Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 26/2024/NĐ-CP ngày 1/3/2024 quy định về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp. Trong đó, Nghị định đã nêu rõ nội dung đó là VKSND tối cao là một trong những cơ quan, tổ chức thực hiện hợp tác.
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, Nghị định nêu rõ: Nghị định này quy định về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp bao gồm nguyên tắc, nội dung, hình thức hợp tác, thực hiện hợp tác và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức Việt Nam trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.
Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức Việt Nam tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.
Về giải thích từ ngữ, trong phạm vi Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. “Cơ quan, tổ chức thực hiện hợp tác” là chủ thể chủ trì thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, bao gồm:
a) VKSND tối cao; TAND tối cao; Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; Kiểm toán nhà nước; Văn phòng Chủ tịch nước; bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
b) Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (các tổ chức), các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức khoa học - công nghệ (các hội, quỹ xã hội, tổ chức khoa học) được thành lập theo quy định pháp luật có liên quan.
c) UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
d) Các đơn vị, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý của các chủ thể chủ trì thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế quy định tại điểm a, b và c khoản này.
|
|
Quang cảnh buổi đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Maroc bằng hình thức trực tuyến. (Ảnh minh hoạ) |
Bên cạnh đó, theo Nghị định quy định, “Hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp” bao gồm các hoạt động có sự tham gia hoặc được tài trợ bởi đối tác nước ngoài có toàn bộ hoặc một phần nội dung về pháp luật và cải cách tư pháp được quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này và được thực hiện theo hình thức quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này.
Nghị định đã quy định về các nguyên tắc trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp. Cụ thể, phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Không ký kết, thực hiện các hoạt động hợp tác phương hại đến lợi ích, an ninh quốc gia.
Chủ động lựa chọn và thúc đẩy những nội dung hợp tác mà Việt Nam có nhu cầu, phù hợp với thực tiễn, điều kiện của Việt Nam, chủ trương, định hướng của Đảng về đối ngoại, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và quy định pháp luật có liên quan.
Bình đẳng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, thúc đẩy hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm hợp tác tốt với Việt Nam, chú trọng tính bền vững của hoạt động hợp tác.
Bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, thiết thực và đề cao trách nhiệm trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.
Mặt khác, Nghị định cũng quy định về nội dung và hình thức hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp. Theo đó, hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định tại Nghị định này gồm toàn bộ hoặc một phần nội dung sau: Tăng cường năng lực trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật; cải cách tư pháp.
Đồng thời, hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định tại Nghị định này được thực hiện dưới các hình thức sau: Ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, phi dự án; tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế.
Ngoài ra, theo Nghị định quy định, các nội dung và hình thức hợp tác pháp luật và cải cách tư pháp không quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì thực hiện theo quy định pháp luật khác có liên quan.
Về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp, Nghị định nêu rõ: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2024 và thay thế Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật. Hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp đã được phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì không phải thực hiện lại quy trình, thủ tục xin ý kiến tại Nghị định này. Việc tổ chức thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế theo quy định của Nghị định này.
|