Thứ nhất, Theo quy định tại Điều 58 BLTTHS, các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này chỉ áp dụng cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và người bị bắt theo quyết định truy nã. 

Theo quan điểm của người viết, quy định như vậy là chưa đầy đủ, còn thiếu người bị bắt theo lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Bởi lẽ, khi bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị giữ có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 58 Bộ luật này, nhưng ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, thì họ đã trở thành người bị bắt. Họ không còn quyền, nghĩa vụ của người bị giữ nữa, thay vào đó họ phải có các quyền và nghĩa vụ của người bị bắt theo lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát việc bắt người (Ảnh: Đỗ Văn Toàn)

Tại khoản 2 Điều này có quy định nghĩa vụ của người bị giữ, người bị bắt là yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền giữ người, bắt người theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự”, nội dung này là quyền chứ không phải là nghĩa vụ của người bị giữ, người bị bắt nên nếu quy định vào khoản 1 Điều này sẽ chính xác hơn.

Ngoài ra, việc sử dụng cụm từ “người bị bắt” là chưa cụ thể, rõ ràng vì có đến 5 trường hợp bắt người, do đó cần ghi rõ là người bị bắt trong các trường hợp: phạm tội quả tang, theo lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và theo quyết định truy nã.

Theo chúng tôi, cần bổ sung vào khoản 1 Điều 58 Bộ luật này cụm từ “người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp” để quy định về người bị bắt theo lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và sửa đổi khoản 2 Điều này như sau:

“Điều 58. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt

1. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp và người bị bắt theo quyết định truy nã có quyền:

a) Được nghe, nhận lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định truy nã;

2. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp và người bị bắt theo quyết định truy nã có nghĩa vụ chấp hành lệnh giữ người, lệnh bắt người của của cơ quan, người có thẩm quyền.”

Thứ hai, theo quy định tại Điều 110 BLTTHS, nếu có đủ căn cứ thì có thể giữ người trong trường hợp khẩn cấp bất kỳ lúc nào, kể cả vào ban đêm. Sau khi giữ người, Cơ quan điều tra sẽ áp giải người bị giữ về trụ sở của mình. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người, Cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và những người có thẩm quyền phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. thời hạn tạm giữ không quá 3 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra áp giải người bị giữ về trụ sở của mình (khoản 1 Điều 118 BLTTHS). Khoản 6 Điều 127 Bộ luật này lại có quy định khác, tuy cho phép áp dụng biện pháp áp giải đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, nhưng lại không được bắt đầu việc áp giải vào ban đêm (đêm tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau). Như vậy, Điều 110 và Điều 127 BLTTHS quy định không thống nhất với nhau về thời điểm bắt đầu việc áp giải.

leftcenterrightdel
 Thực hiện việc áp giải (Ảnh: internet)

Để khắc phục sự thiếu thống nhất nêu trên và tạo thuận lợi cho việc áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, theo chúng tôi, cần sửa đổi khoản 6 Điều 127 BLTTHS theo hướng cho phép bắt đầu việc áp giải vào ban đêm đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, cụ thể: “6. Không được bắt đầu việc áp giải, dẫn giải người vào ban đêm, trừ trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp; không được áp giải, dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế.”

Thứ ba, Quy định tại điểm c khoản 2 và khoản 4 Điều 110 BLTTHS cho phép hiểu rằng, sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng phải giải ngay người bị giữ kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp đến Cơ quan điều tra nơi có sân bay hoặc bến cảng đầu tiên tàu trở về.

Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận người bị giữ, Cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp hoặc trả tự do ngay cho người đó…”.

Thế nhưng, tại khoản 2 Điều 117 Bộ luật này lại quy định người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng có quyền ra quyết định tạm giữ. Vấn đề này cần được Cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn để việc thực hiện được thống nhất.

Thứ tư, Điều 110 BLTTHS 2015 với tiêu đề là “Giữ người trong trường hợp khẩn cấp” nhưng nội dung của Điều này lại điều chỉnh đối với cả biện pháp ngăn chặn giữ người và bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp (lệnh, thủ tục phê chuẩn và thi hành lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp) là không phù hợp, do đó, cần phải tách quy định tại Điều này thành hai điều luật khác nhau là “Giữ người trong trường hợp khẩn cấp” và “Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp” mới bảo đảm sự rõ ràng và hợp lý về kỹ thuật lập pháp.

Thứ năm, tại khoản 1 Điều 114 BLTTHS quy định: “Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt”. Quy định này chưa đầy đủ và “chưa ổn”, cụ thể là mới chỉ quy định ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt, chưa có quy định ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị giữ.

Để khắc phục hạn chế trên, chúng tôi cho rằng cần phải sửa đổi khoản 1 Điều 114 BLTTHS 2015 theo hướng: Thay từ “bắt người” thành cụm từ “bắt người phạm tội quả tang” để loại trừ các trường hợp bắt người khác (bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ, bắt người đang bị truy nã); Bổ sung thêm cụm từ “người bị giữ” trước cụm từ “người bị bắt”. Theo đó:

“Điều 114. Những việc cần làm ngay sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt.

1. Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang  hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị giữ, người bị bắt...”

Anh Minh