Tỉ lệ giải quyết đạt 93,1% 

Theo báo cáo, năm 2022, VKSND Thành phố Hà Nội đề ra nhiệm vụ trọng tâm đột phá là công tác kiểm sát việc giải quyết TGTB về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Cùng với việc xác định nhiệm vụ trọng tâm đột phá, VKSND Thành phố Hà Nội đã đưa ra các chỉ tiêu đồng thời xây dựng các biện pháp, cách thức để thực hiện công tác. 

Kết quả, năm 2022, VKSND hai cấp TP Hà Nội đã kiểm sát 100% việc thụ lý, giải quyết TGTB về tội phạm và kiến nghị khởi tố của CQĐT; thực hành quyền công tố, kiểm sát 25.346 TGTB tội phạm, trong đó thụ lý mới 21.564 tin (tăng 2.322 tin so với cùng kỳ năm 2021). Đã phối hợp với CQĐT giải quyết 23.583 tin, tỉ lệ giải quyết đạt 93,1% (cao hơn 3,1% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 96). 

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội nghị triển khai công tác năm 2023 của ngành KSND.

VKS hai cấp đã yêu cầu khởi tố 67 vụ án, được CQĐT chấp nhận thực hiện. VKS đã tiến hành kiểm sát trực tiếp và ban hành kết luận tại 37 lượt tại CQĐT; ban hành 55 kiến nghị về việc khắc phục vi phạm trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và 21 kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm trên địa bàn. Các kiến nghị của VKS đều được tiếp thu, thực hiện.

Việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết TGTB về tội phạm và kiến nghị khởi tố của CQĐT được thực hiện nghiêm túc. Đảm bảo mọi TGTB về tội phạm và kiến nghị khởi tố được tiếp nhận đầy đủ, phân loại kịp thời để thụ lý, kiểm tra, xác minh, giải quyết theo đúng thẩm quyền và thời hạn quy định; đảm bảo có chất lượng, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan sai. Những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đều được lãnh đạo hai ngành Công an, VKS kịp thời chỉ đạo giải quyết. 

Trong năm 2022, riêng đối với lĩnh vực kiểm sát giải quyết tin báo, VKSND Thành phố đã xây dựng và thực hiện 2 chuyên đề gồm: “Tăng cường trách nhiệm của VKSND trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết TGTB về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định của BLTTHS năm 2015 để chống oan sai và bỏ lọt tội phạm” và chuyên đề “Công tác phối hợp xử lý TGTB về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với các loại tội phạm nói chung và tội phạm về tham nhũng, chức vụ nói riêng” (do Thành ủy phân công). Việc thực hiện hai chuyên đề đã góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết TGTB về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn TP Hà Nội.

Cũng trong năm 2022, VKSND Thành phố Hà Nội đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy giao cho VKSND Thành phố chủ trì và tổ chức thành công Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành số 01/QC-LN giữa 10 Sở, Ngành thành phố trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, VKSND Thành phố đã phối hợp với Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tại 6 đơn vị Cơ quan CSĐT và VKSND quận, huyện, thị xã. Thông qua kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành đánh giá về những kết quả đạt được của các đơn vị, đồng thời chỉ ra những tồn tại, thiếu sót, hạn chế trong công tác giải quyết TGTB về tội phạm, kiến nghị khởi tố; việc phục hồi và giải quyết các vụ việc tạm đình chỉ. Căn cứ kết quả kiểm tra trực tiếp cũng như tổng hợp báo cáo của các đơn vị, VKSND Thành phố Hà Nội đã phối hợp cùng CQĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến đến 31 điểm cầu trong thành phố về công tác tiếp nhận, giải quyết TGTB về tội phạm trên địa bàn Thành phố, Hội nghị đã đưa ra các vấn đề tồn tại, thiếu sót và giải đáp được 28 vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác tin báo.

Nâng cao chất lượng tiếp nhận và giải quyết nguồn tin về tội phạm

Về một số giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết TGTB về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn, theo VKSND Thành phố Hà Nội, trước hết, cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong việc nâng cao chất lượng tiếp nhận và giải quyết nguồn tin về tội phạm. Lãnh đạo các đơn vị cần xác định tầm quan trọng của công tác này, là tiến trình mở đầu cho các hoạt động tố tụng tiếp theo. Do đó việc sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành là yếu tố quan trọng giúp cho công tác giải quyết nguồn tin được thực hiện đúng quy định pháp luật và đạt được hiệu quả trên thực tế.  

Thứ hai, liên ngành hai cấp Thành phố tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, phát huy những kết quả đạt được trong mối quan hệ liên ngành. Lãnh đạo liên ngành cần nâng cao công tác chỉ đạo, điều hành trực tiếp đối với Điều tra viên, Kiểm sát viên và thường xuyên phối hợp tổ chức các cuộc họp rút kinh nghiệm uốn nắn kịp thời những hạn chế, thiếu sót, tồn tại. Định kỳ 6 tháng, 1 năm có thể tổ chức họp giao ban liên ngành, có sự tham gia của lãnh đạo, Điều tra viên, Kiểm sát viên để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Đào Thịnh Cường, Viện trưởng VKSND Thành phố Hà Nội phát biểu tham luận tại Hội nghị triển khai công tác năm 2023 của ngành KSND.

Thứ ba, các đơn vị cần nâng cao chất lượng công tác giải quyết TGTB về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Theo đó, mỗi Kiểm sát viên phải xác định rõ mục đích của hoạt động xác minh là làm sáng tỏ nội dung vụ việc một cách khách quan, kiên quyết không để xảy ra tình trạng bỏ lọt tội phạm và phải giải quyết vụ việc trên tinh thần quyết liệt đấu tranh phòng chống tội phạm. Nhưng đồng thời cũng phải đánh giá đúng bản chất của vụ việc, không hình sự hóa các quan hệ dân sự, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Đối với những vụ việc còn đang tạm đình chỉ giải quyết, liên ngành cần thường xuyên rà soát, đôn đốc căn cứ tạm đình chỉ để sớm phục hồi, giải quyết dứt điểm vụ việc. Các Kiểm sát viên phải nhận thức rõ các vụ việc tạm đình chỉ kéo dài không giải quyết dứt điểm có nguy cơ hiện hữu của việc bỏ lọt tội phạm và cần tránh tình trạng lạm dụng việc ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết.  

Các đơn vị tăng cường công tác tự đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ Kiểm sát viên, nhất là trong đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm... là những lĩnh vực khó, đòi hỏi có sự đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu sâu mới tạo thuận lợi cho quá trình kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm có hiệu quả trên thực tế.

Thứ tư, VKSND hai cấp Thành phố Hà Nội phải thực hành quyền công tố sớm hơn, ngay từ giai đoạn kiểm sát việc phân loại, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Theo đó, VKS cần tích cực tham gia kiểm sát đầy đủ các hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, phối hợp với CQĐT trong việc phân loại thụ lý nguồn tin khi có đề nghị của CQĐT. Xác định công tác chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mỗi cán bộ, lãnh đạo quản lý và Kiểm sát viên. Đối với những vụ, việc phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng, lãnh đạo đơn vị phải trực tiếp tham gia chỉ đạo công tác kiểm sát việc giải quyết và kịp thời báo cáo với lãnh đạo VKSND Thành phố Hà Nội để nắm và chỉ đạo.

Thứ năm, VKS nâng cao chất lượng thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị trong công tác kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm: Kiểm sát viên cần đặc biệt chú trọng đến chất lượng các bản yêu cầu kiểm tra, xác minh để đảm bảo yêu cầu đúng, trúng những vấn đề trọng tâm cần làm rõ. Tránh đề ra những yêu cầu không bám sát hồ sơ, không đảm bảo chất lượng khiến CQĐT không thực hiện được, đồng thời thường xuyên đôn đốc kết quả thực hiện các yêu cầu xác minh của CQĐT.

VKSND hai cấp Thành phố Hà Nội tăng cường thực hiện quyền kiến nghị đối với những vi phạm, tồn tại của CQĐT cùng cấp. Đồng thời làm tốt công tác đánh giá, làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật để tham mưu cho cấp ủy Đảng và ban hành kiến nghị với chính quyền và cơ quan hữu quan để có các giải pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Thứ sáu, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nghiệp vụ. Liên ngành Cơ quan điều tra và VKSND Thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra nghiệp vụ đối với các đơn vị trực thuộc, để nhằm phát hiện sớm và khắc phục, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế nghiệp vụ trong hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Đồng thời, thông qua đó, tham mưu cho lãnh đạo CQĐT, lãnh đạo VKSND Thành phố có những giải pháp, hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời cho các đơn vị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng trong khâu công tác này.

P.V