Hàng năm, công chức, viên chức phải được bồi dưỡng ít nhất 5 ngày

Chỉ thị nêu rõ: Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Ngành có nhiều chuyển biến rõ rệt. Trong đó, số lượng công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng tăng lên; đội ngũ giảng viên được bổ sung về số lượng, chất lượng ngày càng nâng cao; hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy dần hoàn thiện; cơ sở vật chất, trang thiết bị, các điều kiện bảo đảm phục vụ giảng dạy và học tập được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Kết quả đó, đã góp phần vào việc xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ năng lực, trình độ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, một số công chức, viên chức chưa được cập nhật những kiến thức và kỹ năng cần thiết theo vị trí việc làm, nên trong thực hiện hoạt động nghiệp vụ và trong quản lý, điều hành chưa thực sự đạt hiệu quả; nhiều giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng chưa được xây dựng, bổ sung, cập nhật kịp thời, nên chất lượng hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu; một số giảng viên còn thiếu kiến thức thực tiễn về nghiệp vụ kiểm sát; vẫn còn tình trạng công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng tiêu chuẩn, thiếu các chứng chỉ bồi dưỡng về lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước khi bổ nhiệm.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Ngành trong giai đoạn mới, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND các cấp triển khai thực hiện một số nội dung được xác định.

Cụ thể, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm và trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý, chức danh tư pháp đối với công chức, viên chức trong Ngành.

Bảo đảm hàng năm, công chức, viên chức trong Ngành phải được bồi dưỡng ít nhất 5 ngày để cập nhật quy định pháp luật, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ. Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn thiếu các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn, điều kiện phải được bồi dưỡng theo quy định, phấn đấu đến hết năm 2021, 100% công chức, viên chức phải đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý, chức danh tư pháp trước khi được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.

Đa dạng hóa loại hình đào tạo, bồi dưỡng, kết hợp đào tạo, bồi dưỡng tập trung trong Nhà trường với tự đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng tại chỗ từ thực tiễn hoạt động kiểm sát thông qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ án, vụ việc có tính chất điển hình ở VKSND các cấp. Đổi mới phương pháp dạy và học, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin và mạng truyền hình trực tuyến vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Mở rộng hợp tác quốc tế và thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng.

Tăng cường phối hợp giữa VKSND địa phương, đơn vị với các Nhà trường để mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức trong Ngành.

Công chức có học vị Tiến sỹ phải đăng ký ít nhất 40 giờ giảng/1 năm

Cũng theo Chỉ thị, các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định Ngành về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức và bản lĩnh nghề, tính chuyên nghiệp, tinh thần phục vụ Nhân dân, ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức. Công chức, Kiểm sát viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở VKSND các cấp phải gương mẫu, nghiêm túc trong việc học tập, bồi dưỡng, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng.

leftcenterrightdel
Quang cảnh một khóa tập huấn do Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội phối hợp với dự án UNODC tổ chức. (Ảnh minh họa) 

Thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị so với yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành và tiêu chuẩn của từng ngạch chức vụ, chức danh để xây dựng kế hoạch cử công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm và theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý, chức danh tư pháp gắn với công tác quy hoạch cán bộ.

Kiểm sát viên VKSND tối cao, lãnh đạo đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, công chức có học vị Tiến sỹ phải đăng ký ít nhất 40 giờ giảng/1 năm tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Ngành theo quyết định giao nhiệm vụ của Viện trưởng VKSND tối cao.

Hàng năm, lãnh đạo VKSND cấp tỉnh phải tổ chức ít nhất 1 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ kiểm sát cho công chức trong cơ quan, đơn vị và trực tiếp tham gia biên soạn tài liệu, giảng dạy tại các lớp tập huấn, bồi dưỡng này. Cử Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm trực tiếp hướng dẫn, bồi dưỡng cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên ngạch thấp hơn, công chức mới được tuyển dụng hoặc mới bổ nhiệm giữ chức danh tư pháp để nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ của công chức, viên chức trong Ngành.

Có cơ chế đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng để bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý ở VKSND các cấp. Quan tâm, đầu tư bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa. Khen thưởng kịp thời, những người chấp hành nghiêm quy định về đào tạo, bồi dưỡng và có thành tích cao trong học tập, giảng dạy bằng các nguồn kinh phí hợp pháp.

Bên cạnh đó, đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Ngành, Chỉ thị nêu rõ: Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng chất đội ngũ giảng viên; hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu bảo đảm về cả chất và lượng; nâng cao hiệu quả công tác quản trị Nhà trường, phát triển Nhà trường theo định hướng ứng dụng.

Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, trong đó quan tâm đưa nội dung đào tạo bồi dưỡng về chính trị tư tưởng, đạo đức, bản lĩnh, kỹ năng thực hành nghề vào giảng dạy tại Nhà trường. Mở các lớp bồi dưỡng kiến thức lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành chuyên ngành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ trong quy hoạch ở VKSND cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định.

Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tính chất đặc thù hoạt động của Ngành để nghiên cứu, đề xuất thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và việc chuyển ngạch công chức sang viên chức đối với công chức, giảng viên công tác tại Trường theo quy định của Luật viên chức (sửa đổi năm 2019), bảo đảm việc triển khai thực hiện có lộ trình phù hợp, ổn định về tổ chức cán bộ và không ảnh hưởng nhiều tới tư tưởng, tình cảm và thu nhập của người lao động tại các Trường.

Phát triển nguồn lực của Nhà trường để liên kết bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị cho công chức, viên chức theo quy định về tiêu chuẩn chức vụ, chức danh trong Ngành. Trong đó, ưu tiên mở lớp bồi dưỡng đối với công chức, viên chức hiện chưa đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Chủ động mời các chuyên gia trong và ngoài Ngành đến giảng dạy tại Trường. Có lộ trình phù hợp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, chuyên gia đầu ngành có kiến thức, kinh nghiệm và khả năng giảng dạy để đảm nhiệm từ 30% (năm 2025) đến 70% (năm 2030) trở lên thời lượng các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát.

Trường Đại học Kiểm sát Hà nội tập trung đào tạo đại học chuyên ngành luật hệ chính quy; nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo thạc sỹ, tiến tới đào tạo tiến sỹ luật, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Ngành. Mở rộng liên kết với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước, tạo lợi thế cạnh tranh của Nhà trường trong lĩnh vực đào tạo cử nhân luật, văn bằng hai chuyên ngành luật.

Cùng với các nội dung trên, Chỉ thị còn đề cập về nhiệm vụ cụ thể của một số đơn vị như: Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự; Cục Kế hoạch - Tài chính. Trong đó, giao Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao giúp Viện trưởng VKSND tối cao theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này.

P.V