Bảo đảm quyền bào chữa là nguyên tắc hiến định trong hoạt động tố tụng ở nước ta, cụ thể khoản 4, Điều 31 Hiến pháp năm 2013 đã quy định “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”.  

Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, tại Điều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội như sau:“Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này”.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên VKSQS Quân khu 4 trao đổi công tác. Ảnh Nguyễn Đen

Một trong những vấn đề bảo đảm quyền bào chưa của bị can, bị cáo hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội là việc được đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa.

Xuất phát từ yêu cầu đó, liên ngành Bộ Công an, VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch 02/2018/TTLT- BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 1/2/2018 quy định này về trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa (Sau đây gọi tắt là Thông tư 02/2018).

Qua nghiên cứu các quy định của Thông tư 02/2018, đối chiếu với các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự cho thấy có những bất cập nhất định cần hướng dẫn thực hiện thống nhất.

Thứ nhất: Việc giải quyết yêu cầu được đọc, ghi chép tài liệu sau khi kết luận điều tra hoặc cáo trạng truy tố được giao cho bị can hoặc người đại diện của pháp nhân thương mại phạm tội.

Khoản 1, Điều 4 Thông tư 02/2018 quy định về trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như sau:Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được phân công thụ lý, giải quyết vụ án khi giao bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc bản cáo trạng cho bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội phải thông báo, giải thích lại cho họ được biết về quyền được đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa của họ từ sau khi kết thúc điều tra khi họ có yêu cầu.

leftcenterrightdel
VKSQS khu vực 43 họp bàn công tác phối hợp với VVKSND TP Đồng Hới (Quảng Bình) trong tiếp nhận, giải quyết các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Cơ quan tố tụng trong Quân đội. Ảnh Phạm Khắc Hoan.

Khoản 2 Điều 4 Thông tư 02/2018 quy định về thời điểm thông báo:Việc thông báo cho bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội về quyền được đọc, ghi chép tài liệu phải được người có thẩm quyền tiến hành tố tụng ghi nhận trong biên bản giao nhận bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc bản cáo trạng và được chuyển cùng hồ sơ vụ án hình sự.

Việc thực hiện quy định này hiện nay như sau, khi Điều tra viên giao bản kết luận điều tra, Kiểm sát viên giao cáo trạng cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì tiến hành giải thích và hỏi họ về quyền được đọc, ghi chép tài liệu, sau đó ghi nhận nội dung hỏi, giải thích vào biên bản giao nhận bản kết luận điều tra hoặc biên bản giao nhận cáo trạng, biên bản giao nhận được đưa vào hồ sơ vụ án.

Về giải quyết yêu cầu đọc, ghi chép tài liệu của bị can hoặc người đại diện của bị can được quy định tại Điều 6 Thông tư 02/2018, cụ thể “Trong thời hạn 3 ngày, kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu được đọc, ghi chép tài liệu của bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án có trách nhiệm xem xét, giải quyết như sau: Tại khoản 2 Điều 6 quy định nếu thuộc trường hợp bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội được đọc, ghi chép “thì phải chuẩn bị ngay bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa và thông báo bằng văn bản, trong đó ghi rõ địa điểm, khoảng thời gian hợp lý đbị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội có thể đọc, ghi chép tài liệu.

Như vậy, theo quy định trên thì từ thời điểm bị can hoặc đại diện của pháp nhân thương mại phạm tội được giải thích về quyền được đọc, ghi chép tài liệu và họ có yêu cầu cho đến khi họ được thực hiện quyền này phải mất một khoảng thời gian nhất định và yêu cầu đó phải bằng văn bản.

Trong khi đó, Bộ luật TTHS quy định về việc bàn giao hồ sơ vụ án giữa Cơ quan điều tra với Viện kiểm sát và giữa Viện kiểm sát với Tòa án như sau: Theo khoản 4 Điều 232 Bộ luật TTHS thì trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày ra bản kết luận điều tra, Cơ quan điều tra phải giao bản kết luận điều tra cho Viện kiểm sát, bị can hoặc người đại diện của bị can.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên toà hình sự sơ thẩm. Ảnh Lưu Văn Hoàng.

Theo khoản 1 Điều 238 Bộ luật TTHS, khi Cơ quan điều tra giao hồ sơ vụ án kèm theo bản kết luận điều tra đề nghị truy tố và vật chứng (nếu có), Viện kiểm sát chỉ được nhận hồ sơ vụ án trong trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có) đã đầy đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng và bản kết luận điều tra đã được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can.

Theo quy định của Thông tư thì khi giao bản kết luận điều tra cho bị can hoặc người đại diện của pháp nhân thương mại phạm tội thì Cơ quan điều tra phải tiến hành giải thích, thông báo về quyền được đọc, ghi chép tài liệu và ghi nhận việc giải thích, thông báo đó vào biên bản giao nhận bản kết luận điều tra, Kiểm sát viên khi nhận hồ sơ vụ án phải kiểm tra, bảo đảm các nội dung đầy đủ theo quy định khoản 1 Điều 238 thì mới tiến hành nhận hồ sơ vụ án.

Khoản 2 Điều 240 Bộ luật TTHS quy định, trong thời hạn 3 ngày kể từ khi ra quyết định truy tố, Viện kiểm sát phải giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can bản cáo trạng. Theo Điều 244 BLTTHS trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ra bản cáo trạng, Viện kiếm sát phải chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng sang cho Tòa án.

Qua các nội dung ở trên cho thấy về thời hạn giải quyết yêu cầu được đọc, ghi chép tài liệu của Cơ quan tiến hành tố tụng so với thời hạn các Cơ quan tiến hành tố tụng phải bàn giao hồ sơ vụ án theo quy định của Bộ luật TTHS chưa có sự thống nhất.

Trong trường hợp Cơ quan điều tra giao bản kết luận điều tra đề nghị truy tố mà họ có yêu cầu được đọc, ghi chép bản sao tài liệu, mà trong thời hạn 2 ngày Cơ quan điều tra chưa đủ thời gian để giải quyết, nhưng đã phải bàn giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát, vậy sau khi chuyển hồ sơ vụ án và bàn giao bản kết luận điều tra cho Viện kiểm sát thì việc bảo đảm cho bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội được đọc, ghi chép sẽ do Điều tra viên hay Kiểm sát viên thực hiện.

Bên cạnh đó, Thông tư quy định là bố trí thời gian hợp lý, do mỗi vụ án có đặc điểm, tính chất khác nhau nên số lượng bút lục của hồ sơ, tài liệu cũng khác nhau, để bảo đảm việc bàn giao hồ sơ vụ án giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng thì thời gian bố trí cho đọc, ghi chép tài liệu cũng ảnh hưởng đến thời hạn bàn giao hồ sơ.

Còn theo quy định tại khoản 2 Điều 4 như trên, thì trường hợp tại biên bản giao nhận bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc cáo trạng của Viện kiểm sát, bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội có yêu cầu và được Điều tra viên, Kiểm sát viên ghi nhận trong biên bản giao nhận thì việc yêu cầu có cần thiết phải tiến hành bằng văn bản riêng hay không.

Thứ hai: Việc bảo quản, chuyển bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa

Về việc quản lý, bảo quản đối với bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa và các tài liệu thể hiện trình tự, thủ tục của việc đọc, ghi chép, theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 02/2018 thìBản sao tài liệu hoặc tài liệu số hóa và những tài liệu về trình tự, thủ tục cho bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội đọc, ghi chép được chuyển cùng hồ sơ vụ án cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để giải quyết theo thẩm quyền.

Như vậy, khi giải quyết cho bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội được đọc, ghi chép tài liệu thì Bản sao tài liệu hoặc tài liệu số hóa và những tài liệu về trình tự, thủ tục thì phải được chuyển cùng với hồ sơ vụ án cho Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp theo.

Tuy nhiên, Thông tư chưa quy định rõ việc chuyển cùng hồ sơ vụ án thực hiện như thế nào, thống kê, sắp xếp chung vào hồ sơ vụ án và đánh số bút lục tiếp theo tài liệu có trong hồ sơ hay sắp xếp, thống kê thành bộ riêng, do đó cần có hướng dẫn thực hiện thống nhất giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng. 

 

Đại úy Lường Văn Thum- Phó Viện trưởng, Viện KSQS khu vực 23