Lý luận phải gắn với thực tiễn

VKSND tối cao vừa ban hành Kế hoạch số 33/KH-VKSTC về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành KSND năm 2020. Theo đó, mục tiêu công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành KSND có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Cũng theo VKSND tối cao, công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành KSND phải quán triệt thực hiện đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, pháp luật của Nhà nước, nhất là kiến thức, quy định mới của luật, tổng hợp những kinh nghiệm, kỹ năng từ thực tiễn, bảo đảm phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn.

Đồng thời, phát huy tính chủ động của các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao và VKSND địa phương trong việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng tại cơ sở và tinh thần tự học tập của công chức, viên chức ngành KSND; xác định rõ trách nhiệm, học tập đáp ứng các tiêu chuẩn trình độ để thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ được giao.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Lễ khai giảng lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm sát khoá 28. (Ảnh minh hoạ).

Yêu cầu của công tác này là phải không ngừng đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, lấy người học làm trung tâm; bảo đảm công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, thực chất, hiệu quả, tiết kiệm.

6 nhiệm vụ công tác trọng tâm về đào tạo, bồi dưỡng

Về nhiệm vụ công tác trọng tâm đào tạo, bồi dưỡng, Kế hoạch số 33/KH-VKSTC xác định: Tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành KSND giai đoạn 2016 - 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 282/QĐ-TTg ngày 23/2/2016.

Đào tạo đại học kiểm sát, ngành luật, hệ chính quy để tạo nguồn tuyển dụng công chức nghiệp vụ kiểm sát cho các đơn vị trong Ngành.

Tăng cường đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho công chức, viên chức đã có bằng cử nhân luật; đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị và kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và bồi dưỡng chuyên sâu kỹ năng nghiệp vụ; tập trung bồi dưỡng về kiến thức pháp luật mới được Quốc hội thông qua, nhất là các đạo luật về tư pháp. 

Đồng thời, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ, phân công Kiểm sát viên có kinh nghiệm kèm cặp, hướng dẫn cán bộ mới, phát động các cuộc thi về tìm hiểu pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên; kết hợp hiệu quả giữa đào tạo, bồi dưỡng chính quy, tập trung với tự đào tạo, bồi dưỡng tại cơ quan, đơn vị.

Kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ, giảng viên; nghiên cứu, xây dựng hệ thống giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với quy định mới của pháp luật; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu và học tập cho các cơ sở đào tạo của Ngành.

Tiếp tục thực hiện các thỏa thuận hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng; mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới và nâng cao chất lượng việc đào tạo sau đại học, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ ở nước ngoài theo các đề án của Ban Tổ chức Trung ương, của Chính phủ...; triển khai tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát cho cán bộ Viện kiểm sát nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới cơ chế quản lý, phân bổ kinh phí cấp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng; tiếp tục khuyến khích VKSND địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho công chức, viên chức tại địa phương.

Cùng với các nội dung trên, Kế hoạch số 33/KH-VKSTC còn đề cập đến việc phân công thực hiện các nhiệm vụ công tác cụ thể của các đơn vị, gồm: Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh; Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao; Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự VKSND tối cao; các đơn vị thuộc VKSND tối cao và VKSND cấp cao; VKSND địa phương. 

Về tổ chức thực hiện, Kế hoạch số 33/KH-VKSTC yêu cầu: Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND địa phương căn cứ quy hoạch và nhu cầu của đơn vị, địa phương để đăng ký cử công chức, viên chức đi học bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn và thời gian quy định. Danh sách công chức, viên chức được chọn cử đi học theo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành KSND năm 2020 gửi về VKSND tối cao (qua Vụ Tổ chức cán bộ) trước ngày 10/3/2020. 
P.V