Xác định đối tượng khởi kiện
Theo quy định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, với tư cách là đại diện chủ sở hữu về đất đai, Nhà nước có các quyền đối với đất đai như: Quyết định quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất; quyết định mục đích sử dụng đất; quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất; quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất; quyết định giá đất; quyết định trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất; quyết định chính sách tài chính về đất đai; quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Nhà nước thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với đất đai thông qua các hoạt động theo quy định tại Điều 22 Luật Đất đai năm 2013.
Qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính cho thấy: Cũng như các khiếu kiện vụ án hành chính khác, theo quy định của pháp luật các khiếu kiện hành chính về quản lý đất đai bao gồm các khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong trường hợp giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; gia hạn thời hạn sử dụng đất; xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; giải quyết tranh chấp về đất đai và giải quyết khiếu nại các vi phạm trong việc quản lý và sử dụng đất đai.
Theo quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2006):“Quyết định hành chính là quyết định bằng văn bản của cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính”.
Tại khoản 1 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015 quy định: “Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.”
Như vậy theo Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính trước đây thì quyết định hành chính phải được thể hiện bằng văn bản với hình thức là quyết định, nhưng theo Luật TTHC thì hình thức văn bản có thể được coi là quyết định hành chính không nhất thiết phải là quyết định mà có thể được biểu hiện bằng hình thức khác như: Thông báo, kết luận, công văn v.v... do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành, có chứa đựng nội dung của quyết định hành chính, được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính mà người khởi kiện cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Pháp luật về quản lý đất đai đã quy định rõ về trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành quyết định hành chính của cơ quan quản lý đất đai, làm cơ sở để Tòa án xem xét, đánh giá tính hợp pháp đối với từng loại quyết định hành chính (là đối tượng khởi kiện) và cũng là cơ sở để Viện kiểm sát xác định đối tượng của công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính trong lĩnh vực này.
Các quyết định hành chính có thể bị kiện
Theo quy định của pháp luật về quản lý đất đai thì các quyết định hành chính có thể bị kiện là:
+ Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
+ Quyết định bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư;
+ Quyết định cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
+ Quyết định gia hạn thời hạn sử dụng đất;
+ Quyết định xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai;
+ Giải quyết tranh chấp đất đai;
+ Giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm trong việc quản lý và sử dụng đất đai.
Căn cứ quy định tại khoản 1, 2 Điều 3 Luật TTHC năm 2015: Quyết định hành chính về quản lý đất đai thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức được giao thực hiện quản lý nhà nước về đất đai ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý nhà nước về đất đai được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Quyết định hành chính về quản lý đất đai thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính có thể bao gồm:
+ Quyết định hành chính được cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức có thẩm quyền hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành trong khi giải quyết, xử lý những việc cụ thể trong hoạt động quản lý nhà nước về đất đai.
+ Quyết định hành chính được ban hành sau khi có khiếu nại và có nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính đã được cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành trong khi giải quyết, xử lý những việc cụ thể trong hoạt động quản lý nhà nước về đất đai.
Bên cạnh đó, quyết định giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực quản lý đất đai đối với hành vi hành chính cũng là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Vì quyết định giải quyết khiếu nại đối với hành vi hành chính là văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan đó ban hành để giải quyết khiếu nại đối với hành vi hành chính trong quản lý đất đai, nhưng thực chất là quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý nhà nước về đất đai và được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
Hành vi hành chính có thể bị kiện
Theo quy định của pháp luật về quản lý đất đai thì các hành vi hành chính sau đây có thể bị khiếu kiện:
- Hành vi vi phạm quy định về hồ sơ và mốc địa giới hành chính:
+ Làm sai lệch sơ đồ vị trí, bảng tọa độ, biên bản bàn giao mốc địa giới hành chính;
+ Cắm mốc địa giới hành chính sai vị trí trên thực địa.
- Hành vi vi phạm quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất:
+ Không công bố hoặc chậm công bố quy hoạch sử dụng đất chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chi tiết đã được xét duyệt; không công bố hoặc chậm công bố việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất; làm mất, làm sai lệch bản đồ quy hoạch sử dụng đất chi tiết;
+ Cắm mốc chỉ giới quy hoạch sử dụng đất chi tiết sai vị trí trên thực địa;
+ Để xảy ra việc xây dựng, đầu tư bất động sản trái quy hoạch sử dụng đất chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chi tiết trong khu vực đất phải thu hồi để thực hiện quy hoạch sử dụng đất chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chi tiết đã được xét duyệt.
- Hành vi vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất:
+ Giao đất, giao lại đất, cho thuê đất không đúng vị trí và diện tích đất trên thực địa;
+ Giao đất, giao lại đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất chi tiết hoặc quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được xét duyệt.
- Hành vi vi phạm quy định về thu hồi đất:
+ Không thông báo trước cho người có đất bị thu hồi theo quy định tại Điều 67 Luật Đất đai; không công khai phương án bồi thường, tái định cư;
+ Thực hiện bồi thường không đúng đối tượng, diện tích, mức bồi thường cho người có đất bị thu hồi; làm sai lệch hồ sơ thu hồi đất; xác định sai vị trí và diện tích đất bị thu hồi trên thực địa;
+ Thu hồi đất không đúng thẩm quyền; không đúng đối tượng; không đúng với quy hoạch sử dụng đất chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chi tiết đã được xét duyệt.
- Hành vi vi phạm quy định về quản lý đất đai được Nhà nước giao để quản lý:
+ Để xảy ra tình trạng người được pháp luật cho phép sử dụng đất tạm thời mà sử dụng đất sai mục đích;
+ Sử dụng đất sai mục đích;
+ Để đất bị lấn, bị chiếm, bị thất thoát.
- Hành vi vi phạm quy định về thực hiện trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý và sử dụng đất:
+ Không nhận hồ sơ đã hợp lệ, đầy đủ, không hướng dẫn cụ thể khi tiếp nhận hồ sơ, gây phiền hà đối với người nộp hồ sơ, nhận hồ sơ mà không ghi vào sổ theo dõi;
+ Tự đặt ra các thủ tục hành chính ngoài quy định chung, gây phiền hà đối với người xin làm các thủ tục hành chính;
+ Giải quyết thủ tục hành chính không đúng trình tự quy định, trì hoãn việc giao các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền ký cho người xin làm thủ tục hành chính;
+ Giải quyết thủ tục hành chính chậm trễ so với thời hạn quy định;
+ Từ chối thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục hành chính mà theo quy định của pháp luật đã đủ điều kiện để thực hiện;
+ Thực hiện thủ tục hành chính không đúng thẩm quyền;
+ Quyết định, ghi ý kiến hoặc xác nhận vào hồ sơ không đúng quy định gây thiệt hại hoặc tạo điều kiện cho người xin làm thủ tục hành chính gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và công dân;
+ Làm mất, làm hư hại, làm sai lệch nội dung hồ sơ.
- Hành vi vi phạm các quy định khác như:
+ Bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất không đúng;
+ Thực hiện việc giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất không đúng;
+ Bố trí tái định cư không đúng quy định…
Ngoài ra, tại Điều 7 của Luật TTHC năm 2015 có quy định:“Người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính có thể đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Như vậy, yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai gây ra mà quyết định hành chính, hành vi hành chính này đang bị khiếu kiện tại Tòa án cũng là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính./.