Trong vòng 10 ngày (từ ngày 16/2 đến 26/2/2009), Nguyễn Hoài Thanh cùng với Ngô Văn Dương đã dụ dỗ và dẫn 5 cô gái miền Tây Nam bộ sang Trung Quốc bán trót lọt vào các động mại dâm. Hành vi của Thanh và Dương chỉ bị phát hiện khi có sự tố giác của các bị hại. Nguyễn Hoài Thanh bị bắt khẩn cấp vào ngày 19/11/2009, còn Ngô Văn Dương bỏ trốn ngay sau khi phạm tội, bị Công an tỉnh Hậu Giang ra lệnh truy nã và bắt được vào ngày 13/06/2011. Tại CQĐT, các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội nhưng đến giai đoạn truy tố, xét xử, Thanh, Dương đồng loạt phản cung chối tội, làm khó Hội đồng xét xử.

Nhưng, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, bằng lý lẽ sắc bén, Kiểm sát viên Huỳnh Kim Thu đã khiến các bị cáo phải “tâm phục, khẩu phục”.  

leftcenterrightdel
Quang cảnh cuộc thi Kỹ năng viết cáo trạng và Dự thảo bản luận tội lần thứ III năm 2020 của VKSND tỉnh Hậu Giang. Ảnh: VKSND tỉnh Hậu Giang                                       

Hỏi chuyện nguyên Kiểm sát viên Phòng Thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, VKSND tỉnh Hậu Giang – Huỳnh Kim Thu về những vụ án hình sự mà chị đã tham gia giải quyết, vụ án nào đã để lại cho chị ấn tượng sâu sắc nhất. Chị Thu bảo, nhiều lắm, kể không hết nhưng vụ án mà chị nhớ mãi đến bây giờ, đó là vụ án Buôn bán phụ nữ xảy ra vào năm 2009, tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

Nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Nguyễn Hoài Thanh (quê xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) làm hướng dẫn viên du lịch tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Trong thời gian làm việc tại Phan Thiết, Thanh có quen Hùng và được Hùng dẫn về quê vợ (ở xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) chơi, tại đây, Thanh đã làm quen với Mây (cả Hùng và Mây đều chưa xác định được nhân thân).

Thời gian sau đó, Mây gọi điện cho Thanh bảo có người em tên là Ngô Văn Dương (ở chung xã với Mây) vào Nam tìm kiếm việc làm, Mây nhờ Thanh giúp đỡ. 

Ngày 13/2/2009, Dương từ Hải Phòng vào Phan Thiết gặp Thanh. Qua câu chuyện, Dương cho biết, mình có người chị gái đang làm nhà hàng ở Hồng Kông (Trung Quốc), cần tuyển nhân viên nữ, lương mỗi tháng trả 15 triệu đồng. Dương nhờ Thanh giúp tìm người và hứa sẽ trả công cho Thanh 2 triệu đồng một người. Nhận lời Dương, Thanh đã đến gặp người bạn tên là Võ Thị Mộng Th (quê ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) bảo đi làm nhà hàng ở Trung Quốc được trả lương rất cao, tin tưởng Thanh nên Th. đã đồng ý và rủ thêm hai người bạn nữa là Nguyễn Thị Kim Ng.(quê Hậu Giang) và  Nguyễn Thị Nh. (quê Kiên Giang) cùng đi.

Ngày 16/2/2009, Thanh và Dương đón xe ô tô khách đưa Th., Ng. và Nh. ra Móng Cái, sau đó, cả nhóm đi đò sang Trung Quốc bán Th. vào động mại dâm cho một người phụ nữ cũng tên Thanh với giá 7.500 nhân dân tệ, còn Ng. và Nh. thì bị Thanh và Dương bán vào động mại dâm khác cho một phụ nữ Trung Quốc với giá 14.000 nhân dân tệ.

Ngày 28/4/2009, lợi dụng sơ hở của bà Thanh, Th. đã gọi điện về báo cho gia đình. Ngày 21/5/2009, Công an tỉnh Hậu Giang báo với C14 (Bộ Công an) phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh và Công an Trung Quốc đã giải thoát được Th.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên Huỳnh Kim Thu thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại một phiên tòa hình sự. 

Sau khi cùng Dương đưa trót lọt 3 cô gái sang Trung Quốc, Thanh được Dương trả 5 triệu đồng. Ngày 25/2/2009, Thanh tiếp tục đến nhà chị Nguyễn Thị Bế (ở phường 11, quận 6, TP Hồ Chí Minh) nói là có người bà con làm nhà hàng ở Trung Quốc cần tuyển người phục vụ, Thanh nhờ chị Bế tìm giới thiệu người cho Thanh, nếu được sẽ trả hoa hồng 3 triệu đồng một người, chị Bế đồng ý và đã tìm được 4 người gồm: Lê Thị Thu L, Lin Đ. cùng chị Lê Thị Lo. và con gái Huỳnh Thị Kim X. (đều ở tỉnh Đồng Tháp). 

Ngày 26/2/2009, Thanh mua vé máy bay cho chị Bế, Lin Đ, L, X, Lo. và Thanh bay ra Hà Nội. Hôm sau, Thanh dẫn những người này ra cửa khẩu Móng Cái gặp Dương. Dương dẫn L và Lin Đ sang Trung Quốc trước, nói sẽ quay lại đón 4 người đi sau. Nhưng chờ đến ba ngày sau vẫn không thấy Dương quay lại nên Thanh, Bế, Lo. và X. đã trở vô Nam.

Đưa được L, Lin Đ. sang Trung Quốc, Dương bán L. vào động mại dâm của bà Thanh. Tại đây, L và đã gặp Nh. bị Thanh và Dương bán vào trước đó. Ngày 20/6/2009, Nh. và L. được một người Trung Quốc giúp đỡ trốn về Việt Nam. Ngày 8/5/2010, Nguyễn Thị Kim Ng. cũng đã tìm cách trốn được về nhà.

Riêng với Lin Đ, bị Dương bán cho một động mại dâm khác vẫn chưa được giải cứu.

Hành vi phạm tội của các bị can đã được CQĐT điều tra làm rõ. Thế nhưng, trong quá trình truy tố, xét xử, Nguyễn Hoài Thanh và Ngô Văn Dương lại phản cung, chối tội. Với khẩu khiếu trời cho, Thanh liến thoắng trước tòa, bị cáo khai rằng, không biết được mục đích của  Dương là tìm phụ nữ đưa sang Trung Quốc làm gái bán dâm, bản thân Thanh cũng muốn đi làm như các bị hại. Thanh không nhận bất cứ khoản tiền nào từ Dương. Số tiền 5 triệu đồng mà Thanh khai nhận tại CQĐT là do Dương mượn Thanh trước đó, sau trả lại.

Về việc tại sao trước đây trong quá trình điều tra, bị cáo khai nhận số tiền này, nay lại khai khác, Thanh “nại” ra rằng: Vì Điều tra viên (ĐTV) ép buộc Thanh phải khai như vậy! Còn về các bản tự khai thì Thanh đã ghi ra theo sự hướng dẫn của ĐTV... Ngoài việc chối tội, Thanh còn yêu cầu phải đưa chị Bế vào vòng tố tụng với vai trò bị can, chứ không phải là người liên quan, Thanh luôn miệng đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Hậu Giang phải “giải oan” cho hắn, hắn hoàn toàn vô tội. Còn Dương thì khai rằng, không liên quan gì đến vụ án, bị cáo chỉ là người làm công, giúp việc đưa đò chở người sang Trung Quốc, thủ phạm của vụ án là Nguyễn Hoài Thanh và Mây, chứ không phải bị cáo…

Nghe các bị cáo trình bày, Kiểm sát viên Huỳnh Kim Thu rất bình tĩnh, chú ý lắng nghe và ghi nhận tỉ mỉ từng chi tiết, sau đó đối chiếu với các chứng cứ khác như: lời khai người bị hại, lời khai nhân chứng, lời khai người liên quan cùng các biên bản đối chất trước đây mà CQĐT đã tiến hành thu thập, rồi sử dụng các tình tiết mâu thuẫn, bất hợp lý ngay trong lời khai của bị cáo để đấu tranh, buộc bị cáo phải nhận tội.

Kiểm sát viên khẳng định: Thanh đang có nghề hướng dẫn viên du lịch ổn định tại Bình Thuận, tự nhiên bỏ việc đi tìm người cho Dương, rồi lại cùng với Dương đưa người sang Trung Quốc mà không nhận bất cứ đồng tiền công hay lợi ích vật chất gì là việc không thể chấp nhận. Không chỉ một lần mà sau khi đưa Võ Thị Mộng Th, Nguyễn Thị Kim Ng và Nguyễn Thị Nh đi trót lọt, Thanh còn quay trở lại thành phố Hồ Chí Minh lừa chị Bế, tiếp tục dụ dỗ thêm 5 phụ nữ khác rồi trực tiếp dẫn họ đi… là việc làm có tính toán của bị cáo, chứ không phải như việc Thanh khai không biết gì về việc làm của Dương.

Về số tiền 5 triệu Thanh khai do Dương “mượn” của mình trước đây, nay trả lại, chứ không phải là tiền “huê hồng” như đã từng khai trước đó. Lời khai này bị Kiểm sát viên Huỳnh Kim Thu vạch trần bằng việc cho đối chất giữa hai bị cáo. Đồng thời, Kiểm sát viên cũng chỉ ra sự mâu thuẫn trong lời khai của Thanh. Đó là việc Thanh và Dương mới quen biết nhau không thể tạo được niềm tin để cho nhau mượn tiền? Kiểm sát viên cũng dùng luôn việc chối tội của bị cáo để đập lại lời khai của bị cáo là việc Thanh khai cũng muốn qua biên giới để làm ăn mong có thu nhập thêm? Thì việc có tiền đưa cho Dương vay là không thể xảy ra. Đuối lý, Thanh lại “bịa” ra rằng, số tiền 5 triệu Dương mượn của Thanh là có bà Trần Thị Tuyết “làm chứng” nhưng khi Kiểm sát viên hỏi bà Tuyết ở đâu, làm gì thì Thanh ngắc ngứ,  không chỉ ra được.

Số tiền 5 triệu đồng mà chính Thanh thừa nhận đã được Dương trả công, Thanh còn “ nại ” ra rằng, do bị ĐTV ép cung và sắp đặt để bị can tự khai? Kiểm sát viên chủ động bàn với các cơ quan tiến hành tố tụng làm sáng tỏ vấn đề. Sau khi hồ sơ được trả lại để điều tra bổ sung, một Đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập. Đoàn kiểm tra đã làm việc và kết luận, khi ĐTV vào Trại tạm giam làm việc đều có sự chứng kiến của cán bộ trại giam, việc khai báo của Thanh là hoàn toàn tự nguyện nên việc Thanh khai bị ép cung là không có căn cứ.

Với Ngô Văn Dương, việc phản cung, chối tội cũng đã bị Kiểm sát viên viện dẫn lý lẽ bác bỏ. Dương cho rằng, việc đưa những bị hại nêu trên ra biên giới chỉ là người môi giới để tạo công ăn việc làm cho những người này? Kiểm sát viên hỏi bị can, tại sao có ý tốt như thế lại không thông qua các công ty môi giới, tại sao lại phải lén lút đi bằng đò ngang, đi vào đêm tối và giữ hết chứng minh nhân dân của họ lại? Tại sao tìm việc làm cho bị hại mà lại có sự giao dịch, trả giá giữa Dương và bà Thanh chủ chứa, việc này được chứng minh bằng lời khai bị hại đã nghe được cuộc đối thoại hai bên … Những lý lẽ cùng với dẫn chứng nêu trên khiến các bị can “cứng họng”, không lý giải được. Việc tranh luận công khai tại phiên tòa cũng giúp HĐXX có thêm niềm tin để tiếp tục xét xử vụ án. Cuối cùng, Ngô Văn Dương, Nguyễn Hoài Thanh đều phải nhận mức án mỗi bị cáo 10 năm tù như đề nghị của Viện kiểm sát.

Theo Kiểm sát viên Huỳnh Kim Thu, để bảo vệ được cáo trạng trước Tòa, Kiểm sát viên phải nắm chắc nội dung vụ việc, theo dõi chặt chẽ diễn biến phiên tòa, tìm ra sơ hở trong lời khai của bị cáo để “phản pháo” kịp thời thì chắc chắn sẽ thành công.

Đặng Đình Liêm