Tại Hướng dẫn số 01/HD-VKSTC của VKSND tối cao về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật năm 2020 đã đề cập đến những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, trong đó VKSND yêu cầu các cấp phải xác định nội dung nâng cao chất lượng cho đội ngũ Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và công chức là nhiệm vụ hàng đầu, nhất là trong điều kiện các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động ngày càng phức tạp.

Theo đó, VKSND các cấp phải bố trí, sắp xếp công chức công tác ổn định, lâu dài, chuyên sâu, có bề dày kinh nghiệm, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ưu tiên thực hiện đào tạo kỹ năng nghiệp vụ, nhất là tự đào tạo tại chỗ thông qua các hình thức như: Xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ chuyên sâu về kỹ năng xây dựng bản phát biểu, kỹ năng phát hiện vi phạm trong các bản án, quyết định của Tòa án để thực hiện các quyền kháng nghị, kiến nghị. Tổ chức tốt các cuộc thi về xây dựng bản phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên toà, phiên họp, về tìm hiểu pháp luật chuyên ngành có liên quan.

leftcenterrightdel
 Một phiên tòa giải quyết án hành chính. (Ảnh minh hoạ)

Tăng cường và đa dạng các hình thức tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, thực hiện tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo hình thức mở rộng theo cụm hoặc khu vực đối với cấp huyện; khuyến khích viết bài về nghiệp vụ chuyên sâu đăng tải trên trang thông tin điện tử của đơn vị, của ngành và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Có cơ chế khuyến khích, khen thưởng động viên kịp thời những đơn vị, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ, ưu tiên bổ nhiệm chức danh tư pháp, chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với công chức công tác trong lĩnh vực công tác này khi có đủ điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm như đối tượng khác.

Bên cạnh đó, VKSND các cấp cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát, như: Nghiên cứu kỹ, nắm vững, nắm chắc các quy định của pháp luật. Do lĩnh vực công tác này có liên quan đến rất nhiều văn bản pháp luật về tố tụng (liên quan đến 4 loại tố tụng: hành chính, dân sự, phá sản và pháp lệnh 09) và pháp luật về nội dung thường xuyên có sự sửa đổi, bổ sung, thay thế nên yêu cầu Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức phải đầu tư thời gian nghiên cứu thật kỹ, nắm vững, nắm chắc các quy định của pháp luật có liên quan. Chú trọng công tác hệ thống hoá các văn bản pháp luật liên quan. Có kế hoạch tổ chức quán triệt, phổ biến sớm những điểm mới của các đạo luật như: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Bộ luật Lao động năm 2019 để chủ động chuẩn bị tốt cho việc triển khai công tác kiểm sát khi các đạo luật này có hiệu lực thi hành.

Thực hiện nghiêm việc phân công Kiểm sát viên tham gia 100% các phiên tòa, phiên họp theo đúng quy định của pháp luật và Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao. Viện trưởng phải trực tiếp nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo đối với các vụ án hành chính có người bị kiện là UBND hoặc Chủ tịch UBND hoặc những vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động, phá sản phức tạp được dư luận xã hội quan tâm.

Tại phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên phải tập trung, kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, nâng cao bản lĩnh, chủ động trong các tình huống, diễn biến tại phiên tòa, phiên họp, tích cực tham gia hỏi để làm rõ nội dung vụ án, bảo đảm chất lượng phát biểu có căn cứ, toàn diện, thuyết phục, phù hợp với diễn biến phiên tòa, hồ Sơ vụ án và đúng quy định của pháp luật, khắc phục tình trạng nể nang, ngại va chạm trong thực thi nhiệm vụ.

Kiểm sát chặt chẽ việc xử lý, giải quyết của Toà án ngay từ khi thông báo trả lại đơn khởi kiện cho đến khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Bảo đảm 100% bản án, quyết định của Toà án được kiểm sát, quyết liệt thực hiện quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật; kiên quyết thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị đối với những bản án, quyết định có vi phạm pháp luật theo quy định, bảo đảm về chất lượng và tỷ lệ kháng nghị, kiến nghị được Tòa án chấp nhận theo Nghị quyết số 96/2014/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội.

leftcenterrightdel
 Viện kiểm sát họp rút kinh nghiệm nghiệp vụ sau phiên tòa giải quyết vụ án hành chính. (Ảnh minh hoạ)

VKSND các cấp có kế hoạch rà soát các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động, phá sản quá hạn thời hạn xét xử của Tòa án, những vụ việc đình chỉ, tạm đình chỉ, kiên quyết kiến nghị Tòa án đưa vụ án ra xét xử đúng thời hạn luật định. Đối với những trường hợp tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác thì VKSND cấp mình tự tập trung tháo gỡ hoặc báo cáo thỉnh thị, đề nghị VKSND cấp trên hướng dẫn. VKSND cấp trên hướng dẫn, giải đáp vướng mắc, trả lời thỉnh thị VKSND cấp dưới bảo đảm đầy đủ, đúng thời hạn và có chất lượng theo Quyết định số 599/QĐ-VKSTC ngày 6/12/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao.

Ngoài ra, thông qua những hội nghị, hội thảo chuyên đề, những thông báo rút kinh nghiệm trong Ngành, VKSND các cấp cần tổ chức nghiên cứu, rút ra những kỹ năng, kinh nghiệm phát hiện vi phạm.

Về tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương, sự giám sát của HĐND, Ủy ban MTTQ các cấp, VKSND cấp tỉnh tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương để phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Phải thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 9/11/2018 của Bộ Chính trị trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án về hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động. VKSND cấp tỉnh cần tranh thủ sự giám sát của HĐND, Ủy ban MTTQ các cấp để góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác, chấn chỉnh kịp thời những sơ hở, thiếu sót.

Về tăng cường mối quan hệ phối hợp trong và ngoài Ngành, VKSND các cấp cần thiết lập quan hệ phối hợp chặt chẽ, thông suốt trong nội bộ Ngành, giữa các cấp kiểm sát. Phối hợp tốt với Tòa án, Cơ quan Thi hành án và chính quyền địa phương trong việc giải quyết án, nhất là các vụ án hành chính liên quan đến đất đai, các tranh chấp kinh doanh, thương mại, lao động, phá sản phức tạp. Cần tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác này, phấn đấu mỗi VKSND địa phương đều ký kết các Quy chế phối hợp trong công tác, trong đó có Quy chế phối hợp giữa Ban cán sự đảng VKSND tỉnh với Ban cán sự đảng UBND tỉnh để bảo đảm cơ chế phối hợp thường xuyên, nâng cao trách nhiệm trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, bảo đảm việc tham gia phiên tòa, phiên họp và các vấn đề liên quan khác. Nghiên cứu Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính trong quá trình phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước.

Ngoài ra, trong công tác kiểm tra nghiệp vụ cần tăng cường thực hiện hình thức kiểm tra đột xuất. Nội dung kiểm tra tập trung vào các nội dung nêu tại điểm 3 Mục II của Kế hoạch số 02/KH-VKSTC ngày 20/12/2019 về kế hoạch kiểm tra của ngành KSND năm 2020. Chú trọng nội dung kiểm tra đánh giá chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, nhất là các vụ án liên quan đến quản lý đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.

P.V