VKSND tối cao vừa ban hành Hướng dẫn số 17/HD-VKSTC về thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 nhằm thực hiện thống nhất trong toàn ngành KSND.

Đối với kinh phí chi thường xuyên, căn cứ dự toán chi ngân sách nhà nước được giao tại Quyết định số 160/QĐ-VKSTC ngày 30/12/2019 về việc giao dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 và định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 159/QĐ-VKSTC ngày 30/12/2019 áp dụng thống nhất trong ngành KSND, các đơn vị tổ chức thực hiện đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định của Nhà nước, của Ngành bảo đảm phục vụ hoạt động thường xuyên thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Về thực hiện tinh giản biên chế: Thực hiện Kết luận số 17-KL/TW ngày 11/9/2017 của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện biên chế, dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Ngành tiếp tục bị cắt giảm kinh phí (tiền lương và định mức chi thường xuyên 55 triệu đồng/biên chế) tương ứng với 3,3% biên chế của các đơn vị hành chính.

Do chưa có số liệu cụ thể về kế hoạch giảm biên chế năm 2020 cho từng đơn vị trong ngành, VKSND tối cao tạm phân bổ giảm kinh phí (gồm tiền lương 61 triệu đồng/biên chế/năm và chi thường xuyên theo định mức) tương ứng với giảm 3,3% biên chế trên tổng biên chế được giao của các đơn vị theo đúng tỷ lệ cắt giảm của Bộ Tài chính.

Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên năm 2020 cho các đơn vị dự toán trong Ngành đã bao gồm các nội dung: Các khoản chi đảm bảo cho hoạt động thường xuyên thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị; chi khen thưởng theo chế độ, phúc lợi tập thể, chi đảm bảo hoạt động công tác Đảng, chi hỗ trợ hoạt động của các đoàn thể (hoạt động Hội Cựu chiến binh, hoạt động dân quân tự vệ, hoạt động Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ...), chi mua báo, tạp chí kiểm sát...

Các khoản chi nghiệp vụ đặc thù: Trực nghiệp vụ; trực ban hình sự của Cơ quan điều tra VKSND tối cao; bồi dưỡng tiếp công dân; chi hỗ trợ hoạt động khám nghiệm hiện trường, tử thi, chi hoạt động điều tra tội phạm; chi án lớn, án điểm, xét xử lưu động; chi công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; chi triển khai thực hiện các luật mới; chi tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn; xây dựng, hoàn thiện, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; chi sửa chữa thường xuyên tài sản, sửa chữa nhỏ trụ sở làm việc; kinh phí đo đạc hiện trạng các cơ sở nhà, đất và chi phí làm thủ tục, hồ sơ pháp lý đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013; kinh phí mua sắm, thay thế trang thiết bị, phương tiện làm việc của cán bộ, công chức theo quy định...

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội nghị tập huấn Luật quản lý, sử dụng tài sản công trong ngành KSND.

Đối với quỹ tiền lương năm 2020: Đảm bảo quỹ tiền lương của biên chế, tính đủ cho 12 tháng tính theo mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng (theo dự toán chi tiết quỹ tiền lương của các đơn vị), đã tính giảm quỹ tiền lương của số tinh giản biên chế là 61 triệu đồng/người. Quỹ tiền lương tăng thêm đối với biên chế từ 1,49 triệu đồng đến 1,6 triệu đồng, ngân sách nhà nước sẽ cấp bổ sung (VKSND tối cao sẽ có hướng dẫn riêng).

Các đơn vị chủ động cân đối trong quỹ tiền lương được giao đảm bảo đủ kinh phí chi trả tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Trường hợp không đủ kinh phí thì báo cáo VKSND tối cao để có sự phối hợp, xử lý theo quy định.

Đối với hợp đồng lao động thực có mặt, tính đủ 12 tháng (gồm 6 tháng theo mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng và 6 tháng theo mức lương cơ sở 1,6 triệu đồng/tháng).

Về kinh phí chi đặc thù, kinh phí bồi dưỡng phiên tòa, phiên họp dân sự được giao, ủy quyền cho Viện trưởng VKSND cấp tỉnh phân bổ và điều chỉnh dự toán đảm bảo đủ kinh phí chi bồi dưỡng phiên tòa, phiên họp dân sự giữa các đơn vị dự toán cấp III trực thuộc.

Kinh phí thuê luật sư, trợ cấp nhân chứng được giao và ủy quyền cho Viện trưởng VKSND cấp tỉnh phân bổ, điều chỉnh giữa các đơn vị dự toán cấp III trực thuộc nhưng không làm thay đổi tổng mức kinh phí thuê luật sư, trợ cấp nhân chứng đã được giao.

Kinh phí chi hỗ trợ công tác kiểm sát trại giam, trại tạm giam, VKSND tỉnh căn cứ nguồn kinh phí được cấp để chi cho công tác kiểm sát đối với những trại giam, trại tạm giam được VKSND tối cao phân cấp, ủy quyền.

Các khoản chi đặc thù khác, căn cứ kinh phí được giao, đơn vị thực hiện chi theo chế độ quy định hiện hành.

Về kinh phí chi nhiệm vụ tăng thêm theo quy định tại Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự. Đối với khoản kinh phí chi cho nhiệm vụ tăng thêm giao theo định mức của VKSND các cấp: Là khoản kinh phí giao không tự chủ để chi cho các nhiệm vụ: Xác minh tin báo tố giác tội phạm; nhiệm vụ điều tra tội phạm của VKSND các cấp; nhiệm vụ cung cấp hồ sơ cho bị can; nhiệm vụ số hóa hồ sơ vụ án và các nhiệm vụ tăng thêm khác. Nội dung chi gồm: Chi công tác phí, xăng xe; chi văn phòng phẩm; sửa chữa, mua sắm thường xuyên tài sản; chi tập huấn thực hiện luật mới; chi khác phục vụ nhiệm vụ tăng thêm nêu trên (chi thuê phiên dịch, dịch thuật...).

Đối với kinh phí mua sắm tài sản cấp bách phục vụ nhiệm vụ tăng thêm: Thủ trưởng đơn vị dự toán cấp II căn cứ vào tình hình thực tế của các đơn vị trực thuộc, chủ động thực hiện mua sắm tài sản chung cho cả hai cấp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tăng thêm. Việc thực hiện mua sắm tài sản cấp bách phải đúng quy trình mua sắm tài sản nhà nước, đầy đủ thủ tục theo quy định, đảm bảo chất lượng, hiệu quả để phục vụ tốt nhất cho hoạt động của đơn vị.

Ngoài các nội dung trên, Hướng dẫn còn đề cập đến việc may sắm trang phục; kinh phí bảo trì, sửa chữa trụ sở làm việc; thực hiện điều chỉnh dự toán; tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách nhà nước; đối với nguồn vốn đầu tư xây dựng; kinh phí đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức; việc thực hiện công khai tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…  

Về tổ chức thực hiện, Hướng dẫn yêu cầu các đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách tổ chức điều hành ngân sách trong phạm vi dự toán được giao, thực hiện kiểm soát chặt chẽ đảm bảo đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quy định. Thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chống lãng phí, giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ đúng quy định.

 

P.V