Phép thử lòng người

Những con đường như sợi chỉ vắt quanh sườn núi, uốn lượn, cheo leo với một bên là vực thẳm, đẹp tựa như một kỳ quan, nhưng lại là một phép thử với những ai đi qua. Nhưng thử thách, khó khăn đó vẫn chưa là gì với những cán bộ, Kiểm sát viên khi bám trụ ở vùng đất này. 

leftcenterrightdel
 Viện trưởng Trần Ngọc Ánh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con dân bản. Ảnh: Đức Việt

Người cán bộ Kiểm sát ở Đồng Văn, Mèo Vạc phần lớn trong những lần thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường thường phải cuốc bộ, cắt rừng, có những chuyến công tác kéo dài tới cả tuần. Suốt hơn 30 năm qua, anh Trần Ngọc Ánh không nhớ nổi đã tham gia kiểm sát khám nghiệm hiện trường bao nhiêu vụ án, càng không nhớ nổi bao nhiêu km đường rừng mà anh đã đi. Chỉ biết rằng giờ đây, kỹ năng đi đường rừng của anh đã sánh ngang người Mông bản địa. Anh có thể đi bộ băng rừng, vượt núi đá tai mèo với vận tốc 6 -7 km/h.

Từ bài học nhớ đời trong chuyến công tác đầu tiên thuở mới vào nghề khi phải cuốc bộ suốt 9 giờ đồng hồ, vượt qua 30 km đường rừng, trong khi vị trí cần đến chỉ cách cơ quan 4 km, do bị lạc đường vì không biết tiếng Mông, giờ đây, anh đã am hiểu phong tục tập quán, có thể giao tiếp với bà con người Mông, người Tày như những người cùng dòng máu... 

Được biết, năm 1989, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kiểm sát, anh được phân công về công tác ở huyện Đồng Văn, cách Tuyên Quang quê anh hơn 300 km. Lúc bấy giờ, Đồng Văn chưa có điện, giao thông và thông tin liên lạc hết sức khó khăn. Vậy nên, nhiều lần, khi nhận được giấy triệu tập dự hội nghị thì hội nghị đã kết thúc được cả tuần; khi nhận được thư nhà báo về dự đám cưới chị gái, thì chị gái đã lên xe hoa được gần 1 tháng...

Bên cạnh việc phải chống chọi với cái rét thấu xương ở vùng núi đá, suốt mùa đông bao phủ bởi mây mù, thì khó khăn lớn nhất mà anh và đồng nghiệp phải đối mặt là thiếu nước sinh hoạt. Giờ đây, ở ngay giữa trung tâm thị trấn Mèo Vạc nước sinh hoạt vẫn thiếu đến 6 tháng trong năm. Cán bộ VKSND huyện vẫn phải mua từng xe nước dự trữ cho mùa khô. Nhưng so với hơn 30 năm về trước thì điều kiện sinh hoạt bây giờ đã đầy đủ, tiện nghi hơn rất nhiều. Ngày mới lên Mèo Vạc, anh và đồng nghiệp phải đi bộ 10km đường rừng để gánh từng xô nước về.

leftcenterrightdel
 Trao đổi giải quyết án cùng Kiểm sát viên trong đơn vị. Ảnh: Đức Việt

Nặng nghĩa ân tình với người dân vùng cao

Gắn bó với vùng cao hơn 30 năm qua, điều ám ảnh nhất với anh vẫn là những vụ án xảy ra vì những lý do “lãng xẹt”, như vụ Giàng Mí Cáy - vì nghi ngờ Giàng Mí Sử làm “ma” Chó hại cháu mình bị ốm, nên Cáy đã đánh Sử dẫn đến tử vong; vụ Thò Mí Lử - đang lúc say rượu, bực mình vì vợ cũng say rượu cứ hát mãi, trong khi nhà có khách mà ra tay đánh trọng thương cả vợ lẫn khách; vụ Tráng Văn Ú - cũng vì say rượu mà đánh anh trai là Tráng Văn Dùng dẫn đến tử vong... Nguyên nhân sâu xa của phần lớn các vụ án hình sự trên địa bàn là do trình độ dân trí thấp và tập quán sinh hoạt, hủ tục lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính vì vậy, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, anh đã dành nhiều thời gian, công sức để đến từng thôn bản tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho bà con, với mong muốn ngăn ngừa những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Cùng với đó, trong những năm qua, anh đã cùng các cán bộ, Kiểm sát viên VKSND huyện Mèo Vạc có nhiều hoạt động tích cực giúp địa phương và nhân dân trong phòng trào xây dựng nông thôn mới. Có nhiều công trình trên địa bàn ghi đậm dấu ấn công sức đóng góp của anh và các đồng nghiệp như: con đường dài hơn 4km về thôn Cán Lủng; Nhà bán trú Trường Tiểu học Cán Chu Phìn, sân UBND xã Cán Chu Phìn... hay rất nhiều món quà tình nghĩa đã tới tận tay bà con những mùa giáp hạt, những dịp Lễ, Tết...

leftcenterrightdel
 Con đường về thôn Cán Lủng ghi đậm dấu ấn, công sức đóng góp của cán bộ, Kiểm sát viên VKSND huyện Mèo Vạc.

Hơn 30 năm theo nghề, thì có tới 26 năm anh được tín nhiệm giao trọng trách làm cán bộ quản lý, trong đó, có 5 năm làm Phó Viện trưởng VKSND huyện Đồng Văn; 13 năm giữ cương vị Viện trưởng VKSND huyện Đồng Văn; và 10 năm (từ 2013 đến nay) giữ cương vị Viện trưởng VKSND huyện Mèo Vạc. 

Phần lớn thời gian trong suốt hơn 30 năm công tác, anh Trần Ngọc Ánh sống trong những căn nhà tập thể của cơ quan. Gian nhà tập thể ở VKSND huyện Đồng Văn là nơi anh và gia đình đã gắn bó suốt 22 năm (từ năm 1989 đến năm 2011). Hai cô con gái của anh sinh ra và lớn lên trong môi trường của những người cán bộ Kiểm sát cũng đã được thừa hưởng tình yêu nghề từ bố và các cô chú đồng nghiệp, hiện đang nối nghiệp bố công tác trong các cơ quan thực thi pháp luật.

Sau hơn 20 năm gom góp, chắt chiu từ đồng lương ít ỏi, năm 2011, gia đình anh xây dựng được căn nhà riêng ở thị trấn Đồng Văn. Tuy nhiên, năm 2013, anh được điều động sang làm Viện trưởng VKSND huyện Mèo Vạc. Xa gia đình, trở về với môi trường sinh hoạt cũ: căn phòng cá nhân và những bữa ăn tập thể, nhưng niềm đam mê nghề nghiệp đã giúp anh vượt qua tất cả. 

Đồng chí Đặng Bình Giang, Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Giang bày tỏ niềm tin yêu khi nói về người đồng nghiệp, cấp dưới của mình: “Đồng chí Trần Ngọc Ánh là một người yêu nghề, tận tụy với công việc, chấp nhận hy sinh để bám trụ tại các huyện vùng cao của tỉnh trong suốt hơn 30 năm qua. Các đơn vị nơi anh làm lãnh đạo luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhiều năm đạt danh hiệu đơn vị thi đua dẫn đầu khối. Cá nhân anh nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua Ngành, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Anh thực sự là một tấm gương mẫu mực cho thế hệ cán bộ, Kiểm sát viên trẻ noi theo”.

Không phải người địa phương, sau hơn 30 năm gắn bó với vùng đất này, anh Trần Ngọc Ánh đã thực sự trở thành người con của bản. Đồng Văn, Mèo Vạc đã khác xưa và đang ngày càng thay da đổi thịt. Trong thành quả ấy có những hy sinh, đóng góp thầm lặng của những người cán bộ nhiệt huyết như anh - người Viện trưởng hơn 30 năm “cắm bản”.

Thu Huyền