VKSND tối cao vừa ban hành Hướng dẫn số 07/HD-VKSTC về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình năm 2021.
 
Về nhiệm vụ trọng tâm, Hướng dẫn nêu rõ, VKS các cấp cần nhận thức đúng, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND theo quy định của Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và các văn bản luật có liên quan. Quán triệt, triển khai các biện pháp, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả quy định tại các chỉ thị, quy chế, quy trình, hướng dẫn của VKSND tối cao trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình nhằm nâng cao vai trò của VKS trong công tác này.
 
Đồng thời, xác định công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong năm 2021 và trong nhiệm kỳ tới. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả, hoàn thành và vượt các chỉ tiêu của ngành KSND, Nghị quyết số 96 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình.
 
Bên cạnh đó, VKS tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, trong đó chú trọng tập trung nâng cao chất lượng khâu công tác này đối với VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, phiên họp.
 
Xác định giải pháp thiết thực, cụ thể phát hiện kịp thời, đầy đủ những vi phạm pháp luật trong các bản án, quyết định của Toà án để thực hiện thẩm quyền kháng nghị, kiến nghị, nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm, nhất là kháng nghị phúc thẩm ngang cấp. Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng phân loại, xử lý, thụ lý, giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình.
leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm vụ án dân sự. (Ảnh minh hoạ - VKS tỉnh Lai Châu)

Cùng với đó, VKS tổ chức sơ kết 5 năm việc thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 tại các VKS địa phương để tổng hợp, tổ chức Hội nghị “Sơ kết 5 năm thi hành Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; giải đáp, hướng dẫn những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật” trong toàn ngành KSND.

Về nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, Hướng dẫn nêu: VKSND các cấp tiếp tục phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao về việc Viện trưởng các VKS cấp tỉnh, cấp huyện phải trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; có kế hoạch khắc phục những hạn chế, tồn tại của năm 2020, triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình.

VKS các cấp tăng cường các biện pháp, chỉ đạo, hướng dẫn để nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, phiên họp giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình. Đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài, có nhiều quan điểm cần phải có ý kiến của tập thể lãnh đạo Viện, Uỷ ban kiểm sát hoặc thỉnh thị VKS cấp trên trước khi Kiểm sát viên tham gia phiên tòa. 

Dự thảo phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa phải lập luận chặt chẽ, đúng căn cứ pháp luật và được lãnh đạo VKS phê duyệt. Lãnh đạo VKS tăng cường kiểm tra chất lượng nghiên cứu hồ sơ, chất lượng báo cáo đề xuất quan điểm giải quyết vụ việc, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Đẩy mạnh việc tổ chức các cuộc thi viết bài phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa dân sự, nhất là các phiên tòa xét xử các vụ án tranh chấp về đất đai.

Ngoài ra, Hướng dẫn còn yêu cầu thực hiện kiểm sát 100 % bản án, quyết định giải quyết vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình của Toà án; kiểm sát biên bản phiên toà; thực hiện quyền yêu cầu; tăng cường công tác kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm; thực hiện thẩm quyền kháng nghị của VKSND các cấp, tăng cường công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; lựa chọn, phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm; tăng cường công tác tổng kết thực tiễn, hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị.

Đối với những đơn vị làm tốt có những kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả cao cần nhân rộng điển hình; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hướng dẫn những đơn vị làm chưa tốt.

P.V