Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nhà nước và các tổ chức ở Trung ương và địa phương, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, ngành Kiểm sát nhân dân đã không ngừng được củng cố, hoàn thiện và trưởng thành về mọi mặt; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; đã góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như góp phần vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm các quyền dân chủ của nhân dân trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước. 

leftcenterrightdel
Đồng chí Lê Hữu Danh phát biểu chỉ đạo tại một cuộc họp đơn vị.  

Để đạt được thành quả đó, là sự góp sức của nhiều thế hệ cán bộ kiểm sát tiêu biểu, xuất sắc đã phấn đấu quên mình vì sự tiến bộ của nền tư pháp nước nhà nói chung, sự phát triển của ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng. Một trong những tấm gương Kiểm sát viên tiêu biểu đã kiên trì, bền bỉ phấn đấu, rèn luyện trong suốt 38 năm qua để trưởng thành, đóng góp cho sự phát triển của ngành Kiểm sát, đó là đồng chí Lê Hữu Danh, Viện trưởng VKSND huyện Anh Sơn, người được đồng nghiệp nhận xét là “Con người của sự tâm huyết, nhiệt tình và dày dạn kinh nghiệm với gần 40 năm gắn bó với ngành Kiểm sát nhân dân”.

Sinh ra và lớn lên ở làng chài trên sông, trong một gia đình nghèo, đông anh em, quanh năm suốt tháng lênh đênh trên sông nước ở huyện miền núi Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Vốn hiếu học, đồng chí Lê Hữu Danh đã cố gắng khắc phục mọi khó khăn, năm 1982, đồng chí được tuyển dụng vào ngành Kiểm sát  và được phân công công tác tại VKSND huyện Con Cuông. Mặc dù, ngành Kiểm sát trong những năm đầu thập niên 80 khó khăn, đời sống vật chất còn nhiều hạn chế, song, bằng sự nỗ lực không mệt mỏi của bản thân, đồng chí đã vượt qua hoàn cảnh để thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Qua một thời gian phấn đấu, rèn luyện tích cực, đồng chí Lê Hữu Danh đã được lãnh đạo, đồng nghiệp ghi nhận. Tháng 12/1990, đồng chí được bổ nhiệm Phó Viện trưởng VKSND huyện Con Cuông. Dù ở cương vị nào, đồng chí Danh cũng cố gắng trau dồi, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, làm việc trên tinh thần cầu tiến, học hỏi trước những yêu cầu đổi mới của Ngành, chú trọng biện pháp đẩy mạnh hoạt động chuyên môn.

Đến tháng 7/1994,  đồng chí Lê Hữu Danh được Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng VKSND huyện Con Cuông. Được Ban Thường vụ Huyện ủy Con Cuông chỉ định làm Bí thư Chi bộ, được bầu vào Ủy viên BCH Huyện ủy Con Cuông kiêm Chủ tịch Hội luật gia huyện Con Cuông. Trong công tác, đồng chí luôn chủ động học hỏi kinh nghiệm của các bậc tiền bối, nhạy bén quan sát, chịu khó tìm tòi, sáng tạo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm sát. Dù bất kỳ nhiệm vụ nào, đồng chí cũng đều hoàn thành xuất sắc.

leftcenterrightdel
Đồng chí Lê Hữu Danh, Viện trưởng VKSND huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. 

Tháng 4/2017, đồng chí được điều động giữ chức vụ Viện trưởng VKSND huyện Anh Sơn. Với vai trò là người “thủ lĩnh”, đồng chí đã cùng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên không quản ngại khó khăn, thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trên địa bàn. 

Hơn 38 năm gắn bó với ngành Kiểm sát, với 30 năm giữ chức vụ lãnh đạo, 26 năm là Viện trưởng, đồng chí Danh đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị với những cách làm hay, sáng tạo, đổi mới được các cơ quan chuyên môn và cấp trên ghi nhận.

Trong quá trình công tác, đồng chí Danh thường xuyên học hỏi, trau dồi, rèn luyện cho mình kĩ năng của người lãnh đạo, có kiến thức tổng hợp, am hiểu các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, của Ngành; tinh thông về pháp luật, gương mẫu,  công tâm và bản lĩnh. Trong quá trình quản lý, chỉ đạo, điều hành, đồng chí luôn sử dụng nhiều chiến thuật, nghệ thuật lãnh đạo; chỉ đạo đơn vị thực hiện tốt quy chế dân chủ, xây dựng chương trình kế hoạch có nội dung trọng tâm, trọng điểm, đề ra thời gian, biện pháp thực hiện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, Kiểm sát viên. Đồng thời, đồng chí đã chỉ đạo xây dựng hệ thống quy chế đảm bảo sự quản lý chỉ đạo, điều hành có khoa học.

Với vai trò là người đứng đầu đơn vị, để đạt được hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, đồng chí luôn gắn công tác kiểm tra song song với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, bởi đồng chí luôn tâm niệm rằng: Lãnh đạo mà không kiểm tra, lãnh đạo sẽ không có hiệu quả. Bằng các biện pháp kiểm tra như: Hàng tuần, nghe các đồng chí Phó Viện trưởng phụ trách các bộ phận công tác kiểm sát báo cáo, trực tiếp kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao của các cán bộ, Kiểm sát viên, kịp thời đánh giá đúng những ưu điểm, hạn chế, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Thông qua công tác kiểm tra để khen - chê chính xác, kịp thời.

Quá trình thực hiện công tác quản lý chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đồng chí Danh thường xuyên quan tâm công tác rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Tinh thông về pháp luật, kỉ cương, trách nhiệm và đoàn kết”. Thông qua các biện pháp như: Hàng năm, đánh giá đúng chất lượng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên hiện có; Phân công, sắp xếp cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện các bộ phận công tác kiểm sát phù hợp với năng lực, sở trường; Tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, Kiểm sát viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị.

Hàng năm, đồng chí chỉ đạo đơn vị làm tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo hướng dẫn của ngành. Thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị để có biện pháp xử lý các vấn đề một cách thấu tình, đạt lý, giúp mỗi cán bộ, Kiểm sát viên xác định được vai trò, trách nhiệm của mình, có ý thức tổ chức kỉ luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần xây dựng tập thể, thương yêu giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

leftcenterrightdel
Viện trưởng Lê Hữu Danh phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn công tác Công an tỉnh Nghệ An với Công an huyện Anh Sơn (tháng 8/2020). 

Để cán bộ, Kiểm sát viên, người lao động trong đơn vị luôn chấp hành tốt kỷ luật lao động, nội quy, quy chế của cơ quan, làm việc có trách nhiệm, có hiệu quả, bằng kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của bản thân, đồng chí đã áp dụng nhiều biện pháp như: Hàng ngày, tổ chức hội ý đầu giờ để triển khai kịp thời các văn bản của ngành, của Đảng, của Nhà nước; Nghe cán bộ, Kiểm sát viên phản ánh tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân.

Từ đó chỉ đạo tháo gỡ kịp thời; Bằng các biện pháp động viên, giúp đỡ đối với những đồng chí có hoàn cảnh gia đình khó khăn vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ; Trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với các đồng chí có động cơ không trong sáng, biểu hiện gây mất đoàn kết nội bộ, chỉ ra những sai sót, khuyết điểm, yêu cầu làm bản cam kết khắc phục...     

Ngoài ra, quá trình thực hiện công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, đồng chí luôn quan tâm tạo điều kiện cho các tổ chức đoàn thể (Công đoàn, Phụ nữ, Đoàn thanh niên…) hoạt động, tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần tích cực vào việc thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ của đơn vị đề ra.

Với vai trò là người đứng đầu đơn vị, đồng chí đã tạo ra được môi trường thuận lợi cho đơn vị hoạt động; là chỗ dựa vững chắc cho cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành; tạo được vị thế của ngành trên địa bàn. Để làm tốt các vấn đề này, đồng chí đã có nhiều cách làm hay như: Trước khi tổ chức các cuộc họp liên ngành Công an - Tòa án - Viện kiểm sát - Chi cục thi hành án dân sự… bàn giải quyết một số vụ án và thực hiện công tác thi hành án, đồng chí đã tổ chức họp, yêu cầu các Phó Viện trưởng, các Kiểm sát viên trực tiếp thụ lý giải quyết các vụ việc báo cáo toàn bộ nội dung vụ việc, kết quả hoạt động công tác kiểm sát, ý kiến đề xuất quan điểm giải quyết vụ việc nhằm thống nhất quan điểm xử lý vụ việc, để khi tham gia hội nghị, Viện kiểm sát chủ động phân tích, đánh giá, đề xuất quan điểm xử lý được các ngành ghi nhận, thống nhất quan điểm xử lý của Viện kiểm sát. 

Trong quá trình quản lý, chỉ đạo, điều hành, thông qua các kênh thông tin (Quy chế giữa các ngành tư pháp, Quy chế giữa các xã, thị trấn…), đồng chí nắm chắc tình hình vi phạm, tội phạm xảy ra trên địa bàn để đề xuất biện pháp đấu tranh phòng ngừa tội phạm, thể hiện cơ quan Viện kiểm sát là cơ quan tham mưu cho cấp ủy địa phương làm tốt công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm; thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự ủng hộ của chính quyền địa phương, sự đồng thuận của các cơ quan tư pháp, tạo môi trường thuận lợi nhằm phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. 

Trải qua hơn 38 năm công tác, bằng sự gương mẫu, tận tụy, nhiệt tình, đồng chí Lê Hữu Danh đã truyền cảm hứng cho thế hệ cán bộ trẻ phấn đấu trở thành những Kiểm sát viên có tâm và có tầm, nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý. 

Với những cống hiến, nỗ lực hết mình vì sự phát triển của Ngành, đồng chí Lê Hữu Danh được Lãnh đạo cấp trên ghi nhận, đồng nghiệp tin yêu và vinh dự được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: nhiều năm được công nhận là chiến sỹ thi đua cơ sở; Năm 1997, đồng chí được Viện trưởng VKSND tối cao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp kiểm sát; Năm 2010, đồng chí được Tỉnh uỷ Nghệ An tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp kiểm tra Đảng, nhiệm kỳ 2005-2010; Ba năm liền (2018-2020), đồng chí được Viện trưởng VKSND tối cao tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Ngoài ra, đồng chí còn được Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An tặng nhiều Giấy khen trong các năm từ 2017- 2020. 


Bùi Thị Mai Hoa