leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. 

Tuy nhiên, qua các vụ đại án được phát hiện và xử lý trong thời gian vừa qua, cho thấy một thực tế là hầu hết những sai phạm ở cơ quan, đơn vị đó lại do báo chí điều tra phản ánh hoặc nguồn tin của nhân dân cung cấp cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét xử lý. Vậy khi tham nhũng xảy ra thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó đang ở đâu, làm gì và trách nhiệm ra sao?

Câu hỏi luôn được dư luận quan tâm và yêu cầu có câu trả lời rõ ràng, đó là vị trí, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó như thế nào? Khi tham nhũng xảy ra mà không chủ động phát hiện và xử lý được? Họ là ai mà khi xảy ra tham nhũng lại ít thấy “bóng dáng” của họ như vậy?  

Phải chăng, nguyên nhân có thể do người đứng đầu cơ quan, đơn vị bị hạn chế, yếu kém về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành dẫn đến bị thuộc cấp “tham” nhiều hơn “mưu” dễ dàng “qua mặt”, thao túng và lũng đoạn các hoạt động. Trường hợp này, người đứng đầu có thể biết có việc này, việc khác “không bình thường” nhưng “lực bất tòng tâm”; muốn thay đổi, muốn “làm cho ra nhẽ” song, không có cách nào làm được, bởi họ “không đủ sức” hay nói cách khác người đứng đầu lúc này là “bù nhìn” để thuộc cấp giật dây…Chính vì vậy, khi cơ quan, đơn vị của họ xảy ra tiêu cực, tham nhũng đến mức phải xử lý thì họ “đáng thương hơn đáng trách”. Tuy nhiên, xét về góc độ công tác tổ chức cán bộ thì không ít người trong số họ là những người được đề bạt, bổ nhiệm theo “đúng quy trình”… 

Cũng có thể bản thân người đứng đầu đã buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, theo kiểu “anh ký, chú chịu”. Theo đó, thuộc cấp thừa cơ “lộng hành” dẫn đến có vi phạm nhỏ thì xuê xoa “rút kinh nghiệm”... rồi “bỏ qua”. Khi tích tụ thành sai phạm lớn, nghiêm trọng thì lúc đó quân, tướng tìm cách “né” trách nhiệm, “bỏ của chạy lấy người” hoặc “đường ai nấy đi”… theo kế “chuồn là thượng sách”. Bởi vậy, lúc này nhiều khi có những nhân vật phải chấp nhận “thí tốt” vì đã trót lỡ “bút sa gà chết”, nhưng không đổ trách nhiệm cho ai được! 

Đặc biệt, nguyên nhân “ông mất chân giò, bà thò chai rượu” là người đứng đầu và thuộc cấp lúc này “bắt tay nhau, anh em một nhà”, theo kiểu “chú có phần chú, anh có phần anh”… “to ăn to”, “bé ăn bé” cùng tạo điều kiện, “dễ mình, dễ người”,   để cùng vui vẻ! Cấp độ của nguyên nhân này đã tạo ra những “ekip” mà ở đó những người “cùng dây” thỏa sức “kẻ tung, người hứng”, bất chấp kỷ cương, phép nước, coi tài sản của Nhà nước như là của mình, tạo “sân trước, sân sau”... ban phát lợi lộc cho nhau. Khi bị phát hiện thì cùng nhau tìm cách “chạy tội” hòng thoát thân, tới lúc không “chạy” được thì cùng kéo nhau ra trước pháp luật... Lúc này thì “mạnh ai nấy lo”, quanh co, chối tội và “rất ân hận”...  xin được “chiếu cố vì gia đình, bản thân có nhiều cống hiến, vi phạm lần đầu”... và lúc  này, họ - người đứng đầu đang tìm mọi cách để “ve sầu thoát xác” hoặc tìm cách “hạ cánh an toàn” cùng lắm thì... “đi nước ngoài chữa bệnh” không quay về nữa, “cánh hẩu”, “bộ sậu”... có thân thì lo!

“Giá như”, đúng vậy tất cả đều có thể nói lên một tất yếu đó là: Giá như công tác tổ chức cán bộ của chúng ta làm nghiêm túc theo đúng các quy định, quy trình của Đảng, Nhà nước đặt ra, ở đâu đó không có kiểu “xin- cho”, đề bạt, bổ nhiệm “đúng quy trình” và “thần tốc” ... “nâng đỡ không trong sáng” thì sẽ không có những cán bộ “rởm”; giá như “chiếc lồng nhốt quyền lực” được chắc chắn để không có chuyện “dân xử theo luật, quan theo lễ”...;  giá như nhận thức của việc tự phát hiện, xử lý vi phạm, tham nhũng không bị coi là đơn vị, tổ chức yếu kém mà phải được động viên, khuyến khích và coi đó là “thành tích”, nhân tố tích cực trong đấu tranh PCTN, bởi những người đứng đầu ở đó dám đối diện với sự thật, có đủ bản lĩnh dám làm, dám chịu trách nhiệm, biết nhận khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa. Cấp trên, tổ chức cần phải động viên và luôn đồng hành cùng họ trong cuộc chiến PCTN này để họ tự tin đấu tranh bảo vệ lẽ phải, chống lại cái xấu, cái ác được núp bóng, che khuất bởi những đám mây của “viên đạn bọc đường”…  

Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới; nơi nào tự kiểm tra không phát hiện hoặc phát hiện nhưng xử lý vi phạm nương nhẹ thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý đúng mức, không “rút kinh nghiệm” chung chung... 

Chúng ta tin quan điểm chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Đảng ta đã và đang đem đến luồng sinh khí mới cho cuộc chiến “chống giặc nội xâm” và khi đó, người đứng đầu thực sự là thủ lĩnh “chèo lái” đưa cơ quan, đơn vị mình vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đến đích thành công. Và câu trả lời lúc đó, họ - người đứng đầu cơ quan, đơn vị sẽ là “khắc tinh” của tiêu cực, tham nhũng!

H.C