
Về tiêu chuẩn chung áp dụng đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý, Điều 4 Nghị định số 29/2024/NĐ-CP quy định về chính trị tư tưởng bao gồm: Trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng về độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng.
Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật.
|
|
Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. (Ảnh minh hoạ: TTXVN) |
Có tinh thần yêu nước, đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân.
Chấp hành sự phân công của cơ quan, tổ chức; tuân thủ kỷ luật phát ngôn theo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng và pháp luật.
Về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, Nghị định nêu rõ: Có phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực; lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị; có tinh thần cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; không tham nhũng, vụ lợi; không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.
Có trách nhiệm cao với công việc.
Có tinh thần đoàn kết, gương mẫu; có khả năng sử dụng, trọng dụng người có tài năng, hướng dẫn, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công chức, viên chức, người lao động.
Tích cực đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lối sống cơ hội, bè phái, lợi ích nhóm.
Tuân thủ và thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức, kỷ luật, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; thực hiện các quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác; báo cáo đầy đủ, trung thực với cấp trên; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, khách quan khi có yêu cầu; thực hiện việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập theo quy định.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định về trình độ; về năng lực và uy tín; về sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác…
Quy định mới về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân
Ngày 26/3/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg, quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, có hiệu lực từ 15/5/2024.
Về nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân, Quyết định nêu rõ: Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí khâu phát điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.
Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng.
Khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.
Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.
9 loại và nhóm loại hàng hoá nguy hiểm
Ngày 31/3/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2024/NĐ-CP quy định về Danh mục hàng hoá nguy hiểm, vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa. Nghị định có hiệu lực từ 15/5/2024.
Theo đó, tuỳ theo tính chất hóa, lý, hàng hoá nguy hiểm được phân thành 9 loại và nhóm loại gồm: Loại 1. Chất nổ và vật phẩm dễ nổ.
Loại 2. Khí gồm khí dễ cháy; khí không dễ cháy, không độc hại; khí độc hại.
Loại 3. Chất lỏng dễ cháy và chất nổ lỏng khử nhạy.
Loại 4, gồm: Chất rắn dễ cháy, chất tự phản ứng và chất nổ rắn được ngâm trong chất lỏng hoặc bị khử nhạy; chất có khả năng tự bốc cháy; chất khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy.
Loại 5 gồm: Chất ôxi hóa; Perôxít hữu cơ.
Loại 6 gồm: Chất độc; chất gây nhiễm bệnh.
Loại 7: Chất phóng xạ.
Loại 8: Chất ăn mòn.
Chất và vật phẩm nguy hiểm khác.
Bên cạnh đó, theo Nghị định, các bao bì, thùng chứa hàng hóa nguy hiểm nhưng chưa được làm sạch bên trong và bên ngoài sau khi dỡ hết hàng hóa nguy hiểm cũng được coi là hàng hóa nguy hiểm tương ứng.
Quy định mới về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”
Ngày 2/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2024/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 25/5/2024.
Nghị định đã quy định về nguyên tắc xét tặng và cách tính thành tích. Cụ thể, các thành tích để xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” phải đạt được trong thời gian công tác trong ngành Giáo dục. Không sử dụng thành tích đã được xét và phong tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước bao gồm Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú để đề nghị xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”.
Thời gian được cơ quan, đơn vị quản lý theo thẩm quyền cử đi học tập trung sau khi được tuyển dụng vào ngành Giáo dục được tính là thời gian công tác trong ngành Giáo dục và không được tính là thời gian trực tiếp giảng dạy.
|
|
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao trao danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” của Chủ tịch nước phong tặng PGS.TS Vũ Thị Hồng Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. |
Trong quá trình xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”, nếu cá nhân chuyển đổi vị trí công tác thì xét theo chức danh tại thời điểm cá nhân nộp hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” tại Hội đồng cấp cơ sở.
Cá nhân được hưởng lương và bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm tại đơn vị nào thì đề nghị xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” tại đơn vị đó.
Đối với nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục có thời gian giữ chức vụ quản lý từ 36 tháng trở lên hoặc từ 3 năm học trở lên tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” thì áp dụng tiêu chuẩn thành tích của tập thể theo quy định tại khoản 5 Điều 7 và khoản 5 Điều 8 Nghị định này.
Việc xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” phải chú trọng tới nhà giáo trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy; nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục trực tiếp tổ chức hoạt động giáo dục, giảng dạy người khuyết tật và người học có hoàn cảnh đặc biệt; nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ. Thời gian công tác của nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 64 Luật Thi đua, khen thưởng.
Cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục trong thời gian giữ chức vụ quản lý, có tham gia nuôi dạy, giảng dạy đủ định mức tối thiểu theo quy định thì được tính thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy và được quy đổi.
Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” các cấp chỉ được trình cấp có thẩm quyền các trường hợp đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ theo quy định tại Nghị định này.
Điều kiện xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật
Ngày 4/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2024/NĐ-CP quy định chi tiết xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật. Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/5/2024.
Về điều kiện xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật, Nghị định quy định: Tác giả có tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật phải trung thành với Tổ quốc, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tác giả là người nước ngoài có tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật, nghiên cứu về Việt Nam đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp và phong tục tập quán tốt đẹp của Việt Nam.
|
|
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật cho tác giả. (Ảnh: VGP) |
Tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
Đã được công bố, sử dụng dưới các hình thức xuất bản, kiến trúc, triển lãm, sân khấu, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, giảng dạy, đĩa hát kể từ ngày 2/9/1945. Thời gian tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật được công bố, sử dụng tối thiểu là 5 năm đối với “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và 3 năm đối với “Giải thưởng Nhà nước” tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” hoặc “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao hoặc Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương.
Không có tranh chấp về quyền tác giả kể từ thời điểm được công bố, sử dụng hoặc có tranh chấp nhưng đã được giải quyết bởi cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm nộp hồ sơ xét tặng.