Đây là một trong những nội dung nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, chỉ đạo và trả lời thỉnh thị các vụ việc, vụ án hình sự về trật tự xã hội đối với Viện kiểm sát cấp dưới được VKSND tối cao (Vụ 2) đề cập tại Hướng dẫn về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án trật tự xã hội năm 2022.
Theo đó, năm 2022, Viện kiểm sát các cấp tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị 03/CT-VKSTC ngày 28/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường việc thỉnh thị, trả lời thỉnh thị, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc, thông báo rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; Quy định về công tác hướng dẫn, giải đáp về pháp luật, nghiệp vụ và báo cáo thỉnh thị, trả lời thỉnh thị trong ngành KSND ban hành kèm theo Quyết định 599/QĐ VKSTC ngày 6/12/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao.
Bên cạnh đó, Viện kiểm sát các cấp tập trung hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm trong Chỉ thị 04/2015 và các chỉ thị chuyên đề của Viện trưởng VKSND tối cao.
Viện kiểm sát cũng cần nắm chắc tình hình, kết quả giải quyết án trật tự xã hội do Viện kiểm sát cấp dưới thụ lý giải quyết thông qua nghiên cứu các báo cáo nghiệp vụ, báo cáo tháng, Cáo trạng, các quyết định xử lý vụ án...; phải nắm chắc các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; những vụ án có dấu hiệu oan, sai hoặc có đơn kêu oan, khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài; những vụ, việc tiềm ẩn nguy cơ trở thành “điểm nóng” để chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Đặc biệt lưu ý đối với các vụ án giết người, xâm hại trẻ em, mua bán người; tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc; tội phạm có tính chất “xã hội đen”; tội phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19. Trường hợp cần thiết thì yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới trực tiếp báo cáo để hướng dẫn, chỉ đạo chính xác, đúng pháp luật.
Thông qua theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, Viện kiểm sát cấp trên phải tổng hợp đánh giá các ưu điểm, hạn chế của Viện kiểm sát cấp dưới, kịp thời ban hành thông báo rút kinh nghiệm khắc phục những vi phạm, thiếu sót.
|
|
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Báo Bảo vệ pháp luật) |
Đồng thời, tăng cường và nâng cao chất lượng trả lời thỉnh thị; nội dung trả lời thỉnh thị phải rõ ràng, cụ thể; không hướng dẫn, trả lời chung chung, khó thực hiện; phải phân công Kiểm sát viên có năng lực để nghiên cứu hồ sơ trả lời thỉnh thị. Viện kiểm sát cấp trên phải nâng cao trách nhiệm trong việc hướng dẫn trả lời thỉnh thị Viện kiểm sát cấp dưới, không để xảy ra trường hợp vụ án, vụ việc, những khó khăn, vướng mắc Viện kiểm sát cấp trên có thể trả lời, hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết được, nhưng lại đề nghị VKSND tối cao hướng dẫn, giải đáp, trả lời, dẫn đến vụ, việc kéo dài. Trong đó lưu ý, cần trao đổi thống nhất với các cơ quan tố tụng địa phương, vụ án ở giai đoạn nào thì cơ quan tố tụng đang thụ lý giải quyết ở giai đoạn đó chủ trì thỉnh thị ngành dọc cấp trên.
Cùng với công tác hướng dẫn, chỉ đạo và trả lời thỉnh thị, trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, Viện kiểm sát cần tăng cường kiểm sát chặt chẽ các hoạt động của CQĐT ngay từ khi tiếp nhận, phân loại, thụ lý, xác minh nguồn tin về tội phạm.
Đồng thời, nắm chắc các tố giác, tin báo tội phạm về trật tự xã hội; thực hiện nghiêm chỉnh chế độ trực nghiệp vụ, tiếp công dân 24/24 giờ; thường xuyên theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội để nắm thông tin về tội phạm trật tự xã hội, phân loại, xử lý theo quy định pháp luật. Đảm bảo mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ và thụ lý giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Kiểm sát viên được phân công thụ lý giải quyết phải chủ động, kịp thời đề ra các yêu cầu kiểm tra, xác minh đảm bảo chất lượng, sát thực; 100% vụ việc phải có yêu cầu xác minh; phải tích cực, chủ động phối hợp, đôn đốc Điều tra viên thực hiện nghiêm túc các nội dung nêu trong yêu cầu xác minh, bám sát tiến độ xác minh, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc hoặc tình tiết mới phát sinh trong quá trình xác minh.
Trước khi kết thúc việc xác minh ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự thì cần phối hợp CQĐT trao đổi thống nhất đảm bảo việc ban hành quyết định có căn cứ, đúng pháp luật, chống oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.
Mặt khác, Viện kiểm sát cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Thông tư liên tịch số 01/2020 của liên ngành tư pháp Trung ương về tạm đình chỉ, phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Kiểm sát chặt chẽ các căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Thường xuyên phối hợp với CQĐT rà soát các tố giác, tin báo hoặc kiến nghị khởi tố đã tạm đình chỉ, nếu thấy lý do tạm đình chỉ không còn thì yêu cầu CQĐT ra quyết định phục hồi giải quyết ngay theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Viện kiểm sát cần tăng cường và nâng cao chất lượng trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của các CQĐT, cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra cùng cấp và cấp dưới. Trong đó, lưu ý trực tiếp kiểm sát đối với lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Khoản 5 Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 (sửa đổi, bổ sung ngày 29/11/2021).