VKSND tối cao vừa ban hành Hướng dẫn số 36/HD-VKSTC hướng dẫn hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án hành chính, bao gồm các giai đoạn trước, trong và sau phiên tòa xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hành chính.

Theo VKSND tối cao, phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án hành chính là hoạt động tố tụng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, có ý nghĩa quan trọng, thể hiện vị thế của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

Bên cạnh đó còn thể hiện vị trí, vai trò của VKSND trong việc thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp; là cơ sở để nhân dân thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.

Thời gian qua, nhiều phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa đạt chất lượng tốt, có căn cứ, làm cơ sở để Hội đồng xét xử ban hành bản án, quyết định đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số trường hợp phát biểu của Kiểm sát viên chưa đạt yêu cầu, thậm chí có trường hợp áp dụng không đúng quy định của pháp luật ảnh hưởng không tốt đến chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên trình bày quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên toà hành chính sơ thẩm. (Ảnh minh hoạ - VKS Quảng Ngãi)

Theo VKSND tối cao, việc ban hành Hướng dẫn nhằm thực hiện kế hoạch số 37/KH-VKSTC ngày 28/2/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao triển khai, thực hiện nghị quyết số 96/NQ/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội khóa 14 về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của VKSND, của TAND và công tác thi hành án; kiến nghị của Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, khóa 14, trong đó có nội dung hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa.

Về yêu cầu, Hướng dẫn nêu rõ: Hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên toà phải thực hiện đúng, đầy đủ quy định của pháp luật và của ngành Kiểm sát nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên tại phiên tòa. 

Cử chỉ, hành động, lời nói, tư thế, tác phong, thái độ, biểu cảm phải chuẩn mực, thể hiện hình ảnh người Kiểm sát viên “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Kiểm sát viên lưu ý những việc phải làm, những việc không được làm, cách xưng hô, thái độ ứng xử của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa phải tuân theo quy định tại các Điều 4, 5, 6, 7 Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp của Toà án, ban hành kèm theo Quyết định số 46/QĐ-VKSTC ngày 20/2/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao.

Liên quan đến hoạt động xây dựng văn bản phát biểu của Kiểm sát viên trước khi tham gia phiên tòa sơ thẩm, Hướng dẫn đề cập đến các nội dung như: Nghiên cứu hồ sơ vụ án; báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án; dự thảo đề cương hỏi và dự kiến các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa; dự thảo văn bản phát biểu tại phiên toà; phát biểu của Kiểm sát viên trong trường hợp không có tình huống phát sinh tại phiên toà.

Đối với tình huống phát sinh tại phiên toà, Kiểm sát viên phát biểu các nội dung: Đối với tình huống Hội đồng xét xử áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa; phát biểu đối với tình huống hoãn phiên toà, tạm ngừng phiên tòa; tình huống Toà án quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án tại phiên toà, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; về việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu tại phiên toà...

P.V