Dự thảo Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng một số quy định của các điều 247, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 255, 256, 257, 258 và 259 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (Bộ luật Hình sự) về các tội phạm về ma túy.

Về giải thích từ ngữ, theo dự thảo: “Chất ma túy” là chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành. Trong đó, cần phân biệt các trường hợp sau:

a) Đối với các chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch hoặc chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng thì không coi toàn bộ dung dịch hoặc dung dịch pha loãng này là chất ma túy ở thể lỏng mà cần xác định hàm lượng chất ma túy trong dung dịch để tính khối lượng chất ma túy đó.

b) Đối với xái thuốc phiện thì không coi là nhựa thuốc phiện mà phải xác định hàm lượng moócphin trong xái thuốc phiện để tính khối lượng của thuốc phiện. 

2. Chất gây nghiện, chất hướng thần là chất ma túy; còn thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần là thuốc để chữa bệnh.

Cũng theo dự thảo, "Tàng trữ trái phép chất ma túy" quy định tại Điều 249 của Bộ luật Hình sự là cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ nơi nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, thùng xăng xe, trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách,…) mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy. Thời gian tàng trữ dài hay ngắn không ảnh hưởng đến việc xác định tội này.

Người nào đã bị kết án về tội tàng trữ, sản xuất, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy hoặc tội chiếm đoạt chất ma túy chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục tàng trữ một trong các chất ma túy có khối lượng, thể tích chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 249 của Bộ luật Hình sự. Trường hợp chất ma túy có khối lượng, thể tích đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 249 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 249 của Bộ luật Hình sự.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh xét xử một vụ án hình sự liên quan đến tội phạm về ma tuý. (Ảnh minh hoạ)

Người có hành vi mua heroine mang về nhà để sử dụng một phần và cất giữ một phần (1,3 gam) sau đó lại có hành vi mua heroine mang về nhà để sử dụng dần (04 gam) thì bị bắt giữ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy với tình tiết định khung quy định tại điểm g khoản 2 Điều 249 của Bộ luật Hình sự, với tổng khối lượng là 5,3 gam heroine.

Đối với “Tội vận chuyển trái phép chất ma túy” (Điều 250): "Vận chuyển trái phép chất ma túy" quy định tại Điều 250 của Bộ luật Hình sự là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác dưới bất kỳ hình thức nào (có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện…; trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách,…) mà không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy khác.

Cũng được coi là vận chuyển trái phép chất ma túy đối với người thực hiện kinh doanh dịch vụ vận chuyển nhưng vi phạm quy định về điều cấm trong hoạt động vận chuyển dẫn đến người phạm tội vận chuyển được chất ma túy.

Trường hợp cá nhân được giao nhiệm vụ vận chuyển hoặc công việc khác liên quan đến dịch vụ vận chuyển mà thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện để cho việc vận chuyển trái phép chất ma túy được thực hiện thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 250 của Bộ luật Hình sự mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm (ví dụ: tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 của Bộ luật Hình sự, …).

Người nào đã bị kết án về tội tàng trữ, sản xuất, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy hoặc tội chiếm đoạt chất ma túy chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục vận chuyển một trong các chất ma túy có khối lượng, thể tích chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 250 của Bộ luật Hình sự. Trường hợp chất ma túy có khối lượng, thể tích đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 250 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 250 của Bộ luật Hình sự.

Đối với “Tội chiếm đoạt chất ma túy” (Điều 252): "Chiếm đoạt chất ma túy" quy định tại Điều 252 của Bộ luật Hình sự là một trong các hành vi trộm cắp, lừa đảo, tham ô, lạm dụng tín nhiệm, cưỡng đoạt, cướp, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt chất ma túy của người khác.

Khi truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt chất ma túy cần phân biệt:

a) Trường hợp người có hành vi chiếm đoạt chất ma túy nhằm mục đích bán lại chất ma túy đó cho người khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt trái phép chất ma túy. 

b) Người nào đã bị kết án về tội chiếm đoạt chất ma túy, chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục chiếm đoạt một trong các chất ma túy có khối lượng, thể tích dưới mức quy định từ điểm b đến điểm h khoản 1 Điều 252 của Bộ luật Hình sự, nếu không thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 252 của Bộ luật Hình sự. Nếu là tái phạm nguy hiểm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 252 của Bộ luật Hình sự. 

Về một số tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, theo dự thảo Nghị quyết: Tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại khoản 2 các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254 và 256 của Bộ luật Hình sự được hiểu là người phạm tội đã dựa vào chức vụ, quyền hạn mà mình được đảm nhiệm để thực hiện hành vi phạm tội.

Tình tiết “lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức” quy định tại khoản 2 các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253 và 254 của Bộ luật Hình sự là người phạm tội đã lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức nơi họ đang làm việc, công tác để thực hiện hành vi phạm tội.

P.V