leftcenterrightdel
Viện trưởng VKSND huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) Võ Thị Trúc Lâm (thứ 3 từ trái sang) nhận giải Nhì tại cuộc thi “Tìm hiểu truyền thống 60 năm ngành KSND”. 

Sự cuốn hút của cuộc thi viết về Ngành

Trò chuyện với chị Võ Thị Trúc Lâm, chúng tôi cảm nhận được ở chị không chỉ có bản lĩnh của người đứng đầu một đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện, có kiến thức vững vàng mà hơn tất cả đó là tình yêu Ngành, yêu nghề cháy bỏng. Chia sẻ về quá trình tham dự cuộc thi “Tìm hiểu truyền thống 60 năm ngành KSND”, chị cho biết, thực hiện chỉ đạo của VKSND tỉnh Quảng Nam về phát động cuộc thi, theo đó, yêu cầu mỗi đơn vị cấp phòng, cấp huyện phải có một bài chất lượng để Hội đồng VKSND tỉnh chấm trao giải, lựa chọn tham dự cuộc thi.

Đơn vị VKSND huyện Bắc Trà My, đã triển khai nghiêm túc. Bản thân chị là người lãnh đạo đơn vị, dù bận nhiều việc nhưng ngay từ đầu chị đã xác định đây là dịp để bản thân học hỏi, tìm hiểu về Ngành. Tuy nhiên, khi bắt đầu đọc từng câu hỏi mà Ban Tổ chức đặt ra, chị đã thấy có một sự cuốn hút lạ kỳ, bởi nó gắn với công việc mà chị đang thực hiện hàng ngày. Thế rồi, chị bắt đầu sưu tầm, tìm tài liệu, những bài viết về ngành Kiểm sát, về lịch sử dân tộc, về tư tưởng Hồ Chí Minh, về nhiệm vụ cách mạng của Đảng ta trong các văn kiện của Đảng qua các thời kì. Càng đọc những tài liệu, chị càng say mê cuốn hút và rồi chị cứ tiếp tục đọc, tìm hiểu và viết trong nhiều tháng, không kể ngày đêm.

leftcenterrightdel
 Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí và các tác giả đoạt giải Cuộc thi Tìm hiểu truyền thống 60 năm ngành Kiểm sát nhân dân.

Chị chia sẻ, có những hôm mệt quá không viết được nữa, chị đã ngủ gục xuống bàn mà không biết lúc đó là ngày hay đêm nữa. Rồi có những lúc chị đọc tài liệu gần hai ngày mới viết được một câu. Đặc biệt, để tiếp lửa, hun đúc bản lĩnh Kiểm sát viên, chị quyết định đưa vụ án AVG vào trong bài thi. Chị đã dành thời gian gần một tuần xem lại các video phiên tòa, các bài viết, đánh giá vụ án, kỹ năng kiểm sát, lãnh đạo trực tiếp vụ án nói như thế nào, sự chiến đấu ngoan cường, bản lĩnh của Kiểm sát viên khi đấu tranh với những đối tượng phạm tội là người có trình độ, kiến thức, quan hệ rộng ra sao để có thể buộc những đối tượng này phải cúi đầu nhận tội.

Chị Lâm cho biết thêm, ngay khi bắt đầu viết, chị không nghĩ là mình viết để đạt giải và bản thân chị cũng chưa bao giờ tham gia những cuộc thi viết như thế. Chính vì không có áp lực nào nên chị viết bằng kiến thức mà mình có, mình tìm hiểu được, kinh nghiệm từ thực tiễn công tác, bằng cả tình yêu và trái tim đối với Ngành. Chị thật sự thấy vui, tự hào bởi nhờ có cuộc thi mà chị có dịp tìm hiểu, đọc được những tư liệu lịch sử vô cùng quí báu, vẻ vang của đất nước nói chung và ngành KSND nói riêng.

leftcenterrightdel
Đồng chí Võ Thị Trúc Lâm, Viện trưởng VKSND huyện Bắc Trà My phối hợp cán bộ Công an, Kiểm lâm trực tiếp khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng trên địa bàn.

Điều quan trọng nữa là, qua việc tham dự cuộc thi đã giúp chị có dịp lật tìm lại những tài liệu mà lâu nay nằm trong tủ của cha chị, từ đó giúp chị càng hiểu hơn về công việc, về truyền thống gia đình và người cha đáng kính của mình. Hiểu để thấy được thế hệ cha ông đã chiến đấu gian nan thế nào để hôm nay mọi người được làm việc và học tập trong đất nước hòa bình - đó là một niềm hạnh phúc lớn lao. Từ đó để tự răn mình khi đấu tranh với tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, chức vụ, những người trước đây đã từng hợp tác, từng là đồng chí, đồng đội của mình thì phải thật công minh, khách quan, thận trọng. Đây cũng chính là bản lĩnh của người cán bộ, Kiểm sát viên trước khi quyết định bất cứ một vấn đề gì liên quan đến sinh mệnh của con người.

Qua việc tham dự cuộc thi đã giúp chị hiểu hơn về truyền thống tự hào của ngành KSND trong 60 năm xây dựng và trưởng thành, hiểu được VKSND đã đồng hành cùng lịch sử dân tộc như thế nào, thấm thía lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; hiểu được sự thay đổi phương châm công tác của Ngành qua từng giai đoạn, từ đó soi lại bản thân mình đã áp dụng như thế nào trong công việc, trong cuộc sống đời thường…

Từ những điều đó, chị đã liên hệ với tình hình thực tiễn công tác của đơn vị trong đại dịch COVID-19. Theo chị, mỗi người cán bộ kiểm sát, đảng viên càng không thể thờ ơ trong cuộc chiến này của cả dân tộc và càng phải có trách nhiệm hơn nữa. Vì vậy, chị đã cùng tập thể cán bộ, công chức trong cơ quan ủng hộ, đóng góp về vật chất, đồng thời có bài thơ với tựa đề “Chiến trường không tiến súng”, sau đó được phổ nhạc nhằm động viên tinh thần các chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Võ Thị Trúc Lâm, Viện trưởng VKSND huyện Bắc Trà My và cán bộ VKSND huyện trao quà cho lực lượng "cắm chốt" phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Bài hát khởi phát từ tình yêu Ngành

Chia sẻ về hoàn cảnh ra đời ca khúc “Vinh quang ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam” được nhiều người trong Ngành biết đến, chị Lâm cho biết, qua việc tìm hiểu và trả lời những câu hỏi của cuộc thi như việc ngành Kiểm sát vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng những phần thưởng cao quý; các đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao qua các thời kì..., từ tình yêu Ngành, yêu quý những người Viện trưởng đó đã hun đúc trong chị ghép lại trở thành những ca từ cao vút theo giai điệu. Bằng tình yêu của mình, bài hát đã ra đời một cách tự nhiên...

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

Điều ngạc nhiên là bản thân chưa từng học qua một trường lớp âm nhạc nào. Chị viết ra, rồi hát lên, ngân lên bằng cả trái tim mình, chị tưởng tượng giai điệu sẽ được bay lên trong ngày Lễ kỉ niệm 60 năm thành lập Ngành. Lời dạy của Bác đối với Ngành như lời thề trong tim, phần thưởng cao quý nhất mà Ngành ta được đón nhận “Huân chương Sao vàng”. Tên của các đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao qua các thời kì được xướng lên, bay lên trong bài hát, mà khi ai hát cũng phải hiểu về lịch sử của ngành KSND.

Bài hát với những ca từ thật tha thiết, tự hào: “Vinh quang ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam/Tự hào ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam/Lấp lánh sáng ngời Huân chương Sao vàng/Còn vang mãi lời dạy của Bác Hồ: “Công minh, chính trực, thận trọng, khách quan, khiêm tốn”/Vinh quang tự hào ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam/Công lý luôn chiếu sáng/Nơi xóa tan mây mờ/Luôn rèn đức luyện tài theo tấm gương Hoàng Quốc Việt...”.

leftcenterrightdel
 Một lần xuống địa bàn.

Từ phần lời trên, sau đó, chị đã nhờ thầy giáo dạy nhạc lên khuôn nhạc chấm theo lời chị hát và chính người thầy cũng phải thốt lên rằng, đây là lần đầu tiên mình phổ nhạc theo cách này. Sau đó, hai thầy trò cùng mang đàn ra hát cả buổi trưa để chấm nốt trên khuôn nhạc. Thế là bài hát được ra đời. Lý giải điều này, chị cười nói rằng: Chỉ có tình yêu mãnh liệt, người ta có thể làm được những điều tưởng chừng như không thể. Và nó thật đơn giản chỉ là sự khởi phát từ trái tim, sự cảm nhận qua việc trả lời các câu hỏi của cuộc thi tìm hiểu truyền thống 60 năm của Ngành để từ đó bật lên thành câu hát. Khi có lời, chị chỉ biết hát, hát cháy bỏng theo cảm xúc mà không biết về kí hiệu âm nhạc, giống người làm thơ không biết viết chữ quốc ngữ vậy. Đối với chị, đây chính là một sản phẩm tinh thần được khởi phát từ chính trái tim và tình yêu mà chị dành cho ngành KSND. 

Trong giai đoạn cả nước phòng chống dịch COVID-19, Võ Thị Trúc Lâm cũng sáng tác ca khúc "Chiến trường không tiếng súng", được nhiều đơn vị nghệ thuật dàn dựng, biểu diễn gây tiếng vang lớn.

leftcenterrightdel
Ca khúc "Chiến trường không tiếng súng". Clip do chính cán bộ, KSV VKSND huyện Bắc Trà My thực hiện.

“Qua tham gia cuộc thi này, tôi xin cảm ơn VKSND tối cao, đơn vị tổ chức là Báo Bảo vệ pháp luật đã tạo nên một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, để chúng tôi hiểu hơn về lịch sử đất nước, lịch sử của ngành Kiểm sát. Là cán bộ kiểm sát, có được dịp để tìm hiểu truyền thống về Ngành là điều hết sức thiêng liêng và tự hào. Đối với tôi, đây là kì sát hạch chính bản thân mình, từ đó hun đúc thêm niềm tin yêu, khẳng định sự lựa chọn màu áo thiên thanh là đúng đắn để tôi phấn đấu, nỗ lực và dấn thân suốt cuộc đời này” - Chị Lâm bộc bạch.

Gặp chị tại Lễ tổng kết và trao giải hai cuộc thi nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành KSND, điều ấn tượng nhất mà chị để lại cho chúng tôi và những người từng gặp gỡ đó là sự nhiệt huyết cháy bỏng, tình yêu Ngành mãnh liệt và niềm tự hào khi là người cán bộ Kiểm sát. Chị cũng “bật mí” rằng, đây là lần đầu tiên mình được ra Thủ đô Hà Nội nên chị rất vui. Anh em đồng nghiệp trước khi đi thì cứ dặn chị là phải mua bằng được Cốm Hà Nội mang về làm quà chứ không cần “chia” giải thưởng. Còn chúng tôi thì tin rằng, sau niềm vui này, khi trở về địa phương chị sẽ lại bắt tay vào công việc của mình, tiếp tục dấn thân, trách nhiệm, tận tâm với công việc bằng tình yêu Ngành, yêu nghề vẹn nguyên.

Với sự nỗ lực, cố gắng của mình, trong những năm qua, chị Võ Thị Trúc Lâm đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trong công tác. Cụ thể, chị đã được Viện trưởng VKSND tối cao tặng nhiều Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua; được Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam, Đảng bộ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My tặng nhiều Giấy khen do đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác. Đặc biệt, tháng 6/2020, tập thể VKSND huyện Bắc Trà My và cá nhân chị được Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam tặng Giấy khen do có thành tích xuất sắc trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Ban quản lý rừng phòng hộ sông Tranh, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam… 


Bài và ảnh: Văn Tình