Theo đồng chí Phạm Thanh Lân, Trưởng phòng nghiệp vụ 1, VKSND tỉnh Trà Vinh, việc bổ sung, thành lập cơ quan giám định tư pháp của VKSND tối cao, giúp cho Viện kiểm sát thực thi có hiệu quả hơn trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra và trực tiếp thực hiện một số hoạt động điều tra khi cần thiết.

Hơn nữa Cơ quan điều tra VKSND tối cao có chức năng điều tra, xử lý các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó liên quan đến cán bộ tư pháp, tính khách quan, đúng đắn của kết quả giám định tư pháp, đặc biệt là những vụ án có liên quan đến cán bộ của các ngành có chức năng giám định (Tài chính, Y tế, Công an, Quân đội…).

leftcenterrightdel
 Đồng chí Phạm Thanh Lân - Trưởng phòng 1 - VKSND tỉnh Trà Vinh phát biểu tại buổi họp nghiệp vụ.

Thực tế, trong thời gian qua, ngành Kiểm sát tỉnh Trà Vinh đã có những khó khăn, vướng mắc, trăn trở. Cụ thể, theo Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP, ngày 13/12/2017 quy định những trường hợp cần thiết phải giám định, qua đó tại địa phương còn có quan điểm chưa thống nhất một số nội dung như: Tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư quy định: Khi cần xác định chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của tài sản, hàng hóa, hàng giả, hàng thật, hàng cấm thì phải giám định.

Tuy nhiên thực tế địa phương có xảy ra vụ mua bán thuốc lá lậu (Hero, Jet); trước đây không có giám định, nếu đủ định lượng theo điều luật là truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng hiện nay theo quy định trên có tiến hành giám định hay không, nếu có thì cơ quan nào giám định? Việc giám định có tiến hành được không và có ý nghĩa gì cho việc xử lý?, đồng chí Phạm Thanh Lân cho biết.

Tại khoản 6 Điều 4 thông tư quy định: Khi cần xác định hành vi vi phạm pháp luật về thuế, tài chính, kế toán, bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, đất đai, tài nguyên, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và các lĩnh vực khác khi xét thấy cn thiết. Theo quy định trên thì thế nào là cần thiết? từ đó cũng xảy ra nhiều tranh cãi.

Hiện địa phương còn vướng mắc khi thực hiện khoản này, điển hình như: Trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219 BLHS 2015). Cụ thể là việc UBND ra quyết định miễn, giảm tiền chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định. Có ý kiến cho rằng việc xác định thiệt hại là không cần thiết, vì quyết định miễn, giảm đã thể hiện cụ thể số tiền miễn, giảm rồi, do đó còn chưa thống nhất; Về lĩnh vực tài nguyên: hiện địa phương có xảy ra rất nhiều vụ khai thác cát để san lắp, đất để làm gạch. Theo quy định trên cũng còn nhiều ý kiến khác nhau.

Khó khăn trong việc giám định đối với tài sản không còn (đã mất)

Trong quy định của Bộ luật TTHS 2015, Nghị định 30/2018 và Thông tư 43/2018 về giám định trong tố tụng hình sự đều có quy định việc tiến hành định giá đối với tài sản không còn. Nhưng trong thực tiễn gặp không ít khó khăn, bởi vì tổ chức giám định cho rằng tài sản không còn, tài liệu thu thập được không đủ cơ sở để đánh giá, kết luận và đưa ra yêu cầu mà cơ quan tiến hành tố tụng không thể đáp ứng được, nhưng nếu không giám định thì không xử lý được vụ án.

Ví dụ như trong vụ án hiếp dâm và cướp tài sản xảy ra tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh vừa qua. Bị can đã thừa nhận có giật đôi bông tai, nhưng quá trình xô xác nhau đã đánh rơi xuống vũng bùn, không tìm được, đôi bông này mua đã rất lâu không có hóa đơn, tiệm vàng đã bán trước đây không còn, do đó chỉ dựa vào lời khai, mô tả của bị hại, nên cơ quan tài chính từ chối giám định (!?), vậy trường hợp này cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm?.

Còn khó khăn trong việc giám định thương tích hay nguyên nhân chết

Về gây thương tích, đây cũng là vấn đề hết sức phức tạp, theo quy trình giám định thì phải đợi vết thương lành mới giám định được, cho nên thực tiễn gặp một số khó khăn như:  Vụ án kéo dài mới xử lý (khởi tố) gây bức xúc cho phía bị hại và dư luận xã hội.

Việc xác định cơ chế hình thành vết thương, đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, nhưng có trường hợp vết thương đã lành thì không xác định được hoặc xác định chung chung. Kết quả giám định không chính xác: cụ thể ờ Trà Vinh đã xảy ra 1 vụ cố ý gây thương tích, giám định 3 lần đều có kết quả khác nhau (Lần 1 là 14%; lần 2 là 12% và lần 3 là 6% !?).

Về nguyên nhân chết, thì hiện nay cần lắm trình độ chuyên môn của Giám định viên, Bác sỹ pháp y cũng phải được nghiên cứu, nâng cao, vì việc xác định nguyên nhân chết sẽ giúp Cơ quan tố tụng kết luận chính xác có án hay không và giúp cho việc phá án nhanh hơn. Ngoài ra qua thực tiễn cho thấy những trường hợp chết có liên quan đến trách nhiệm khám, chữa bệnh của cán bộ Ngành Y tế thì khó xử lý được.

Điển hình như trường hợp chị Trần Thị D… có thai ngoài tử cung, đến phòng mạch tư của Bác sỹ H… khám, chẩn đoán, siêu âm không phát hiện cho thuốc về uống, qua hôm sau nạn nhân đau dữ dội đến khám cũng không phát hiện mà cho rằng thai nhi đã chết nên chích thuốc giục sinh, sau đó dẫn đến tử vong.

Hay trường hợp anh Ngyễn Văn C… bị tai nạn giao thông, bác sỹ bệnh viện cho siêu âm, chụp hình xác định bị chấn thương phần mềm (vùng bụng), nhưng nạn nhân vẫn thấy ngày càng đau nên xin chuyển viện lên tuyến trên, nhưng Bệnh viện không cho nói rằng bị thương thì phải đau, từ từ sẽ hết, nhưng qua ngày thứ ba thì tử vong do bị thủng ruột già, hoại tử.   

Trong công tác giám định tâm thần, hiện nay phía nam chỉ có Viện pháp y tâm thần Trung ương tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên vừa qua Trà Vinh có xảy ra 1 trường hợp gần 10 năm nay vẫn còn khiếu nại.

Cụ thể, đối tượng Nguyễn Thị P… là đầu thảo hụi, quá trình chơi hụi đã có hành vi chiếm đoạt số tiền của các hụi viên gần 10 tỉ đồng. Khi có đơn tố giác cơ quan điều tra mời làm việc, thấy đối tượng có biểu hiện bất thường nên trưng cầu giám định. Tại Kết luận giám định nêu “Trước, trong, sau khi thực hiện tội phạm và hiện nay” đối tượng mất khả năng điều khiển hành vi, do đó Cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án (!?).

Điều bất hợp lý là kết luận xác định trước, trong khi thực hiện tội phạm, đối tượng không có năng lực hành vi dân sự. Vì phía bị hại và dư luận tại địa phương cho rằng Cơ quan điều tra đánh tráo người đưa đi giám định, Cơ quan giám định kết luận không đúng, vì cho rằng việc chơi hụi là phải tính toán, ghi chép sổ sách, tổ chức khui hụi khi đến kỳ… Do đó, người bị tâm thần không thể thực hiện được và họ đưa ra nhiều chứng cứ khác để cho rằng đối tượng không bị tâm thần, nhưng hiện nay Cơ quan điều tra đã nhiều lần yêu cầu giải thích kết luận giám định, nhưng vẫn không có gì mới, nên phía bị hại vẫn tiếp tục khiếu nại gay gắt.

Qua thực tiễn công tác nghiệp vụ tại địa phương Trà Vinh trong thời gian qua, đồng chí Phạm Thanh Lân, Trưởng phòng 1, VKSND tỉnh Trà Vinh kiến nghị Quốc hội cần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực giám định tư pháp đảm bảo tính độc lập, khách quan, kịp thời và chính xác cao khi bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao”. Các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tổng hợp những khó khăn, bất cập trong thực tiễn về công tác giám định tư pháp để hướng dẫn thực hiện kịp thời, thống nhất.

KSV Phạm Thanh Lân đồng tình với quan điểm của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khi phát biểu trên diễn đàn Quốc hội về vấn đề này: “…để đáp ứng mục tiêu cao nhất là đấu tranh phòng chống tội phạm, không bỏ lọt tội phạm, cũng như không làm oan người vô tội thì phải giao nhiệm vụ thẩm quyền giám định tư pháp cho cơ quan của VKSND tối cao là hoàn toàn hợp lý”.

 

Phi Sơn