Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo hội nghị.
Đồng chí Trần Công Phàn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; lãnh đạo, công chức các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao; đại diện Cơ quan điều tra Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Cục điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan; lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức làm công tác thực hành quyền công tố VKS quân sự Trung ương, cấp quân khu, VKS cấp tỉnh, cấp huyện, CQĐT và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra các cấp…
Tại hội nghị, lãnh đạo Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Vụ 2), VKSND tối cao đã trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 6/12/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm”.
Theo đó, trong 5 năm qua, VKS các cấp đã thụ lý kiểm sát việc CQĐT xác minh tổng số 511.495 tố giác, tin báo. Kết quả, CQĐT đã giải quyết tổng số 492.923 tin (đạt 96,37%); đã ban hành 390.692 yêu cầu xác minh. Nội dung các yêu cầu xác minh đều có chất lượng, định hướng, hỗ trợ và tạo điều kiện cho CQĐT làm rõ sự việc.
Lãnh đạo VKS đã chủ động, thực hiện phân công Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát việc xác minh tố giác ngay từ khi CQĐT thụ lý giải quyết, bảo đảm 100% tố giác, tin báo do CQĐT xác minh được kiểm sát chặt chẽ. Kiểm sát viên đã chủ động phối hợp, gắn chặt với Điều tra viên nghiên cứu, nắm chắc tài liệu chứng cứ đã thu thập, từ đó đề ra các yêu cầu kiểm tra, xác minh để làm rõ.
|
|
Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao điều hành hội nghị |
|
|
Vụ trưởng Vụ 2 Lê Minh Long trình bày báo cáo tại hội nghị. |
Đồng thời, nắm chắc tiến độ, đôn đốc CQĐT khẩn trương xác minh, sớm kết thúc việc xác minh, bảo đảm đúng thời hạn luật định. Trước khi kết thúc việc xác minh, VKS chủ động phối hợp với CQĐT trao đổi thống nhất việc quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Điểm nổi bật của hoạt động tăng cường công tố đó là sau khi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực, một số VKS địa phương đã thực hiện thẩm quyền trực tiếp xác minh tố giác, tin báo nhằm chống oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm…
Hội nghị cũng đã nghe lãnh đạo Vụ 2 - VKSND tối cao trình bày báo cáo tóm tắt sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố ban hành kèm theo Quyết định số 169/QĐ-VKSTC ngày 2/5/2018 (Quy chế 169); Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra và giám định ban hành kèm theo Quyết định số 170/QĐ-VKSTC ngày 2/5/2018 (Quy chế 170).
Tại hội nghị, dưới sự điều hành, chủ trì của đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, hội nghị đã nghe lãnh đạo Vụ 2 báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 06/2013, Quy chế 169, Quy chế 170; việc thực hiện Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và những vấn đề nghiệp vụ có liên quan.
Hội nghị cũng nghe các ý kiến phát biểu tham luận của VKSND TP Hà Nội, VKSND TP Hồ Chí Minh, VKSND tỉnh Thanh Hóa, VKSND tỉnh An Giang, đại diện Cơ quan CSĐT - Bộ Công an, Cục điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đề cập đến những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân cũng như các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ, qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 06/2013, ngành KSND đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đội ngũ cán bộ, công chức, Kiểm sát viên, Điều tra viên đã nhận thức sâu sắc hơn về sự cần thiết và ý nghĩa của việc tăng cường công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra.
VKS các cấp xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, từ đó nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, hạn chế các trường hợp oan, sai và bỏ lọt tội phạm; kịp thời phát hiện và xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
|
|
Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo. |
Tuy nhiên, theo đồng chí Viện trưởng, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/2013 ở một số VKS vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, thiếu sót, cần phải có những giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.
Để đáp ứng hiệu quả yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, tiếp tục thực hiện tốt chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, đồng chí Viện trưởng lưu ý và nhấn mạnh, lãnh đạo VKS các cấp, thủ trưởng các đơn vị thực hành quyền công tố phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; tranh thủ triệt để vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với ngành Kiểm sát; thực hiện nghiêm và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực khi thực hiện nhiệm vụ…
Bên cạnh đó, VKS cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn, gắn chặt hơn với CQĐT trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, thụ lý giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố các vụ án hình sự.
Kiểm sát viên phải gắn chặt với Điều tra viên trong quá trình điều tra thu thập chứng cứ, kịp thời đề ra các yêu cầu điều tra, thực hiện tốt thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra như hỏi cung bị can, ghi lời khai… Quá trình giải quyết nếu có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời phối hợp thống nhất giải quyết bảo đảm đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.
Cùng với đó, VKS các cấp cần quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ. Đây phải là những người có kinh nghiệm, đạo đức, có bản lĩnh và trách nhiệm với công việc được phân công.
Mục đích cuối cùng, theo đồng chí Viện trưởng là nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thời gian tới; bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh của ngành KSND.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Vụ Thi đua - Khen thưởng (Vụ 16), VKSND tối cao đã công bố Quyết định của Viện trưởng VKSND tối cao về việc tặng Bằng khen cho 20 tập thể thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh do có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 6/12/2013.
|
|
Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao Bằng khen cho các tập thể thuộc VKSND tối cao có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 06/2013 |