Liên quan đến thông tin mà đương sự phải cung cấp cho Tòa án để xác minh địa chỉ của đương sự ở nước ngoài, theo TAND tối cao, khi đề nghị Tòa án xác minh địa chỉ của người nước ngoài, công ty, doanh nghiệp có trụ sở ở nước ngoài, công dân Việt Nam ở nước ngoài, người khởi kiện, người yêu cầu, đương sự phải cung cấp cho Tòa án các thông tin có được về cá nhân, doanh nghiệp đó.

Trong đó phải có các thông tin đối với việc xác minh địa chỉ của người nước ngoài như: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, giới tính, số hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu, số căn cước công dân của người nước ngoài cần được xác minh địa chỉ. Những thông tin này có trên các tài liệu, giấy tờ bao gồm: hộ chiếu nước ngoài, thẻ căn cước công dân nước ngoài: giấy phép lái xe, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân của người nước ngoài... do nước ngoài hoặc Việt Nam cấp và các tài liệu, giấy tờ khác có các thông tin nêu trên mà đương sự có được.

Đối với việc xác minh địa chỉ của doanh nghiệp, công ty nước ngoài: Tên doanh nghiệp, công ty, mã số đăng ký doanh nghiệp, công ty, mã số thuế của doanh nghiệp, công ty cần được xác minh địa chỉ. Những thông tin này có thể tồn tại trong các tài liệu, giấy tờ như: Hợp đồng, thư tín giao dịch, telegram, fax, telex, thư điện tử... và các tài liệu, giấy tờ khác có các thông tin nêu trên mà đương sự có được.

Đối với việc xác minh địa chỉ của công dân Việt Nam ở nước ngoài: Khi đề nghị Tòa án xác minh địa chỉ của công dân Việt Nam ở nước ngoài, người khởi kiện, người yêu cầu hoặc đương sự đề nghị Tòa án đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải cung cấp cho Tòa án các thông tin như: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, số hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu, số căn cước công dân hoặc số chứng minh thư nhân dân của người cần được xác minh địa chỉ.

Những thông tin này có trên các tài liệu, giấy tờ bao gồm: Hộ chiếu Việt Nam, thẻ căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân, giấy phép lái xe, thẻ thường trú, thẻ tạm trú do nước ngoài hoặc Việt Nam cấp và các giấy tờ, tài liệu khác có các thông tin nêu trên.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Trường hợp đương sự không đề nghị nhưng Tòa án đưa đương sự ở nước ngoài tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại Khoản 4 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự, thì Tòa án yêu cầu đương sự đã có ý kiến hoặc cung cấp tài liệu, giấy tờ về sự liên quan đến quyền lợi của đương sự ở nước ngoài cung cấp địa chỉ của đương sự ở nước ngoài đó.

Trong trường hợp không cung cấp được địa chỉ, đương sự phải cung cấp một trong các thông tin nêu tại Tiểu mục 3.1 Mục 3 của công văn này để Tòa án tiến hành xác minh địa chỉ của đương sự ở nước ngoài.

Về các trường hợp không ủy thác tư pháp cho nước ngoài hoặc đề nghị cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xác minh địa chỉ của đương sự, TAND tối cao cho rằng, đối với các nước cùng với Việt Nam là thành viên Hiệp định tương trợ tư pháp, Công ước tống đạt giấy tờ, Công ước thu thập chứng cứ nêu tại công văn này đã cho biết không có thẩm quyền xác minh địa chỉ của đương sự, thì Tòa án giải thích cho đương sự không có cơ sở pháp lý để Tòa án Việt Nam ủy thác cho các nước này xác minh địa chỉ của đương sự trên lãnh thổ nước đó. Đương sự phải tự tìm kiếm địa chỉ của đương sự ở nước ngoài để cung cấp cho Tòa án.

Tòa án không ủy thác tư pháp cho nước ngoài hoặc đề nghị cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xác minh địa chỉ của đương sự ở nước đó trong trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu, người đề nghị đưa đương sự ở nước ngoài tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không cung cấp được cho Tòa án một trong các thông tin nêu tại Mục 3 của công văn này.

Tòa án không ủy thác tư pháp cho nước ngoài hoặc đề nghị cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xác minh địa chỉ nếu đương sự nêu tại Tiểu mục 3.2 Mục 3 của công văn này không cung cấp được thông tin về đương sự ở nước ngoài theo yêu cầu của Tòa án.

Trường hợp nguyên đơn, bị đơn hoặc đương sự khác cung cấp được địa chỉ của đương sự ở nước ngoài, không phân biệt địa chỉ đó đương sự có được từ nhiều năm về trước hoặc tại thời gian gần nhất so với thời điểm cung cấp địa chỉ này cho Tòa án, thì Tòa án tiến hành tống đạt văn bản tố tụng hoặc thu thập chứng cứ đối với đương sự ở nước ngoài theo địa chỉ đã được cung cấp mà không thực hiện việc ủy thác tư pháp cho nước ngoài hoặc đề nghị cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xác minh địa chỉ của đương sự.

Trường hợp Tòa án muốn xác minh địa chỉ của đương sự ở các nước khác nêu tại công văn này, thì cần liên hệ trước với Bộ Tư pháp (Cơ quan Trung ương đầu mối của Việt Nam theo quy định tại các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên), để được hỗ trợ, cung cấp thông tin.

Ngoài các nội dung trên, TAND tối cao còn lưu ý về một số nội dung khác như: Cơ sở pháp lý và thực tiễn để Tòa án yêu cầu xác minh địa chỉ của đương sự ở nước ngoài; các trường hợp Tòa án có thể ủy thác tư pháp cho nước ngoài hoặc đề nghị cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xác minh địa chỉ của đương sự; thủ tục ủy thác tư pháp cho nước ngoài, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xác minh địa chỉ của đương sự...

P.V