leftcenterrightdel
 HĐXX vụ án do thẩm phán Phạm Lương Toản làm chủ toạ.

Hội đồng xét xử 5 người (2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân), trong đó thẩm phán, chủ toạ phiên toà là ông Phạm Lương Toản và thẩm phán Nguyễn Văn Hà.

leftcenterrightdel
 Sáu kiểm sát viên tham gia phiên toà 

Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, VKS TP. HCM phân công sáu kiểm sát viên tham dự phiên toà, trong đó 03 Kiểm sát viên chính là ông Nguyễn Văn Dũng, bà Nguyễn Quỳnh Lan, Lê Thị Đông. 03 Kiểm sát viên dự khuyết gồm ông Võ Đức Trí, Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Hữu Thiện.

Tham dự phiên toà có hơn 50 Luật sư; 26 bị cáo; hơn 300 cá nhân, tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Trong vụ án này, bị cáo Trần Phương Bình (sinh năm 1959, nguyên Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB); Trần Kim Xuyến (sinh năm 1958, nguyên Phó Tổng giám đốc DAB) bị truy tố về hai tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”

Hai bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm,” sinh năm 1975, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79); Phạm Văn Phước (sinh năm 1962, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần lương thực Nam Định) bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.”

Tại phiên tòa sáng 27/11, Hội đồng xét xử đã tiến hành thẩm tra lý lịch các bị cáo hầu tòa. Trả lời hội đồng xét xử, bị cáo Phan Văn Anh Vũ khai bản thân có 2 tên gọi khác ngoài tên thật, có 1 quốc tịch Việt Nam và 1 quốc tịch nước ngoài.

Đây là phiên tòa thứ 2 mà bị cáo Phan Văn Anh Vũ hầu tòa, với vai trò vừa là bị cáo, vừa là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Trước đó, Vũ “nhôm” đã bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xử phạt 9 năm tù giam về tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.”

Theo cáo trạng, với vai trò là Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB, bị cáo Trần Phương Bình đã chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt hơn 2.057 tỷ đồng, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại hơn 1.551 tỷ đồng. 

Tổng cộng các bị cáo đã gây thiệt hại cho DAB hơn 3.608 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DAB tại thời điểm ngày 31/12/2015: Lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.

Cụ thể, Trần Phương Bình đã chỉ đạo các bị cáo khác lập phiếu thu tiền khống đứng tên Trần Phương Bình và người thân để mua 74.279.056 cổ phần DAB từ năm 2007-2014. 

Để bù đắp số tiền thu khống, Bình chỉ đạo bị cáo cấp dưới xuất quỹ bán vàng, lập hồ sơ cho vay khống để tất toán tiền mua cổ phần. Ngoài ra, Trần Phương Bình và các đồng phạm đã có sai phạm trong việc chi lãi ngoài để huy động vốn, kinh doanh vàng tài khoản, gây thiệt hại cho DAB hơn 1.551 tỷ đồng.

Với mối quan hệ từ trước, hai bị cáo Trần Phương Bình và Vũ “nhôm” đã bàn bạc, thống nhất để Vũ “nhôm” mua 60 triệu cổ phần của DAB với giá hơn 600 tỷ đồng nhằm để Vũ “nhôm” trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại ngân hàng này. 

Vũ “nhôm” thế chấp 220 lô đất tại Đà Nẵng để vay DAB 400 tỷ đồng. Còn thiếu 200 tỷ đồng, Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi cho Vũ “nhôm” bằng cách Vũ “nhôm” phải ký chứng từ nộp khống 200 tỷ đồng tại ngân hàng. Cáo trạng xác định, Vũ “nhôm” đã chiếm đoạt của DAB 200 tỷ đồng do ký chứng từ nộp khống và gần 3,2 tỷ đồng tiền lãi của số tiền nộp khống.

Cho đến nay, Vũ "nhôm" đã khắc phục hậu quả hơn 173 tỷ đồng. Còn bị cáo Trần Phương Bình đã khắc phục hậu quả 4 tỷ đồng.

 

leftcenterrightdel
Phiên tòa sáng nay 27/11

Phiên toà dự kiến sẽ diễn ra đến ngày 25/12/2018.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Trân Định - Hoa Việt – Hoài Linh