Theo cơ quan chủ trì, việc xây dựng Luật Phòng không nhân dân nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động Phòng không nhân dân, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, tiến hành các biện pháp bảo đảm an toàn phòng không. Nâng cao năng lực về công tác Phòng không nhân dân, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh trong tình hình mới và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế, xã hội.

Dự thảo Luật Phòng không nhân dân, gồm 8 chương, 52 điều. Dự thảo nêu rõ các nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng không nhân dân đó là: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên.  

Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của chính quyền địa phương.

Được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương; có sự phân công, phân cấp, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và lực lượng trong hoạt động phòng không nhân dân.

Được chuẩn bị từ thời bình và triển khai thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền khi có biểu hiện địch đột nhập, tiến công đường không.

Xây dựng lực lượng phòng không nhân dân phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh và nằm trong thế trận khu vực phòng thủ.

Tổ chức hoạt động phòng không nhân dân thực hiện theo hình thức kiêm nhiệm; bảo đảm hợp lý, kịp thời, hiệu quả, an toàn và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương.

Dự thảo Luật cũng nêu rõ các chính sách của Nhà nước về phòng không nhân dân, đó là: Thực hiện chính sách độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Xây dựng thế trận phòng không nhân dân liên hoàn, rộng khắp, vững chắc cả trong nội địa, biên giới, trên biển, đảo; để phát hiện địch sớm, thông báo, báo động kịp thời, phòng tránh hiệu quả; đánh địch từ xa đến gần, trên các hướng.

Thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng lực lượng phòng không nhân dân toàn dân, toàn diện, vững mạnh, Nhân dân là chủ thể, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên làm nòng cốt.

Huy động nguồn lực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân để thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân.

Ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân.

Về nhiệm vụ phòng không nhân dân, theo dự thảo Luật gồm các nhiệm vụ: Xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động phòng không nhân dân.

Xây dựng thế trận phòng không nhân dân trong thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ.

Tham gia quản lý vùng trời ở độ cao dưới 5000 mét, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu phòng không, khắc phục hậu quả tiến công đường không của định.

Tổ chức sơ tán, phân tán, phòng tránh, bảo vệ tài sản nhà nước, tính mạng và tài sản của Nhân dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Tổ chức huấn luyện và diễn tập phòng không nhân dân.

Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh và phòng không nhân dân.

Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm. Cụ thể là hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc xây dựng, huy động, hoạt động và thực hiện trách nhiệm tham gia lực lượng phòng không nhân dân theo quy định tại Luật này.

Huy động, sử dụng lực lượng phòng không nhân dân khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền, không có trong kế hoạch hoặc sai mục đích.

Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.

Cung cấp thông tin, chỉ điểm, quay phim, chụp ảnh, đo, vẽ làm lộ mục tiêu trận địa, kế hoạch, trang bị kỹ thuật, các công trình chiến đấu và phá hoại, làm thay đổi hiện trạng công trình phòng không nhân dân.

Phân biệt đối xử về giới trong xây dựng, huy động, thực hiện nhiệm vụ về phòng không nhân dân.

P.V