Theo Bộ Quốc phòng cho biết, Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai yêu cầu "Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan theo hướng khắc phục các chồng chéo, xung đột, bổ sung các quy định mới bảo đảm sự thống nhất, phù hợp, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai".

Hiến pháp năm 2013 quy định "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng" (khoản 2 Điều 14), trong khi đó, nhiều biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp (TTKC) đang được điều chỉnh bởi Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000.

Nghị quyết số 41/2021/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã yêu cầu Chính phủ "sớm nghiên cứu, đề xuất nâng Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp lên thành luật, trong đó có nội dung TTKC về dịch bệnh".

leftcenterrightdel
 Bộ đội cùng dân quân địa phương tham gia đắp đê ngăn lũ. (Ảnh minh hoạ: Nguồn Báo QĐND)

Về cơ sở thực tiễn, hiện nay, pháp luật về TTKC được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, từ Hiến pháp, luật và văn bản dưới luật. Cụ thể: Hiến pháp năm 2013; Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000; Luật An ninh quốc gia năm 2004; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007; Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi năm 2020; Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015; Luật Thú y năm 2015; Luật Quốc phòng năm 2018; Luật Dân quân tự vệ năm 2019; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 71/2002/NĐ-CP, Nghị định số 74/2002... Mặc dù có nhiều văn bản quy định về TTKC, song các văn bản, quy định này còn nhiều bất cập, chưa đầy đủ, hoàn thiện, một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo.

Cùng với đó, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu; ước tính trong 20 năm qua, các loại hình sự cố, thiên tai như bão, lũ,... đã khiến gần 20.000 người chết và mất tích, thiệt hại hơn 6,4 tỉ USD.

Bên cạnh đó, sự khai thác vượt quá mức tiềm năng kinh tế xã hội trên các vùng miền của đất nước đã làm nảy sinh các vấn đề, tiềm ẩn nguy cơ đối với môi trường và sự an toàn của người dân. Dịch bệnh nguy hiểm xảy ra thường xuyên với mức độ cao hơn. Các thế lực thù địch, phản động không ngừng các hoạt động chống phá. Vì vậy phải thường xuyên củng cố, hoàn thiện các biện pháp ứng phó trong các tình huống khẩn cấp để bảo vệ Nhân dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước.

Từ những cơ sở trên việc xây dựng, ban hành Luật về tình trạng khẩn cấp là cần thiết để hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Cũng theo cơ quan chủ trì, mục đích xây dựng Luật nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về TTKC; tạo lập cơ sở pháp lý, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật nhằm tăng cường tính chủ động trong việc ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp, góp phần bảo vệ Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Dự án Luật đề cập đến 6 chính sách gồm: Chính sách 1: Tăng thẩm quyền của một số chủ thể trong TTKC;

Chính sách 2: Rút gọn trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trình tự thủ tục thi hành án dân sự, xử lý vi phạm hành chính.

Chính sách 3: Quy định các biện pháp đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó trong TTKC, phục hồi sản xuất kinh doanh sau TTKC;

Chính sách 4: Quy định các biện pháp đặc biệt cứu trợ, hỗ trợ người dân để ứng phó, khắc phục hậu quả trong TTKC.

Chính sách 5: Bổ sung các biện pháp áp dụng trong tình huống sự cố, thảm họa có nguy cơ gây ra hoặc gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa ban bố TTKC; Chính sách 6: Quy định các biện pháp Tòa án có thể áp dụng trong TTKC để duy trì hoạt động xét xử.

P.V