Sau 2 ngày xét xử thì phiên tòa chưa công bố xong cáo trạng. Theo cáo trạng, năm 2007, ông Bình được chuyên gia tài chính Việt kiều Mỹ giới thiệu gặp Phùng Ngọc Khánh (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần M&C). Biết Khánh đang đầu tư dự án Sài Gòn M&C (Sài Gòn One Tower, 34 Tôn Đức Thắng, đang bị bỏ hoang) và có nhu cầu về vốn nên cả hai bàn bạc hợp tác tài chính.
|
|
Ông Trần Phương Bình tại tòa án. |
Theo giới thiệu của Khánh và chuyên gia tài chính, Sài Gòn One Tower là dự án có vị trí đẹp, giá trị cao, đã hoàn tất thủ tục pháp lý sẵn sàng để xây dựng. Cao ốc có vị trí "vàng" tại góc đường Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng – Võ Văn Kiệt (quận 1), đối diện bến Bạch Đằng, tổng vốn đầu tư 256 triệu USD (hơn 5.000 tỉ đồng) và được kỳ vọng là một trong những kiến trúc đẹp nhất TP HCM.
Ông Bình đánh giá đây là dự án có vị trí chiến lược, DongABank có thể thuê hoặc mua một phần để làm trụ sở, thuận tiện cho việc giao dịch kinh doanh, nên đồng ý tài trợ tiền và đề nghị Khánh cùng cá nhân ông Bình mua 5% cổ phần công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C (công ty con, thực hiện dự án cao ốc).
DongABank sau đó tài trợ vốn bằng hình thức cho công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C vay 679 tỉ đồng vốn dài hạn. Tài sản đảm bảo là tài sản hình thành từ vốn vay, một phần của dự án. Đồng thời, ông Bình cho một số cá nhân là nhân viên của Khánh đứng tên vay vốn để hợp tác đầu tư với công ty cổ phần M&C (công ty mẹ) thực hiện dự án với mục đích có thêm cơ hội mua sản phẩm khi cao ốc hoàn thiện. Việc này dẫn tới dư nợ của nhóm khách hàng M&C (gồm nhiều cá nhân và pháp nhân) tại DongABank ngày càng lớn, mối quan hệ tài chính giữa ông Bình với họ không thể tách rời.
Ngoài ra, năm 2011, công ty cổ phần M&C còn ký hợp đồng với Công ty TNHH Một thành viên Ba Son để đầu tư làm dự án Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son (số 2 Tôn Đức Thắng, quận 1). Hai bên thỏa thuận công ty cổ phần M&C đặt cọc 500 tỉ đồng, song Phùng Ngọc Khánh đề nghị DongABank rót vốn. Ông Bình đồng ý với điều kiện DongABank sẽ tham gia khai thác dự án sau này, đồng thời nhận tài sản thế chấp là dự án hình thành trong tương lai.
Theo chỉ đạo của ông Bình, DongABank giải ngân cho 4 công ty thuộc nhóm M&C vay 1.520 tỉ đồng. Tuy nhiên, thỏa thuận thế chấp tài sản trên tại DongABank không có công ty Ba Son trong khi đây là đơn vị sở hữu quyền sử dụng đất tại số 2 Tôn Đức Thắng và là chủ đầu tư dự án. "Việc ngân hàng nhận thế chấp tài sản đảm bảo như vậy là trái quy định pháp luật vì chưa công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo", cơ quan điều tra nhận định.
Số tiền được giải ngân, Khánh không sử dụng đúng mục đích mà dùng để đảo nợ cho nhiều khoản vay và trả cho những cổ đông rút vốn khỏi các dự án chậm tiến độ của công ty cổ phần M&C. Do Khánh không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo thỏa thuận hợp tác, công ty Ba Son sau đó thanh lý hợp đồng. Việc này khiến hợp đồng hợp tác giữa công ty cổ phần M&C và DongABank chỉ là lập khống để hợp thức hóa hồ sơ vay.
Nhà chức trách xác định, Phùng Ngọc Khánh và ông Bình còn bàn bạc, thống nhất thủ thuật vay đảo nợ; phù phép nhiều hồ sơ vay vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư khống với nhiều tài sản là dự án bất động sản ở TP HCM.
Tổng cộng từ năm 2007 đến 2013, Khánh đã sử dụng pháp nhân 11 công ty thuộc nhóm khách hàng M&C và 10 cá nhân (là người quen, nhân viên dưới quyền của Khánh) vay hơn 7.100 tỉ đồng.
Khoản vay của 10 cá nhân sau đó đã được tất toán. Khoản vay của công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn M&C có tài sản bảo đảm đủ trả nợ. Còn 9 khoản vay của các công ty với dư nợ hơn 8.000 tỉ đồng không có khả năng chi trả. Hiện, Cơ quan điều tra đủ căn cứ xác định DongABank mất vốn đối với khoản vay của 4 công ty với tổng dư nợ hơn 3.949 tỉ đồng. Còn khoản vay của 5 công ty với dư nợ hơn 4.000 tỉ phải chờ kết quả định giá mới có căn cứ đánh giá hậu quả thiệt hại./.