* CÁC NGHỊ ĐỊNH CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 5.2019

Quy định về cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc

Từ ngày 1/5, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phải xuất trình chứng minh nhân dân (CMND) hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu.

Ngoài ra phải xuất trình thêm giấy giới thiệu hoặc công văn của cơ quan, tổ chức khi đại diện cơ quan, tổ chức đến yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ.

Khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan, tổ chức được giao cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ có trách nhiệm cung cấp ngay trong ngày làm việc hoặc theo thời gian thống nhất với bên yêu cầu cung cấp. Từ chối phải trả lời bằng văn bản lý do không cung cấp.

Đây là một trong những quy định đáng chú ý được nêu tại Nghị định 27 của Chính phủ hướng dẫn Luật Đo đạc và bản đồ được Chính phủ ban hành ngày 13/3.

Áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân

Nghị định 28/2019/NĐ-CP về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân sẽ có hiệu lực từ ngày 5/5/2019.

Theo đó, hướng dẫn áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo như sau:

- Áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân thực hiện theo Điều 3 Luật Tố cáo năm 2018.

- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của quân nhân dự bị thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng động viên, chiến đấu được áp dụng theo Luật Tố cáo và Nghị định này.

- Các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân; không được quy định trong Nghị định này thì thực hiện theo Luật Tố cáo và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Quy định mới về hoạt động cho thuê lại lao động

Cho thuê lại lao động là nội dung nổi bật tại Nghị định 29/2019/NĐ-CP hướng dẫn Khoản 3 Điều 54 Bộ Luật Lao động về cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động có hiệu lực kể từ ngày 5/5/2019.

Theo đó, Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động (sau đây gọi tắt là Giấy phép), được kéo dài thời hạn lên tối đa là 60 tháng, thay vì 36 tháng theo quy định hiện hành tại Nghị định 55/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013. Giấy phép được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối đa là 60 tháng thay vì chỉ được gia hạn không quá 02 lần, mỗi lần gia hạn không quá 24 tháng như hiện nay…

Bãi bỏ 2 điều kiện để doanh nghiệp được cấp giấy phép: Điều kiện về vốn pháp định; về địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Bổ sung 03 công việc vào danh mục công việc được cho thuê lại lao động, bao gồm: quản lý, vận hành, bảo dưỡng và phục vụ trên tàu biển; quản lý, giám sát, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng và phục vụ trên giàn khoan dầu khí; lái tàu bay, phục vụ trên tàu bay, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay, điều độ, khai thác bay, giám sát bay. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải niêm yết công khai bản chính giấy phép tại trụ sở chính thay vì bản sao như quy định tại Điều 11 Thông tư 01/2014/TT-BLĐTBXH ngày 8/1/2014 …

Quy định hình thức xử lý đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức

Nghị định 31 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo được Chính phủ ban hành ngày 10/4 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 28/5 tới đây.

Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định này là quy định các biện pháp xử lý đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức tùy theo tính chất, mức độ, vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có một trong các hành vi như biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo.

Hành vi cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật hoặc sử dụng họ tên của người khác để tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ hoặc ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cũng sẽ có hình thức xử lý tương tự.

Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ôtô

Quyết định 16 của Thủ tướng có hiệu lực từ 15/5 quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ôtô tham gia giao thông và ôtô đã qua sử dụng nhập khẩu ngày 28/3.

Lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải đối với ôtô tham gia giao thông. Cụ thể, ôtô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ôtô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất trước năm 1999 được tiếp tục áp dụng Mức 1; ôtô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ôtô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất từ năm 1999 đến hết năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 1/1/2021.

Ôtô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ôtô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất sau năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 1/1/2020.

* CÁC THÔNG TƯ CÓ HIỆU LỰC TRONG THÁNG 5/2019

Thay đổi công thức tính điểm xét tốt nghiệp THPT năm 2019

Thông tư 03/2019/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế thi THPTQG và xét công nhận tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 3/5/2019.

Theo đó, công thức tính điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN) THPT năm 2019 như sau:

- Đối với giáo dục Trung học phổ thông (THPT):

ĐXTN = [{(Tổng điểm 4 bài thi + Tổng điểm khuyến khích (nếu có)) /4} x 7 + {(Điểm trung bình cả năm lớp 12) x 3}] / 10 + Điểm ưu tiên (nếu có).

- Đối với giáo dục thường xuyên (GDTX):

ĐXTN = [{(Tổng điểm 3 bài thi) / 3 + (Tổng điểm khuyến khích (nếu có)) / 4} x 7 + {(Điểm trung bình cả năm lớp 12) x 3}] / 10 + Điểm ưu tiên (nếu có).

Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc quản lý của Bộ Công an

Từ ngày 10/5/2019, Thông tư 08/2019/TT-BCA về danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (nhóm 2) thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công an chính thức có hiệu lực.

Danh mục gồm 31 sản phẩm, hàng hóa nhóm 2; đơn cử như: súng bắn lưới; súng điện đa năng (điện tử, đạn điện,...); đạn cao su 9,5 mm…

Học sinh lớp 1 học kỹ năng phòng chống xâm hại

Tại Thông tư 05 của Bộ Giáo dục & Đào tạo mới được ban hành đầu tháng 4/2019, bộ này yêu cầu danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 phải có bộ tranh về phòng tránh bị xâm hại, giúp học sinh hình thành năng lực tìm tòi khám phá kiến thức thông qua quan sát, vận dụng vào thực tế cuộc sống.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Bộ tranh gồm 2 tờ tranh minh họa về phòng tránh bị xâm hại. Trong đó, một tranh minh họa quy tắc bảo vệ cơ thể bé trai và bé gái phải có dòng chữ “Hãy nhớ! Không để ai sờ, động chạm vào cơ thể được đồ lót che kín. Trừ khi học sinh cần được bác sỹ thăm khám”.

Một tranh khác minh họa 3 bước phòng tránh xâm hại thông qua hình ảnh như bỏ chạy để thoát khỏi tình huống nguy hiểm hoặc kể lại với người thân… về những gì đã xảy ra với mình.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 21/5.

Tạm đình chỉ tư cách luật sư nếu “trốn” bồi dưỡng nghiệp vụ

Từ ngày 5/5, Thông tư 02 của Bộ Tư pháp chính thức có hiệu lực, quy định về việc tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư.

Thời gian tham gia bồi dưỡng tối thiểu được quy định trong văn bản pháp luật này là 8 giờ/năm. Luật sư được tính quy đổi thời gian tham gia bồi dưỡng khi: viết bài nghiên cứu pháp luật được đăng trên các tạp chí chuyên ngành luật trong hoặc ngoài nước; viết sách được xuất bản về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp…

Trong trường hợp, luật sư có hành vi vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật với các mức như khiển trách, cảnh cáo hoặc tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn Luật sư từ 6 đến 12 tháng.

Cộng điểm ưu tiên cho thí sinh có bằng trung cấp nghề

Thông tư 03 của Bộ Giáo dục & Đào tạo sửa đổi Quy chế thi THPT quốc gia nêu rõ, học sinh THPT, học viên giáo dục thường xuyên có giấy chứng nhận nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trong thời gian học THPT thì được cộng điểm ưu tiên khi xét tốt nghiệp THPT.

Cụ thể, cộng 2 điểm nếu xếp loại giỏi với Giấy chứng nhận nghề, loại xuất sắc và giỏi đối với bằng trung cấp; cộng 1,5 điểm nếu xếp loại khá với Giấy chứng nhận nghề, loại khá và trung bình khá với bằng trung cấp; cộng 1 điểm nếu xếp loại trung bình.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 3/5.

Chỉ được nhập khẩu ôtô dưới 16 chỗ chở người qua 5 cửa khẩu

Thông tư 06 của Bộ Công thương có hiệu lực từ ngày 8/5 quy định ôtô chở người dưới 16 chỗ ngồi chỉ được nhập khẩu về Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển: Quảng Ninh (Cái Lân), Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thông tư 06 không áp dụng đối với các trường hợp như nhập khẩu, tạm nhập tái xuất của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ, Thanh tra chính phủ; Phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo kế hoạch do Thanh tra chính phủ phê duyệt hoặc mục đích cá biệt theo quyết định của Thanh tra chính phủ.

Quy định về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ôtô sẽ có hiệu lực từ 15/5.

Đã có Bộ Quy tắc ứng xử trong trường mầm non, phổ thông

Ngày 12/04/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.

Một số nội dung đáng chú ý của Bộ Quy tắc ứng xử này như sau:

- Không sử dụng trang phục gây phản cảm;

- Không hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn, chất cấm trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật; không tham gia tệ nạn xã hội;

- Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục;

- Không làm tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bản thân, người khác và uy tín của tập thể.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 28/5/2019.

PV