Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 9/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2020. Sau hơn 2 năm triển khai thi hành Nghị định số 133/2020/NĐ-CP, công tác quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo và thực hiện chế độ, chính sách cho phạm nhân, học sinh đã được thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định; mang lại hiệu quả tích cực, làm chuyển biến về nhận thức của phạm nhân, học sinh; giúp phạm nhân, học sinh tin tưởng vào chính sách,pháp luật của Nhà nước, yên tâm tư tưởng, xóa bỏ mặc cảm, tích cực học tập, rèn luyện, cải tạo tiến bộ để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện một số quy định về chế độ, chính sách cho phạm nhân, học sinh.
Cụ thể, quy định về công tác khám, chữa bệnh cho phạm nhân, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định: “Trường hợp phạm nhân bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng điều trị thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quyết định trích xuất đến cơ sở khám bệnh,… Trường hợp vượt quá khả năng điều trị của bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện cấp quân khu thì theo chỉ định của Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân báo cáo Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an xem xét, quyết định việc điều trị tiếp theo;…”. Theo đó, trong nhiều trường hợp do phải thực hiện quy trình đề nghị nên việc cứu chữa có thể không kịp thời, ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của phạm nhân.
Đối với quy định về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và dạy văn hóa cho phạm nhân, trong giai đoạn ngay sau khi phạm nhân được đưa đến chấp hành án, Nghị định số 133/2020/NĐ-CP chưa có quy định về việc phổ biến, giáo dục cho phạm nhân trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác; trường hợp có dưới 5 phạm nhân hoặc phạm nhân bị ốm đau, bệnh tật khó có thể tổ chức lớp học.
Trong giai đoạn phạm nhân đang chấp hành án, Nghị định số 133/2020/NĐ-CP chưa có quy định về việc tổ chức phổ biến, giáo dục cho phạm nhân mới được đưa đến; phạm nhân có mức án ngắn; số lượng phạm nhân ít không đủ để mở lớp.
Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định: “… Thời gian học văn hóa cho phạm nhân được bố trí một ngày trong tuần…”, nhưng thực tế tổng thời gian học văn hóa xóa mù chữ mức độ 1 theo quy định hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 1.005 tiết. Để hoàn thành chương trình xóa mù chữ cần 125 ngày (8 tiết/ngày), tương đương 125 tuần học, như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian để hoàn thành chương trình.
Đối với quy định về sử dụng kết quả lao động, dạy nghề, Nghị định số 133/2020/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể về sử dụng kết quả lao động vượt chỉ tiêu, định mức lao động của phạm nhân, gây khó khăn trong công tác thực hiện.
Khoản 3 Điều 17 Nghị định 133/2020/NĐ-CP quy định về việc chi trả một phần công lao động cho phạm nhân trực tiếp tham gia lao động, sản xuất. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về đối tượng, nguyên tắc, căn cứ và định mức chi trả nên khó khăn cho các đơn vị thống nhất thực hiện.
Trong thực tế, quỹ 2% chi hỗ trợ cho phạm nhân bị tai nạn lao động trích từ kết quả lao động của phạm nhân tại nhiều đơn vị không sử dụng đến, gây lãng phí, trong khi quỹ phúc lợi, khen thưởng của trại giam có rất nhiều nội dung chi nhưng không đủ kinh phí để thực hiện.
Bên cạnh đó, còn có một số khó khăn, vướng mắc, bất cập như: Quy định về công tác xếp loại cải tạo cho phạm nhân; Chế độ ăn, mặc của học sinh trường giáo dưỡng; Nghị định chưa có các điều khoản quy định chi tiết về: Chương trình học tập, học nghề của phạm nhân; xếp loại chấp hành án trong trường hợp phạm nhân lập công; kinh phí an táng khi phạm nhân chết; xếp loại chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng…
Về bố cục, dự thảo Nghị định gồm 2 điều, cụ thể: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 9/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự, gồm 20 khoản; Điều 2. Điều khoản thi hành, gồm 2 khoản.
Trong đó, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 6 về “Phân trại giam”. Cụ thể, phân trại giam thuộc trại giam có nhiệm vụ tổ chức quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân theo đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Phân trại giam gồm: Khu giam giữ. Khu giam giữ thuộc phân trại giam, gồm: Khu giam giữ đối với phạm nhân có mức án tù trên 15 năm, tù chung thân, phạm nhân thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm;
Khu giam giữ đối với phạm nhân có mức án tù từ 15 năm trở xuống; phạm nhân có mức án tù trên 15 năm đã được giảm án và thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại dưới 15 năm; phạm nhân thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, đã chấp hành 1/2 thời hạn chấp hành án phạt tù và đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
Nhà giam gồm: Nhà giam chung: Mỗi buồng giam giam giữ không quá 80 phạm nhân; Nhà giam riêng: Mỗi buồng giam giam giữ không quá 8 phạm nhân; Nhà kỷ luật: Mỗi buồng giam giam giữ không quá 2 phạm nhân bị kỷ luật.
Cùng với đó, dự thảo Nghị định bổ sung Điều 19đ quy định về xếp loại trong trường hợp lập công để hướng dẫn chi tiết khoản 3 Điều 35 Luật Thi hành án hình sự: “Phạm nhân lập công thì được nâng mức xếp loại chấp hành án phạt tù”. Điều này quy định phạm nhân lập công trong các trường hợp cụ thể thì 4 quý xếp loại liên tiếp kể từ ngày ký quyết định hoặc nhận được quyết định khen thưởng lập công của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được điều chỉnh nâng lên một mức xếp loại. Nếu trong 4 quý đó phạm nhân đã được xếp loại tốt thì được tính để xếp loại cho 4 quý sau. Trường hợp sau khi lập công mà phạm nhân bị xử lý kỷ luật hoặc phạm tội mới thì không được nâng mức xếp loại.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1, 2 Điều 28 (Chế độ ăn, mặc của học sinh trường giáo dưỡng). Cụ thể, tăng định lượng ăn của học sinh trường giáo dưỡng từ 15kg gạo tẻ lên 20kg; từ 1,2kg thịt lợn lên 1,5kg; từ 1,2kg cá lên 1,5kg; từ 15kg rau xanh lên 17kg. Đồng thời, sửa đổi quy định học trường giáo dưỡng từ Đà Nẵng trở ra phía Bắc được cấp thêm áo ấm, tất, mũ len và chăn bông.