Rừng bị phá, lấn chiếm quy mô lớn

Liên quan đến vụ rừng bị phá, lấn chiếm quy mô lớn thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar (viết tắt là Công ty Lâm nghiệp Ea Kar) quản lý, đến nay VKSND tỉnh Đắk Lắk xác định trong thời gian từ năm 2015-2019 rừng tại đơn vị này đã bị khai thác trái phép 296,089 m3 gỗ các loại quy tròn từ Nhóm II - VIII, thuộc rừng tự nhiên trị giá trên 1,1 tỉ đồng và 302,82 ha rừng tự nhiên tại thời điểm năm 2015 có trữ lượng gỗ 28.788,13 m3 trị giá hơn 29,4 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
Nguyễn Hồng Mạnh với vai trò là người đứng đầu Công ty, nhưng hàng năm diện tích rừng do Công ty quản lý bị mất bao nhiêu, mất tại vị trí nào ông Mạnh không nắm được. 

Quá trình điều tra xác định ông Nguyễn Hồng Mạnh (nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc) ông Phan Văn Đức (nguyên Phó Giám đốc) và ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Phòng Kỹ thuật - Quản lý bảo vệ rừng, trong quá trình công tác đã thiếu kiểm tra, chỉ đạo, giám sát hoạt động của cấp dưới, buông lỏng quản lý, thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao theo quy định, dẫn đến gây hậu quả tổng thiệt hại theo hồ sơ vụ án là hơn 29,4 tỉ đồng

Ông Mạnh với vai trò là người đứng đầu Công ty nhưng đã có nhiều sai phạm, theo đó hàng năm ông Mạnh ký ban hành các quyết định điều động, bổ nhiệm nhân sự quản lý bảo vệ rừng cho các phân trường. Tuy nhiên, vị giám đốc này không trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo kiểm tra kết quả hoạt động của nhân viên các phân trường nên không biết được kết quả thực hiện của nhân viên các phân trường.

Nhân viên các phân trường thì không mở sổ theo dõi, cập nhật tình hình để báo cáo hàng tuần, hàng tháng; không phân công địa bàn cho từng nhân viên quản lý mà cùng nhau quản lý chung các tiểu khu được giao; không phân công lịch tuần tra quản lý bảo vệ rừng. Nhân viên không có sổ nhật ký công tác, không xác định được cụ thể hàng ngày nhân viên của các phân trường đi đâu, làm gì.

leftcenterrightdel
Rừng bị phá "tan hoang" trong thời gian dài nhưng Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ea Kar không biết rừng mất ở vị trí nào...

Mặt khác, Phòng Kỹ thuật - Quản lý bảo vệ rừng của Công ty có phân công lịch trực, lịch tuần tra cho các phân trường, nhưng các phân trường không nhận xét, đánh giá kết quả vào lịch phân công. Vì vậy, không xác định được nhân viên các phân trường có thực hiện theo lịch phân công hay không.

Đáng nói, các diện tích rừng do Công ty Lâm nghiệp Ea Kar quản lý hầu hết chỉ có một con đường độc đạo đi vào và đi ra, thế nhưng ông Mạnh không chỉ đạo để lập các chốt ngăn chặn và cũng không yêu cầu nhân viên quản lý bảo vệ rừng tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực này, dẫn đến không phát hiện được đối tượng đi vào phá rừng, lấn chiếm đất rừng với diện tích lớn trong thời gian dài.

Không dừng lại ở đó, từ tháng 4/2019 - 18/8/2019 (trên 4 tháng), nhân viên phân trường 1 không thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra rừng tự nhiên tại tiểu khu được giao quản lý, tự ý nghỉ ở nhà khi chưa được sự cho phép của lãnh đạo Công ty. Hàng ngày, nhân viên các phân trường 1, 3 đi làm việc tại phân trường, nhưng đến khoảng 17 giờ là tất cả về nhà, không phân công trực, tuần tra đêm trong một thời gian dài. Từ đó, các đối tượng lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý bảo vệ rừng để thực hiện hành vi khai thác, phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép trong thời gian dài nhưng không biết, không kịp thời để ngăn chặn, xử lý...

leftcenterrightdel
Cơ quan chức năng đang kiểm đếm một bãi tập kết gỗ ngay tại bìa rừng của Công ty Lâm nghiệp Ea Kar. 

Cáo trạng cũng nêu rõ, bị can Nguyễn Hồng Mạnh, với vai trò là Chủ tịch kiêm giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ea Kar, trực tiếp quản lý, điều hành mọi hoạt động của công ty từ ngày 1/8/2011 - 18/10/2019. Tuy nhiên, việc theo dõi diễn biến rừng giao cho cấp dưới thực hiện, còn thực tế cấp dưới có thực hiện hay không thì Mạnh không kiểm tra nên không biết hàng năm diện tích rừng do công ty quản lý bị mất bao nhiêu, mất tại vị trí nào Mạnh không nắm được.

Đáng nói, đối với kết quả công tác quản lý bảo vệ rừng thì Nguyễn Hồng Mạnh chỉ nghe cấp dưới báo cáo lại qua các cuộc họp giao ban hàng tháng, nhưng không kiểm tra lại nội dung, số liệu báo cáo là có đúng thực tế hay không. Điều này dẫn đến diện tích rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm hàng năm rất lớn, nhưng Mạnh không nắm được để chỉ đạo và đưa ra những giải pháp cụ thể để chấn chỉnh công tác quản lý và bảo vệ rừng. Từ đó, để xảy ra hàng loạt sai phạm tại đơn vị này trong thời gian dài.

Hàng loạt cán bộ “dính” vòng lao lý

Theo cáo trạng từ năm 2015 – 2019, Công ty Lâm nghiệp Ea Kar đã chi cho công tác quản lý bảo vệ rừng số tiền hơn 8,3 tỉ đồng từ nguồn chi phí dịch vụ môi trường rừng. Thế nhưng, lực lượng quản lý bảo vệ rừng hoạt động không hiệu quả. Cụ thể, chỉ phát hiện lập biên bản được 117 vụ phá rừng, diện tích 106 ha, với 13 đối tượng. Trong khi theo kết quả hồ sơ chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng xác định bị suy giảm 1.783,95 ha rừng, nhưng công ty chỉ cập nhật diễn biến rừng được 779,2 ha và Mạnh không có ý kiến chỉ đạo triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Ngoài ra, cáo trạng cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm của ông Phan Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ea Kar và ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Phòng Kỹ thuật - Quản lý bảo vệ rừng cùng nhiều lãnh đạo, nhân viên các Phân trường của Công ty này.

leftcenterrightdel
Công ty Lâm nghiệp Ea Kar nơi hàng loạt cán bộ "dính" vòng lao lý.

Liên quan đến hàng loạt sai phạm tại Công ty Lâm nghiệp Ea Kar, VKSND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành cáo trạng truy tố đối với 9 bị can gồm: Nguyễn Hồng Mạnh (SN 1968, nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc); Phan Văn Đức (SN 1974, nguyên Phó Giám đốc); Nguyễn Văn Vũ (SN 1975, Trưởng phòng Kỹ thuật - Quản lý bảo vệ rừng); Phạm Văn Kỳ (SN 1962, Trưởng Phân trường 3); Nguyễn Phước Hưng (SN 1963, Nhân viên Phân trường 3); Đào Thanh Hưởng (SN 1968, Trưởng Phân trường 1); Nguyễn Hữu Thọ (SN 1971, Nhân viên Phân trường 1); Lưu Minh Thanh (SN 1984, Nhân viên Phân trường 1) và Nguyễn Văn Tuân (SN 1986, Nhân viên Phân trường 1) tất cả 9 bị can đều bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 360 BLHS.

Cũng liên quan đến việc phá rừng tại đơn vị này. Trước đó, báo Bảo vệ pháp luật đã đăng tải nhiều tin bài phản ánh về tình trạng rừng bị phá thuộc lâm phần do Công ty Lâm nghiệp Ea Kar quản lý./.

Nguyễn Quân