Để tổ chức triển khai thi hành các quy định của Luật, ngày 29/11/2021, Liên ngành Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2021 ngày 29/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT, trong đó sửa đổi khoản 5 Điều 8 theo hướng quy định chi tiết việc kiểm tra, xác minh sơ bộ của Công an cấp xã đối với các trường hợp cụ thể, quy định cụ thể các hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ mà Công an cấp xã được tiến hành cũng như tăng thời gian tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã.

leftcenterrightdel
Đồng chí Huỳnh Trung Hiếu, Trưởng phòng 2, VKSND tỉnh Bình Dương

Theo đó, Thông tư liên tịch số 01/2021 ngày 29/11/2021 quy định hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn bao gồm các hoạt động: “Lấy lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm, lấy lời khai người bị tố giác, người bị hại, người làm chứng và người có liên quan; Có mặt kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc, vẽ sơ đồ nơi xảy ra vụ việc, bảo vệ hiện trường; Xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan; Xác định sơ bộ thông tin về hậu quả, thiệt hại; Phát hiện, tạm giữ, bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan đến hành vi có dấu hiệu tội phạm”.

Hoạt động “kiểm tra, xác minh sơ bộ” tố giác, tin báo về tội phạm nêu trên của Công an xã là hoạt động tư pháp, thuộc lĩnh vực hình sự. Việc quy định như vậy nhằm nâng cao vị trí, vai trò của lực lượng Công an phường, xã trong bối cảnh lực lượng Công an xã được “Chính quy hóa”, tạo điều kiện cho Cơ quan điều tra chuyên trách cấp huyện tiến hành tiếp nhận, xác minh, giải quyết được kịp thời, khẩn trương và đầy đủ.

Thông tư cũng quy định các trường hợp về thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an.

Trước đây, Thông tư liên tịch số 01/2017 chỉ quy định thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an là trong thời hạn 24 giờ hoặc 48 giờ (đối với xã ở vùng rừng núi, xa xôi, hẻo lánh, điều kiện đi lại khó khăn) kể từ khi tiếp nhận (khoản 5 Điều 8 Thông tư liên tịch). Hiện nay, Thông tư liên tịch 01/2021 quy định 2 loại thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã gắn với 2 trường hợp cụ thể:

Thời hạn 24 giờ hoặc 48 giờ (đối với các xã ở vùng rừng núi, xa xôi, hẻo lánh, điều kiện đi lại khó khăn) được tính từ khi tiếp nhận đến khi chuyển tố giác, tin báo về tội phạm áp dụng đối với tố giác, tin báo về hành vi phạm tội quả tang; tố giác, tin báo về hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc được dư luận xã hội quan tâm; tố giác, tin báo về tội phạm đã rõ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc rõ người bị tố giác mà có căn cứ cho rằng người đó có thể bỏ trốn, có căn cứ và cần thiết phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

Thời hạn 7 ngày được tính từ khi tiếp nhận đến khi chuyển tố giác, tin báo về tội phạm áp dụng đối với các tố giác, tin báo về tội phạm không thuộc các trường hợp nêu trên. Trong thời hạn 7 ngày này, Công an cấp xã sẽ tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ như đã nêu ở trên.

Trong quá trình giải quyết, nếu phát hiện tố giác, tin báo thuộc trường hợp phải chuyển trong thời hạn 24 giờ hoặc 48 giờ như đã nêu ở trên thì Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phải chuyển tố giác, tin báo về tội phạm trong thời hạn 24 giờ hoặc 48 giờ (đối với các xã ở vùng rừng núi, xa xôi, hẻo lánh, điều kiện đi lại khó khăn...) mà không đợi hết 7 ngày mới chuyển tố giác, tin báo về tội phạm.

leftcenterrightdel
Phòng 2 VKSND tỉnh Bình Dương tại một buổi hoạt động nghiệp vụ. 

Theo đồng chí Huỳnh Trung Hiếu, Trưởng phòng 2 VKSND tỉnh Bình Dương thì Viện kiểm sát với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, có ý nghĩa tiên quyết để đảm bảo mọi hành vi phạm tội, người phạm tội đều được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng pháp luật. Thực tiễn thực hành quyền công tố cho thấy, kiểm sát tốt việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm sẽ quyết định chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Đây cũng là một trong những bước quan trọng để có thể khẳng định có hay không có hành vi tội phạm xảy ra, người nào thực hiện hành vi phạm tội, tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội. Đồng thời,  thông qua hoạt động này để có cơ sở khẳng định việc khởi tố là đúng người, đúng tội và đảm bảo các căn cứ để xử lý tội phạm, đảm bảo cho mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý theo quy định của pháp luật, tránh làm oan, sai và không bỏ lọt tội phạm. 

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, Viện kiểm sát chỉ tiến hành hoạt động kiểm sát đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cùng cấp (tương đương cấp huyện trở lên); chưa có quy định nào giao cho Viện kiểm sát hoạt động “kiểm tra, xác minh sơ bộ” tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã. Vì vậy, Viện kiểm sát không thể nắm chắc và kiểm sát được đầy đủ, kịp thời việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, để có biện pháp tác động giải quyết, dẫn đến việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm sẽ gặp khó khăn, vướng mắc, kéo dài trong trường hợp các Công an xã tiếp nhận nhưng chậm làm thủ tục chuyển tố giác, tin báo về tội phạm cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm, người phạm tộ,i nếu như Công an xã từ chối tiếp nhận hoặc tuy đã tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm nhưng không chuyển đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Căn cứ quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2021 ngày 29/11/2021 “Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an.”.  Vì vậy, Viện kiểm sát phải vận dụng các cơ chế phối hợp với Cơ quan điều tra thông qua công tác hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra để thực hiện công tác kiểm sát đối với hoạt động “kiểm tra, xác minh sơ bộ” tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã nhằm bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh, hạn chế việc bỏ lọt tội phạm ngay từ cơ sở.

Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, theo Trưởng phòng 2, VKSND tỉnh Bình Dương, Huỳnh Trung Hiếu, cần bổ sung cho Viện kiểm sát thẩm quyền kiểm sát việc tiếp nhận, trực tiếp kiểm sát, kiểm sát hoạt động xác minh sơ bộ ban đầu đối với Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an cũng như trách nhiệm thông báo về việc tiếp nhận nguồn tin về tội phạm của các cơ quan này cho Viện kiểm sát.

Lê Sử