Phóng viên: Là Tổng Biên tập đầu tiên của Báo BVPL, những ngày này đối với ông có điều gì đặc biệt, đáng nhớ?
TS. Nhà văn Dương Thanh Biểu: Đối với tôi, đó là những kỷ niệm đẹp và khó quên trong cuộc đời của mình. Tôi nhớ rất rõ, kể từ khi ngành Kiểm sát được thành lập năm 1960, đến năm 2002, trước nhu cầu phải làm sao để thông tin tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ, các hoạt động của Ngành rộng rãi đến xã hội và nhân dân đòi hỏi phải có một tờ báo riêng của ngành KSND. Sau đó, Lãnh đạo VKSND tối cao đã có quyết định thành lập Đề án, thành lập Ban Trù bị để thành lập cơ quan tuần báo của ngành KSND.
Thú thật, tại thời điểm này, trên cương vị là Phó Viện trưởng VKSND tối cao kiêm Trưởng Ban Trù bị nhưng tôi và các anh em chưa có nhiều kinh nghiệm làm báo, các thành viên đa số lại kiêm nhiệm. Mọi việc đều rất mới mẻ, khó khăn. Thế nhưng, sự nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm với công việc, vừa làm vừa học hỏi nên chúng tôi cũng đã hoàn thành việc xây dựng tôn chỉ mục đích, makét và lấy tên tờ báo là Báo BVPL trình Lãnh đạo VKSND tối cao phê duyệt. Sau khi báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép, VKSND tối cao thành lập đơn vị Báo BVPL, ngày 01/11/2002, Bộ Văn hoá và Thông ti (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp Giấy phép hoạt động cho Báo BVPL. Ngày 19/11/2002, Viện trưởng VKSND tối cao ký Quyết định số 105 thành lập Báo BVPL, là đơn vị sự nghiệp có thu đầu tiên của ngành Kiểm sát. Lúc này, tôi là Phó Viện trưởng VKSND tối cao, được đồng chí Viện trưởng tin tưởng giao trọng trách kiêm nhiệm làm Tổng Biên tập. Ngày 24/12/2002, số Báo BVPL đầu tiên ra đời, được phát hành rộng rãi đến các VKSND và bạn đọc cả nước. Đối với cá nhân tôi, cả đêm đó không thể ngủ được vì hạnh phúc, vui sướng. Đó không chỉ là một sự kiện ý nghĩa của Ngành mà còn là một dấu mốc quan trọng, ý nghĩa đối với Báo BVPL và riêng cá nhân tôi.
|
|
Phóng viên Báo BVPL và phóng viên các báo tác nghiệp tại Hội nghị ngành Kiểm sát. Ảnh: Bá Huy |
Phóng viên: 16 năm qua, chặng đường tuy không dài nhưng cũng đủ để nhìn nhận, đánh giá và khẳng định nhiều điều về Báo BVPL. Quan điểm của ông về vấn đề này?
TS. Nhà văn Dương Thanh Biểu: Tôi cho rằng, kể từ khi được thành lập, ra số báo đầu tiên đến nay, Báo BVPL dù đã qua nhiều bước thăng trầm nhưng về cơ bản đã đạt nhiều kết quả tích cực, được Lãnh đạo Viện, độc giả trong và ngoài Ngành ghi nhận, đánh giá cao. Báo BVPL đã có một vị trí xứng đáng, uy tín trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, phát triển từng bước nhưng vững chắc. Từ việc chỉ có ấn phẩm báo in, nay Báo điện tử BVPL ra đời và đổi mới mạnh mẽ từ giao diện đến nội dung, phù hợp với xu hướng làm báo hiện đại trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tổ chức bộ máy của Báo ngày càng được kiện toàn, củng cố để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.
Báo BVPL luôn bám sát định hướng tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về hoạt động báo chí, giữ vững tôn chỉ mục đích. Là cơ quan báo chí của Ngành, Báo BVPL đã tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ, các mặt hoạt động của ngành Kiểm sát; về lời dạy của Bác Hồ dạy đối với cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; tuyên truyền về việc triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”; về chủ trương công tác của toàn Ngành, đó là “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Chất lượng, hiệu quả”… Bên cạnh đó, Báo BVPL cũng đã thông tin trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như: Chính trị, đời sống, pháp luật, kinh tế, văn hóa - xã hội; phát hiện, biểu dương gương tốt, nhân tố mới; đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội… từ đó giúp độc giả có cái nhìn toàn diện và khách quan hơn về các lĩnh vực diễn ra trên mọi miền Tổ quốc.
|
|
TS. Nhà văn Dương Thanh Biểu đánh giá cao sự đổi mới của Báo điện tử Bảo vệ pháp luật. Ảnh: PV |
Đặc biệt theo tôi, thời gian gần đây, điều bất kỳ độc giả nào cũng dễ nhận thấy đó là Ban Biên tập Báo BVPL đã thể hiện sự quyết liệt, mạnh dạn, dám đổi mới để nâng cao chất lượng tờ báo cả về nội dung và hình thức các ấn phẩm, đặc biệt là Báo điện tử BVPL. Ngoài đăng tin bài, Báo điện tử BVPL đã đưa tin bằng các video clip, góp phần làm cho hình thức thể hiện thông tin đa dạng hơn. Báo cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong Ngành và nhiều cơ quan báo chí khác trong việc ký quy chế phối hợp, cung cấp thông,tin, tuyên truyền để góp phần cung, cấp cho độc giả nhiều thông tin thời sự, chính xác, toàn diện, đa dạng…
Phóng viên: Để Báo BVPL hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và có vị trí xứng đáng, tin cậy trong hệ thống báo chí cách mạng, theo ông, thời gian tới, Báo BVPL phải làm những gì?
TS. Nhà văn Dương Thanh Biểu: Là người từng lãnh đạo Báo và hiện giờ là một độc giả trung thành, yêu quý và luôn dõi theo sự phát triển của Báo BVPL, trong thâm tâm, tôi luôn mong Báo ngày càng khẳng định được tên tuổi của mình, được độc giả trong và ngoài Ngành đón nhận, tin yêu.
Ở khía cạnh là người từng làm lãnh đạo, tôi hy vọng, Ban Biên tập Báo sẽ mạnh dạn và quyết liệt đổi mới hơn nữa. Tuy nhiên, đổi mới nhưng không đánh mất bản sắc của mình là tờ báo của ngành Kiểm sát nhân dân. Do vậy, Báo phải hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích; phải tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về Ngành cũng như về kết quả các mặt hoạt động, công tác của các đơn vị trong toàn Ngành để làm sao xã hội và nhân dân hiểu về vị trí, chức năng của VKSND trong bộ máy Nhà nước. Có hiểu thì mới có được sự sẻ chia, cảm thông. Bên cạnh đó, Báo BVPL phải tiếp tục đổi mới cả về hình thức và nội dung các ấn phẩm, đặc biệt là Báo điện tử BVPL, thông tin về mọi mặt đời sống, xã hội nhưng phải chính xác, khách quan, kịp thời. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên phải tiếp tục được trau dồi, nâng cao về nghiệp vụ làm báo, tâm huyết với nghề và nêu cao đạo đức của những Nhà báo chân chính, với “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” như lời của cố Nhà báo Hữu Thọ từng nói.
Còn với tư cách là một độc giả, tôi mong Ban Biên tập, những người làm báo hãy luôn đặt mình ở vị trí người đọc để đưa những thông tin họ cần và quan tâm. Xã hội ngày nay mọi người ai cũng bận rộn, không có nhiều thời gian để đọc những điều dài dòng, lê thê mà không có thông tin, không giúp ích gì cho họ. Chính vì thế, ngoài cách làm báo nhanh, hiện đại thì điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng bài viết đăng trên Báo BVPL.Tôi cũng cho rằng, ở bất kỳ cơ quan báo chí nào, vấn đề cốt lõi nhất đặt ra chính là tôn chỉ, mục đích và nguồn thu tài chính. Phải làm thế nào để tờ báo càng hay, độc giả càng nhiều, nguồn tài chính thu về lại dồi dào nhưng lại không sai tôn chỉ, mục đích. Đó là câu hỏi luôn đau đáu trong đầu những người lãnh đạo cơ quan báo chí trong bối cảnh phải tự chủ tài chính như hiện nay, cần suy nghĩ, định hướng làm sao đạt được cả hai.
Cũng nhân dịp này, tôi rất mong, phát huy những thành tích của 16 năm xây dựng và trưởngthành, Báo BVPL sẽ ngày càngphát triển, là tờ báo uy tín tronglàng báo, được độc giả tin yêuhơn. Và dịp này, nhìn lại lịch sửhình thành của Báo để mỗichúng ta thêm trân trọng quá,khứ, thấy được những việc đã làm được, những việc còn dang dở, từ đó nỗ lực, cố gắng để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn; để mỗi khi nhắc đến Báo BVPL - mỗi chúng ta luôn cảm thấyhãnh diện, tự hào vì mình từng là một phần trong đó.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Tiến sỹ, nhà báo, nhà văn Dương Thanh Biểu (ảnh bên), nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nguyên Tổng Biên tập báo Bảo vệ pháp luật, nguyên Vụ trưởng Vụ An ninh VKSND tối cao, nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Ninh Bình, nguyên Đại đội trưởng Đại đội Chủ công bộ binh, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Binh đoàn Tây Nguyên. Những tác phẩm đã chủ trì, chủ biên và xuất bản:
- Tuyển chọn các quyết định giám đốc thẩm (Nhà xuất bản Công an nhân dân -2007)
- Tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm (Nhà xuất bản tư pháp - 2007)
- Tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm hình sự (Nhà xuất bản tư pháp - 2008)
- Thông báo rút kinh nghiệm, kiến nghị nghiệp vụ của các Viện phúc thẩm (Nhà xuất bản tư pháp - 2009)
- Kinh nghiệm giải quyết án và quyền phụ nữ (Viện kiểm sát nhân dân tối cao - 2009)
- Kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự theo thủ tục giám đốc và tái thẩm (Nhà xuất bản tư pháp - 2010)
- Một thời trận mạc. Tập hồi ký (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2011)
- Theo dòng công lý. Tập truyện ký (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2012)
-Tạ Đình Đề - những góc khuất cuộc đời (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 02/2014)...
-Từ cuộc chiến đến cuộc chiến. Tập Hồi ký (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - 2016).
- Miền sáng tối. Tiểu thuyết (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2017).
|
Văn Tình (thực hiện)