* Không có rèm cửa, dụng cụ chống nắng bị phạt đến 5 triệu đồng

Nghị định 45/2019/NĐ-CP ban hành ngày 21/5/2019, có hiệu lực từ 1/8/2019 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối cới tổ chức là 100 triệu đồng.

Đáng chú ý, Nghị định này lần đầu tiên quy định xử phạt các hành vi vi phạm vận tải hành khách bằng đường bộ và đường thủy.

Theo đó, tại điểm c khoản 3 Điều 17 quy định xe ô tô vận tải khách du lịch từ 09 chỗ trở lên vi phạm quy định không có rèm cửa chống nắng bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng và hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng biển hiệu vận tải khách du lịch trong thời gian từ 01 tháng đến 06 tháng.

Tại điểm g khoản 3 Điều 18 quy định phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa từ 20 ghế ngồi trở lên vi phạm quy định không có dụng cụ chống nắng bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động từ 01 đến 03 tháng.

* Tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy... bị phạt đến 10 triệu đồng

Cùng có hiệu lực từ ngày 1/8, Nghị định 46/2019/NĐ-CP ban hành ngày 27/5/2019 quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao. Đáng chú ý, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thể thao được quy định tại Nghị định này là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức (quy định tại khoản 1 Điều 5).

Một số quy định đáng chú ý có thể kể đến, tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này quy định hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu và một hoặc nhiều hình thức bổ sung như: tịch thu tài liệu, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể thao; đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tài liệu hướng dẫn sử dụng phương pháp bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao.

Tại khoản 1 Điều 9 quy định, đối với hành vi chửi bới, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự; phản ứng không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam trong lĩnh vực này sẽ bị phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải xin lỗi công khai (quy định tại khoản 4 Điều 9).

Hành vi cố ý gây chấn thương, chơi thô bạo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người khác trong tập luyện, thi đấu thể thao (khoản 2 Điều 9) cũng bị phạt từ 20 đến 25 triệu đồng và chịu hình thức xử phạt bổ sung là cấm tham dự các giải đấu từ 03 tháng đến 06 tháng.

* Phạm nhân gia cảnh khó khăn sẽ được ưu tiên đề nghị đặc xá

Nghị định 52/2019/NĐ-CP ban hành ngày 14/6/2019, có hiệu lực từ ngày 1/8/2019 quy định chi tiết một số điều của Luật Đặc xá.

Theo đó, các trường hợp phạm nhân được ưu tiên đề nghị đặc xá gồm: Người bị kết án phạt tù có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt trong suốt quá trình chấp hành án; người bị kết án phạt tù đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự; người bị kết án phạt tù có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình... 

* Quy định về việc nhận quà tặng và xử lý quà tặng

Nghị định 59/2019/NĐ-CP ban hành ngày 1/7/2019, có hiệu lực từ ngày 15/8/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng, chống tham nhũng nêu rõ quy định về việc nhận quà tặng tại Điều 25.

Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này. 

* Tăng trợ cấp, phụ cấp của người có công với cách mạng

Nghị định 58/2019/NĐ-CP ban hành ngày 1/7/2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2019 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Theo nghị định này, mức chuẩn để xác định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1,624 triệu đồng, cao hơn mức hiện tại 109.000 đồng.

Cụ thể, với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh sẽ được hưởng mức trợ cấp tối thiểu 1,094 triệu đồng, tối đa 5,207 triệu đồng.

Thương binh loại B được trợ cấp tối thiểu 904.000 đồng, tối đa 4,308 triệu đồng.

Thương binh, thương binh loại B suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên có vết thương đặc biệt nặng hưởng phục cấp 1,67 triệu đồng. Bệnh binh sẽ hưởng trợ cấp tối thiểu 1,695 triệu đồng, tối đa 2,086 triệu đồng.  

* Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn pháp luật

Nghị định 55/2019/NĐ-CP ban hành ngày 24/6/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 16/8/2019 của Chính phủ quy định các doanh nghiệp được hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật theo từng mức tương ứng với quy mô hoạt động.

Theo đó, doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí, nhưng không quá 3 triệu đồng/năm. Doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 5 triệu đồng/năm. Doanh nghiệp vừa được hỗ trợ tối đa 10% chi phí, nhưng không quá 10 triệu đồng/năm…

Kinh phí bảo đảm cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do ngân sách nhà nước đảm bảo, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước hàng năm, dựa trên cơ sở kế hoạch triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh.

PV