Đây là nội dung được nêu tại Nghị quyết Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVCNLĐ) năm 2023
Về nhiệm vụ chính trị và mục tiêu phấn đấu, Nghị quyết nêu rõ: Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp; đặc biệt là xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát. Thực hiện tốt phương châm “Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả".
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; phân công và sử dụng hợp lý, hiệu quả biên chế cán bộ hiện có của từng đơn vị; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để nâng cao chất lượng hoạt động của Ngành; tăng cường đào tạo cán bộ thông qua phân công giao việc và phân công cấp trên, người có kinh nghiệm kèm cặp, hướng dẫn cấp dưới và người chưa nhiều kinh nghiệm cả về năng lực chuyên môn, trách nhiệm và tính nêu gương.
Tiếp tục xác định chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Phấn đấu hoàn thành xuất sắc chương trình, nhiệm vụ trong Chỉ thị công tác năm 2023 của Viện trưởng VKSND tối cao và Kế hoạch công tác trọng tâm của Cơ quan VKSND tối cao năm 2023.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài; thực hiện tốt vai trò cơ quan Trung ương trong tương trợ tư pháp về hình sự; chủ động, tích cực trao đổi, đàm phán, ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và trao đổi kinh nghiệm với Viện kiểm sát, cơ quan công tố các nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Xác định năm 2023 là năm đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành KSND; tập trung triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin trong ngành KSND đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Viện trưởng VKSND tối cao phê duyệt.
Quán triệt, thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở, cấp ủy cơ sở; thủ trưởng đơn vị thực hiện nghiêm các quy định có liên quan về dân chủ ở cơ sở, quy chế dân chủ ở cơ sở của đơn vị, quy chế phối hợp giữa Chi bộ và lãnh đạo đơn vị; phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể trong việc đảm bảo các hoạt động quản lý, điều hành tại đơn vị không vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở.
|
|
CCVCNLĐ cơ quan VKSND tối cao biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết Hội nghị. (Ảnh minh hoạ: Trần Tùng) |
Tuyên truyền, vận động CCVCNLĐ tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ; phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần bảo đảm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ năm 2023 của toàn Ngành.
Về nhiệm vụ chuyên môn, chấp hành nghiêm chỉ đạo của Ban Cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao trong các lĩnh vực công tác được giao; triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các nhiệm vụ, yêu cầu trong Chỉ thị công tác năm 2023, Kế hoạch công tác trọng tâm năm 2023 của VKSND tối cao và các chương trình, kế hoạch khác của cơ quan và Ngành.
Tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra ngay từ giai đoạn đầu thụ lý giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; chủ động đề ra các biện pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử.
Phối hợp, tập trung rà soát giải quyết dứt điểm đối với các vụ án, tin báo tạm đình chỉ còn tồn đọng, khắc phục dứt điểm những tồn tại, hạn chế đã kéo dài nhiều năm; tập trung triển khai nghiêm túc, có hiệu quả quy định của Bộ luật tố tụng hình sự trong công tác kiểm sát việc tiếp nhận, kiểm tra xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã.
Tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa; thực hiện nghiêm các nguyên tắc của pháp luật hình sự, trong đó chú trọng nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung, kịp thời chuyển hóa chứng cứ chứng minh tội phạm trong giải quyết các vụ án hình sự.
Thực hiện nghiêm các quy chế, quy trình và hướng dẫn của VKSND tối cao về giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; quan tâm bảo vệ quyền con người thông qua công tác kiểm sát giam giữ, thi hành án hình sự, bảo đảm hoạt động giữ, giam, bắt buộc chữa bệnh và thi hành án hình sự đúng pháp luật.
Kịp thời phát hiện những vi phạm pháp luật của những người có thẩm quyền tố tụng trong quá trình tuân thủ Bộ luật Tố tụng hình sự để ban hành kiến nghị, kháng nghị khắc phục bảo đảm cho các hoạt động tư pháp được tuân thủ nghiêm chỉnh.
Tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế trong năm 2022 của Ngành; bảo đảm đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội và các chỉ tiêu của Ngành.
Các chỉ tiêu phấn đấu chung của cơ quan và Công đoàn: Thực hiện đạt và vượt 12 chỉ tiêu trong Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội và các chỉ tiêu của Ngành (ban hành kèm theo Quyết định số 139/QĐ-VKSTC ngày 29/4/2020 của VKSND tối cao). Hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các nhiệm vụ trọng tâm theo Kế hoạch số 01/KH-VKSTC ngày 27/12/2022 của VKSND tối cao năm 2023.
Phấn đấu Công đoàn cơ quan đạt danh hiệu “Công đoàn cơ sở hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và “Cơ quan văn hóa”; không có CBCCVCNLĐ vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội; 90% tập thể đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”; 100% Công đoàn bộ phận đạt danh hiệu “Công đoàn bộ phận xuất sắc”; không có Công đoàn bộ phận yếu kém; 95% đoàn viên đạt danh hiệu “Đoàn viên Công đoàn xuất sắc”.
Trong xây dựng Cơ quan trong sạch, vững mạnh, theo Nghị quyết: Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, người đứng đầu các đơn vị có trách nhiệm lãnh đạo, giữ gìn sự đoàn kết, trước hết là trong tập thể lãnh đạo, lan tỏa ra toàn đơn vị, Cơ quan. Người đứng đầu phải thực sự “công bằng, trách nhiệm, gương mẫu”; cấp dưới phải “trung thực, tận tụy, trách nhiệm” trong công việc; phấn đấu xây dựng các tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh.
Thực hiện nghiêm các quy chế, quy định về tổ chức, hoạt động của cơ quan, các đơn vị; chế độ bảo mật của Nhà nước, của VKSND tối cao; thường xuyên chăm lo, giáo dục bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm cho đội ngũ CCVCNLĐ; tăng cường quản lý nội bộ; gắn trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong thực hiện nhiệm vụ cụ thể; quan tâm lắng nghe kiến nghị của CCVCNLĐ; chấp hành nghiêm quy định về kỷ luật công vụ, nghiệp vụ. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra CCVCNLĐ vi phạm.
Thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước, của cơ quan về tiết kiệm, chống lãng phí; không để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, tự kiểm tra trong đơn vị, xử lý nghiêm những vi phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ, phát huy tinh thần đoàn kết trong cơ quan, đơn vị.