Người mạnh dạn tìm đường

Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2023 của VKSND TP Hồ Chí Minh, chị được lãnh đạo VKSND TP phân công trình bày tham luận về kinh nghiệm phối hợp với Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an cùng cấp trong kiểm tra việc tiếp nhận, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo tội phạm tại Công an phường trên địa bàn quận Bình Tân. Khi chúng tôi ngỏ lời muốn tìm hiểu thêm về hoạt động này, chị khiêm tốn từ chối với lý do “đây chỉ là hoạt động bình thường ở quận chứ có gì to tát đâu em!”.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Thị Mai chủ trì họp đơn vị về công tác giải quyết tố giác, tin báo tội phạm.

Sau đó, được sự giới thiệu của đồng chí Nguyễn Đức Thái, Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh, chúng tôi mới có dịp nghe chị tâm sự về những khó khăn trong hoạt động kiểm sát điều tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn và triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/11/2021 (Thông tư 01) quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. 
Câu chuyện với chị bắt đầu từ đặc thù quận Bình Tân với gần 1 triệu dân, trong đó có khoảng 70% dân cư tạm trú vốn là địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị tại TP Hồ Chí Minh. Cho đến trước khi Thông tư 01 ra đời, trên thực tế, đầu mối tiếp nhận và giải quyết các nguồn tin do Công an các phường của quận Bình Tân chuyển lên đều thuộc trách nhiệm của đội Điều tra tổng hợp Công an quận.

Chị tâm sự, những quy định mới của Thông tư 01 đã đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ cũng như khó khăn, vướng mắc cho Công an các phường, CQĐT lẫn VKSND quận trong nhận thức và áp dụng pháp luật, do chưa có sự thống nhất về cách thức phối hợp thực hiện giữa các bên liên quan mà người đứng đầu đơn vị như chị phải trăn trở suy nghĩ tìm một giải pháp linh hoạt, hiệu quả hơn.

Nghĩ là làm, sau khi Thông tư 01 có hiệu lực thi hành, ngay từ đầu năm 2022, chị đã chủ động chỉ đạo VKSND quận Bình Tân phối hợp và thống nhất với Thủ trưởng CQĐT về cách thức trực tiếp kiểm sát hoạt động tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của CQĐT, cũng như phối hợp với CQĐT kiểm tra, hướng dẫn việc tiếp nhận, xác minh sơ bộ tin báo, tố giác tội phạm đối với Công an các phường trên địa bàn.

Có thể nói, đây là sự sáng tạo bởi nhiệm vụ này trước đây thuộc về CQĐT. Theo quy định của Thông tư 01, Cơ quan CSĐT Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với VKSND cùng cấp hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã. 

Tại thời điểm ấy, ý tưởng chủ động phối hợp kiểm tra, xác minh tin báo tại Công an phường của Viện kiểm sát gặp nhiều khó khăn, khi toàn ngành Kiểm sát chưa có hệ thống biểu mẫu như quyết định, kế hoạch, kết luận kiểm tra; cũng như chưa có các hướng dẫn về phương pháp và cách thức thực hiện Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư 01.

Với kinh nghiệm công tác của bản thân, chị tự mày mò xây dựng biểu mẫu, lên kế hoạch chi tiết, thành lập đoàn công tác gồm các cán bộ, Kiểm sát viên có kinh nghiệm, do chị làm Trưởng đoàn để phối hợp với CQĐT Công an quận, thí điểm việc trực tiếp kiểm tra ở công an 4 phường An Lạc, Bình Trị Đông, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B. Trong số này, Bình Hưng Hòa B là phường có số lượng nguồn tin báo phải tiếp nhận cao nhất trên địa bàn.

Về cách thức thực hiện, Đoàn công tác yêu cầu Công an các phường báo cáo kết quả tiếp nhận, giải quyết nguồn tin, quy trình phối hợp giữa Công an phường với CQĐT, cũng như cung cấp hồ sơ sổ sách để kiểm tra trực tiếp. Thông qua hoạt động của Đoàn công tác, VKSND quận Bình Tân chỉ ra được các hồ sơ vi phạm trình tự, thủ tục tố tụng, cũng như giúp phân loại tố giác, tin báo ban đầu tại phường, trong điều kiện 100% tin báo phải được cấp phường thụ lý, giải quyết theo chỉ tiêu Quốc hội giao.

Đồng thời, Viện kiểm sát cũng hỗ trợ công tác đánh giá, xác minh tài liệu, chứng cứ ban đầu của Công an cấp phường để tạo điều kiện cho CQĐT thực hiện các hoạt động tố tụng tiếp theo bảo đảm không bị mất các "dấu vết nóng", vốn có vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình chứng minh tội phạm và giải quyết vụ án về sau.

Những thành quả bước đầu được ghi nhận

Kết quả thông qua hoạt động kiểm tra, VKSND quận Bình Tân hướng dẫn 4/10 phường phát hiện được nhiều vi phạm phổ biến có tính chất nghiêm trọng như công tác lập sổ sách tiếp nhận vụ việc ban đầu, việc giao nhận hồ sơ vụ việc chưa đúng biểu mẫu quy định; biên bản thu giữ, niêm phong, tạm giữ đồ vật, tài liệu không đúng thời gian, địa điểm, thành phần; vi phạm thời hạn chuyển nguồn tin cho CQĐT…

Đồng thời, để rút kinh nghiệm cho các phường làm tốt hơn, tại buổi thông qua kết luận kiểm tra, VKSND quận Bình Tân đã mời Trưởng Công an 10 phường trên địa bàn đến cùng nghe kết luận. Tại đây, đơn vị đã chỉ ra những vi phạm phổ biến, những vụ việc có vi phạm điển hình và chỉ ra biện pháp khắc phục nhằm rút kinh nghiệm chung; ngoài ra, còn yêu cầu các phường có các bước chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm. Nhờ đó, hiệu quả giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của Công an các phường trong quận theo thời gian đã được cải thiện rõ nét.

Cụ thể như ở Công an phường An Lạc, tại thời điểm kiểm tra đầu năm 2022, đơn vị gần như chưa quan tâm đến công tác tiếp nhận, xác minh tin báo và Đoàn kiểm tra phát hiện khá nhiều thiếu sót, vi phạm. Tuy nhiên, đến nay, đơn vị đã khắc phục hoàn toàn những thiếu sót, vi phạm mà Đoàn kiểm tra đã chỉ ra, bên cạnh đó còn làm tốt công tác tiếp nhận tin báo ban đầu theo quy định. Đến đầu năm 2023, chất lượng công tác này ở Công an phường An Lạc được nâng lên khá rõ. 

Nhận xét về cách làm tiên phong của VKSND quận Bình Tân, Phó Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh Võ Quang Huy đánh giá: Đồng chí Lê Thị Mai là gương điển hình về những sáng tạo và chủ động trong việc thực hiện các chỉ tiêu nghiệp vụ trong lĩnh vực tố giác, tin báo theo Chỉ thị công tác số 01/CT-VKSTC ngày 2/12/2022 của Viện trưởng VKSND tối cao.

Trong năm 2023, lãnh đạo VKSND TP tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt hoạt động phối hợp xác minh tố giác, tin báo tại Công an xã, phường trên địa bàn; và từ mô hình của quận Bình Tân đã giao Phòng 2 tập hợp những những cách làm hay cũng như những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện của VKSND các quận, huyện và TP Thủ Đức để xây dựng chuyên đề đánh giá về kết quả công tác này.

Viện kiểm sát thành phố giao cho tất cả VKSND cấp quận phải phối hợp với Cơ quan điều tra kiểm tra 100% tố giác, tin báo ở Công an cấp xã, và trong quý 2/2023 sẽ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị cấp huyện trong hoạt động phối hợp với CQĐT, từ đó ban hành hướng dẫn thống nhất đối với VKSND cấp huyện trên toàn thành phố.

Trên cơ sở những thành công bước đầu của cách làm sáng tạo ở VKSND quận Bình Tân, ngày 12/4/2023, VKSND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Hướng dẫn tạm thời số 1628/HD-VKS-P2 về quy trình kiểm sát trực tiếp việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với Cơ quan điều tra cùng cấp và phối hợp với Cơ quan điều tra kiểm tra việc tiếp nhận, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã.


Trân Định - Việt An