Lợi dụng mua gỗ đấu giá để vận chuyển “gỗ lậu” quy mô lớn
Theo hồ sơ vụ án, ngày 9/1/2017, Công ty Thảo Trúc của Nguyễn Thành Kiệt (SN 1966, trú tại TP Cần Thơ) và Phan Hữu Phượng (tức Phượng "râu", SN 1968, trú tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) trúng đấu giá hơn 640 m3 gỗ từ nhóm II-VI, gỗ trôi dạt, vùi lấp dưới lòng suối Đắk đam do Vườn quốc gia Yok Đôn trục vớt. Sau đó, Phượng “râu” và Kiệt lợi dụng việc vận chuyển gỗ đấu giá để tổ chức khai thác và mua thêm gỗ bất hợp pháp tại khu vực trên đưa về huyện Cư Jút tiêu thụ.
|
|
Gỗ lậu của Phượng “râu” bị lực lượng Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Đắk Nông vây bắt rạng sáng ngày 27/4/2018. |
Ngày 8/3/2017, Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk), Vườn quốc gia Yok Đôn và Đồn biên phòng 747 đóng dấu búa kiểm lâm số gỗ Kiệt và Phượng “râu” trúng đấu giá. Biết tin này, Kiệt và Phượng “râu” giao cho Nguyễn Hoàng Trang (SN 1982, trú tại tỉnh Khánh Hòa) liên hệ Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn đưa 120 triệu đồng "bồi dưỡng" cho Hạt kiểm lâm đóng búa lô gỗ trúng đấu giá.
Sau đó, Kiệt giao cho Phan Hữu Quyền (SN 1975, em trai Phượng “râu”) và Lê Văn Chinh (SN 1969, trú tại huyện Cư Jút) mua thêm “gỗ lậu”. Căn cứ sổ ghi chép và dữ liệu trong máy tính của Trang, từ 10/4/2017 đến 27/4/2018, Phượng "râu" cùng đồng phạm vận chuyển hơn 1.400 m3 gỗ các loại. Trong đó, gỗ hợp pháp là 531 m3, gỗ bất hợp pháp hơn 918m3.
Ngày 27/4/2018, khi 2 xe tải của Phượng “râu” chở gỗ về kho ở huyện Cư Jút thì bị lực lượng Bộ Công an và Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp bắt quả tang, thu hơn 44 m3 gỗ từ nhóm IIA –V không có giấy tờ. Quá trình khám xét các kho bãi của các đối tượng, cơ quan chức năng thu giữ hơn 632 m3 gỗ bất hợp pháp trị giá trên 3 tỉ đồng.
Để vận chuyển gỗ bất hợp pháp từ Vườn quốc gia Yók Đôn về huyện Cư Jút mà không bị lực lượng chức năng bắt giữ, Phượng “râu” và đồng phạm đã “hối lộ” cho nhiều cán bộ, với số tiền hơn 282 triệu đồng.
Ngay sau khi phát hiện đường dây “gỗ lậu” nói trên, lãnh đạo Viện VKSND tỉnh Đắk Nông và Phòng 3 (VKSND tỉnh) đã nhận định đây là một vụ án rất nghiêm trọng, liên quan đến đường dây buôn bán gỗ bất hợp pháp có quy mô lớn, địa bàn hoạt động liên tỉnh. Hơn nữa, các đối tượng phạm tội là những người có thâm niên trong nghề buôn bán lâm sản, hoạt động có tổ chức, phải có sự tiếp tay của các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp thì các đối tượng mới vận chuyển trái phép trót lọt số lượng gỗ bất hợp pháp lớn như vậy.
|
|
Lực lượng Công an làm việc với các đối tượng liên quan ngay lán trại trong rừng của Phượng “râu”. |
Nhận định việc đấu tranh sẽ gặp nhiều khó khăn nên lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Nông đã trực tiếp chỉ đạo và giao cho Kiểm sát viên Nguyễn Viết Cường – Trưởng Phòng 3, trực tiếp thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết vụ án. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Kiểm sát viên đã tham gia với cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám xét tại các kho gỗ trên địa bàn huyện Cư Jút cũng như bãi tập kết gỗ tại Vườn Quốc gia Yók Đôn của Phượng “râu” và đồng bọn. Đồng thời, lấy lời khai các đối tượng trong giai đoạn tạm giữ, nhờ đó đã thu được nhiều thông tin quan trọng để mở rộng điều tra vụ án sau này.
Tiếp đó, các cơ quan tố tụng đã tiến hành khởi tố và bắt tạm giam những đối tượng cầm đầu, có vai trò quan trọng như Phượng “râu” và Trang...để tránh các đối tượng thông cung, tiêu hủy chứng cứ. Kiểm sát viên cho biết, trong vụ án này, các đối tượng đã lợi dụng việc mua được lô gỗ đấu giá, rồi cưa hạ trái phép 43 cây gỗ các loại trong lâm phần Vườn quốc gia Yók Đôn quản lý và mua gỗ trôi nổi trong khu vực biên giới giữa Việt Nam và Campuchia rồi vận chuyển về tỉnh Đắk Nông, chế biến và hợp thức hóa hồ sơ giấy tờ đưa đi tiêu thụ.
Đáng nói, việc vận chuyển thường diễn ra vào ban đêm trong những con đường rừng vắng người qua lại. Khi vận chuyển, Trang thường dùng xe ô tô đi trước “thăm dò” và điện thoại báo cho các đối tượng vận chuyển gỗ để tránh các cơ quan chức năng. Thậm chí, các đối tượng còn dùng tiền, lợi ích vật chất mua chuộc nhiều cán bộ để cán bộ làm “ngơ” cho các xe vận chuyển gỗ đi qua. Điều này giúp cho việc vận chuyển gỗ trái phép của các đối tượng trong thời gian dài mà không bị phát hiện. Mặt khác, khi khai thác hoặc mua được gỗ bất hợp pháp với số lượng lớn, các đối tượng đã nhờ một số cán bộ của Hạt kiểm lâm huyện Buôn Đôn đóng búa kiểm lâm lên số gỗ này nên khó phân biệt được đâu là gỗ hợp pháp, đâu là gỗ bất hợp pháp.
|
|
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. |
Những thủ đoạn nói trên khiến cho Kiểm sát viên và các cơ quan tố tụng gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá chứng cứ xác định nguồn gốc, khối lượng gỗ bất hợp pháp mà các bị can đã khai thác, mua bán, vận chuyển...Quá trình điều tra Phượng “râu” và Kiệt không thừa nhận hành vi "đưa hối lộ” cho các cán bộ mà cho rằng Trang thực hiện. Do đó, Kiểm sát viên phải trực tiếp tham gia lấy lời khai với Điều tra viên. Bằng các biện pháp nghiệp vụ và sự cương quyết đấu tranh của Điều tra viên và Kiểm sát viên cùng những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, các đối tượng đã phải cúi đầu nhận tội.
“Lộ diện” nhiều cán bộ tiếp tay cho lâm tặc
Không dừng lại ở kết quả trên, bằng phương pháp thuyết phục khéo léo, Điều tra viên, Kiểm sát viên đã vận động các bị can và người liên quan giao nộp các sổ sách, tài liệu ghi chép về hoạt động vận chuyển gỗ từ trước đến khi bị bắt quả tang, cũng như việc “đưa hối lộ” cho các cán bộ. Tuy nhiên, quá trình đấu tranh để các bị can là người có chức vụ, quyền hạn công tác tại các đơn vị kiểm lâm, công ty lâm nghiệp thừa nhận hành vi phạm tội là một điều không hề đơn giản. Bởi các bị can này đều là những người có trình độ, có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực lâm nghiệp nên khi làm việc các đối tượng này thường đưa ra nhiều lập luận, lý lẽ nhằm chối tội. Mặt khác, việc đưa nhận hối lộ đã diễn ra trước đó và không có nhân chứng nên khi làm việc các đối tượng này đều không thừa nhận việc nhận tiền.
Để giải quyết việc này một cách triệt để, Kiểm sát viên đã trao đổi và yêu cầu Cơ quan điều tra thu thập nhiều tài liệu, chứng cứ khách quan để đấu tranh. Sau hơn 1 tháng điều tra, đường dây buôn gỗ bất hợp pháp đã dần lộ rõ và có nhiều tài liệu, chứng cứ thể hiện sự tham gia tiếp tay của các cán bộ kiểm lâm cho đường dây này. Tiếp đó, Kiểm sát viên đã sàng lọc các tài liệu, chứng cứ này để yêu cầu Cơ quan điều tra đấu tranh với nhóm đối tượng có dấu hiệu “nhận hối lộ” và lợi dụng chức vụ, quyền hạn tiếp tay cho các đối tượng.
Kết quả, đã khởi tố được 5 bị can về tội “Nhận hối lộ” gồm: Lê Quang Thái (SN 1969, nguyên Đội trưởng KLCĐ số 1 thuộc Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Nông), Nguyễn Tấn Bình (SN 1983, công chức Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn) và Nguyễn Lợi (SN 1971), Bùi Đăng Hiệp (SN 1983), Phạm Văn Hồng (SN 1987, cùng là nhân viên QLBVR Công ty Lâm nghiệp Đắk Wil).
Bên cạnh đó, có 2 bị can bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Bùi Văn Khang (SN 1964, nguyên Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Buôn Đôn) và Hà Thăng Long (SN 1981, công chức tại Hạt kiểm lâm huyện Buôn Đôn).
Ngoài ra, có 3 bị can bị khởi tố về các tội “Đưa hối lộ” và tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” là Phượng “râu”, Kiệt và Trang.
Liên quan đến vụ án này, còn có 15 bị can khác cũng bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản".
|
|
Kiểm sát viên Nguyễn Viết Cường thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên toà sơ thẩm. |
Để có được những kết quả như trên, Kiểm sát viên Nguyễn Viết Cường cho biết, trong quá trình điều tra việc bảo mật thông tin điều tra luôn được đặt lên hàng đầu. Nhờ vậy khi đấu tranh, các đối tượng luôn bất ngờ với những chứng cứ, tài liệu mà Điều tra viên, Kiểm sát viên đã nắm bắt được nên phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Mặt khác, Kiểm sát viên luôn bám sát tiến độ điều tra, thường xuyên trao đổi với Điều tra viên để nắm bắt những chứng cứ mới, có giá trị quyết định trong việc chứng minh tội phạm.
25 bị cáo và cái giá phải trả
Với những gì đã gây ra, tại bản án số 38/2019/HS-ST ngày 19/9/2019, của TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên phạt 25 bị cáo trong vụ án này lần lượt lĩnh các mức án, từ án treo cho đến 8 năm tù giam về các tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, tội “Đưa hối lộ”, tội “Nhận hối lộ” và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Sau khi có bản án sơ thẩm, một số bị cáo đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Đến ngày 12/6/2020 TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo. Đồng thời, không chấp nhận kháng cáo của một số bị cáo và tuyên phạt bị cáo Phan Hữu Phượng (Phượng “râu”), tổng hình phạt là 6 năm 6 tháng tù. Bị cáo Kiệt tổng mức hình phạt 8 năm tù (không kháng cáo bản án sơ thẩm) và bị cáo Trang tổng mức hình phạt 6 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” và tội “Đưa hối lộ”.
Nhóm bị cáo Lê Quang Thái 5 năm tù, Nguyễn Lợi 3 năm tù; Phạm Văn Hồng 2 năm cải tạo không giam giữ; Nguyễn Tấn Bình, Bùi Đăng Hiệp, cùng mức án 2 năm 6 tháng tù cùng về tội “Nhận hối lộ”.
Bị cáo Bùi Văn Khang 3 năm cải tạo không giam giữ về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ngoài ra, 16 bị cáo khác trong vụ án lần lượt lĩnh các mức án, từ án treo cho đến 4 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.
Cũng trong vụ án này, còn có hành vi của bà H’Thi vợ của ông Y Sy HĐơk (nguyên Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk) có nhờ ông Bùi Văn Khang (nguyên Hạt trưởng kiểm lâm huyện Buôn Đôn) mua 08 lóng gỗ Cà chít có khối lượng gần 9m3. Số gỗ này không có giấy tờ kèm theo là vi phạm các quy định về quản lý lâm sản, nhưng chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự. Sau khi ông Khang bị bắt khẩn cấp để điều tra, gia đình ông Y Sy HĐơk mang số gỗ này đến giao nộp cho cơ quan chức năng./.