Theo Quyết định số 232/QĐ-VKSTC, tại VKSND tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Lương Phúc Sơn, Viện trưởng VKSND tỉnh là tác giả của 2 sáng kiến, gồm: Quyền công tố và thực hiện quyền công tố ở Việt Nam trong giai đoạn mới - nhận thức và thực tiễn; nghiên cứu, xây dựng Sổ tay Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự.
 
Tại VKSND tỉnh Trà Vinh, đồng chí Phan Hoàng Hải, Viện trưởng VKSND tỉnh là tác giả của 2 sáng kiến, gồm: Tăng cường chỉ đạo điều hành công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra nhằm hạn chế án huỷ, trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng; tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành VKSND hai cấp nâng cao chất lượng tham mưu tổng hợp xây dựng báo cáo và công tác văn thư lưu trữ.
leftcenterrightdel
 49 sáng kiến được công nhận trong ngành Kiểm sát Nhân dân. Ảnh minh họa
Tại VKSND tỉnh Kiên Giang, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc, Viện trưởng VKSND tỉnh là tác giả của 2 sáng kiến, gồm: Lãnh đạo thực hiện việc nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, án treo của VKSND tỉnh; chỉ đạo nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện số hoá trong chỉ đạo điều hành.
 
Cùng với các tác giả của VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tại Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Vụ 2), VKSND tối cao, nhóm tác giả có các sáng kiến gồm: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án về tội phạm tình dục trẻ em; thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án liên quan đến tín dụng đen; nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc trên mạng Internet.
 
Cơ quan điều tra VKSND tối cao, có sáng kiến mang tên: “Đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, xây dựng Ngành trong sạch, vững mạnh toàn diện”.
 
Trong khi đó, Thanh tra VKSND tối cao, nhóm tác giả đã có sáng kiến với tiêu đề: “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành Kiểm sát nhân dân”.
 
Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, tập thể tác giả đã có các sáng kiến, gồm: Đề án mở chuyên ngành đào tạo Luật thương mại trình độ đại học của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; đề án mở mã ngành hình sự và tố tụng hình sự trình độ thạc sĩ; đề án thành lập Trung tâm tin học Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội…
 
Trước đó, tại Quyết định số 619/QĐ-VKSTC ngày 19/12/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc ban hành Quy chế xét, đề nghị công nhận sáng kiến trong ngành Kiểm sát nhân dân đã quy định, sáng kiến là những giải pháp về kỹ thuật, quản lý, tác nghiệp, giải pháp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, được người đứng đầu cơ quan, đơn vị công nhận nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện.
 
Cụ thể, sáng kiến phải có tính mới hoặc giải quyết được khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực công tác cụ thể của cơ quan, đơn vị; sáng kiến không trùng với sáng kiến của người khác đã được công nhận hoặc đã được áp dụng. Đồng thời, sáng kiến đã được áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả thiết thực.
P.V