VKSND tối cao đã nhận được Kết luận điều tra bổ sung vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á.

Cơ quan điều tra đề nghị  VKSND tối cao truy tố bị can Trần Phương Bình cùng 11 bị can khác tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” và “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng cho Ngân hàng Đông Á (DAB).

Trước đó, tháng 7/2020, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án và trả hồ sơ để điều tra bổ sung, yêu cầu tách hành vi sai phạm của Trần Phương Bình và nhóm khách hàng Hiệp Phú Gia gây thiệt hại cho DAB hơn 3.000 trong tổng số thiệt hại hơn 8.800 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
 Bị can Trần Phương Bình hầu tòa trong một vụ án khác.

Kết luận điều tra xác định bị can Trần Phương Bình với vai trò là Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB, là đối tượng chính, tổ chức, chỉ đạo các hoạt động tín dụng, ngân quỹ và đầu tư tại DAB. Trần Phương Bình đã lạm dụng chức vụ và quyền hạn chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định luật kế toán, Luật các tổ chức tín dụng và điều lệ của DAB gây thiệt hại cho chính ngân hàng này.

Theo kết luận điều tra, DAB đã cho 3 tổ chức thuộc Công ty CP vốn Thái Thịnh (TCC) vay 4 khoản tổng số hơn 900 tỉ để TTC sử dụng hơn 770 tỉ hoàn trả cho VinaCapital và hơn 125 tỉ đồng cho mục đích khác.

Đến nay nhóm TTC (gồm: TTC Đà Lạt, Công ty Lâm Viên, Nguyễn Thanh Thủy và Nguyễn Thiện Nhân) còn dư nợ 4 khoản tổng số 1.700 tỉ. Đến nay Nguyễn Thiện Nhân và đồng phạm đã bỏ trốn nên không có khả năng hoàn trả cho DAB.

Kết luận điều tra thể hiện, năm 2007, Nguyễn Thiện Nhân nhờ 11 nhân viên TTC  đứng tên vay DAB 11 khoản tổng số gần 900 tỉ đồng để đầu tư Dự án khu đô thị Vĩnh Thái; tài sản bảo đảm là phần vốn góp của 11 cá này vào Dự án khu đô thị Vĩnh Thái được DAB định giá 1.056 tỉ đồng.

Năm 2008, Nguyễn Thiện Nhân đã sử dụng 6 Công ty thuộc Nhóm TTC vay DAB 7 khoản tổng số hơn 1000 tỉ để trả nợ gốc và lãi cho 11 khoản vay của 11 cá nhân nêu trên và 48 tỉ sử dụng mục đích khác, tài sản bảo đảm là Dự án Richland Hill.

Năm 2009, Nguyễn Thiện Nhân tổ chức, chỉ đạo Nguyễn Thanh Thủy sử dụng Công ty Lê Minh MC (do Thủy làm Chủ tịch HĐQT) vay 442 tỉ đồng của DAB để sử dụng vốn vay sai mục đích.

Sau khi vay tiền DAB, Công ty Lê Minh MC đã rút vốn khỏi dự án nêu trên thanh lý hợp đồng liên doanh, Nguyễn Thiện Nhân bỏ trốn khỏi nơi cư trú, TTC và Công ty Lê Minh MC đã ngừng hoạt động và không có khả năng hoàn trả cho DAB hơn 900 tỉ.

Ngoài ra, năm 2010 Trần Phương Bình chỉ đạo thuộc cấp phê duyệt cho Công ty CP Lê Minh MC vay 185 tỉ đồng để TTC sử dụng vốn vay sai mục đích.

Sau 2 tháng điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT Bộ Công an chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện kiểm sát tiếp tục đề nghị truy tố bị can Trần Phương Bình và 11 bị can khác về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Cơ quan điều tra cũng quyết định tách vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” đối với hành vi phạm tội của 4 bị can gồm: Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Ngọc Minh, Nguyễn Thanh Thủy (vợ Nhân) và Nguyễn Đắc Hiệp thuộc nhóm TTC; ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra DongA Bank, liên quan đến nhóm Công ty CP vốn Thái Thịnh; ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Ngọc Minh, Nguyễn Thanh Thủy và Nguyễn Đắc Hiệp.

Theo CQĐT, do Nhân và Minh bỏ trốn nên chưa làm rõ được việc bàn bạc và thống nhất giữa đối tượng chính là Nguyễn Thiện Nhân với bị can Trần Phương Bình trong việc vay tiền, thế chấp tài sản và sử dụng tiền vay của DAB

Do vậy Cơ quan điều tra ra các quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với: Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Ngọc Minh, Nguyễn Thanh Thủy và Nguyễn Đắc Hiệp. Khi nào bắt được Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Ngọc Minh, CQĐT sẽ phục hồi điều tra và xử lý sau.

Hà Nhân