leftcenterrightdel
Kiểm sát viên VKSQS khu vực 23 thực hiện tranh luận với trợ giúp pháp lý trong một phiên tòa xét xử lưu động trên địa bàn thuộc thẩm quyền. 

Cùng với sự phát triển và ngày càng hoàn thiện của hệ thống pháp luật Việt Nam về tố tụng hình sự thì thủ tục tranh tụng và tranh luận trong tố tụng hình sự cũng ngày càng được làm rõ và quy định cụ thể, như: Thủ tục tranh tụng được ghi nhận tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013, đó là “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo”, trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS), thủ tục tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm được quy định tại Mục V của Chương XXI.

 Theo quy định của pháp luật thì Kiểm sát viên phải thực hiện việc trình bày bản luận tội và bắt buộc phải tranh luận để đưa ra đối đáp, lập luận đối với từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác với mục đích hướng tới là sự thật khách quan, đúng pháp luật, thuyết phục đối với những người mà Kiểm sát viên tiến hành đối đáp, phải làm cho họ “tâm phục, khẩu phục” không có ý kiến trình bày hay đưa ra thêm đề nghị.

Trong BLTTHS hoạt động tranh luận tại phiên toà xét xử sơ thẩm được quy định Kiểm sát viên trình bày lời buộc tội và nội dung đối đáp với các bên gồm bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác khi họ trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận của mình để đối đáp với Kiểm sát viên về những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, mức hình phạt; trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Ngoài ra bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có quyền đưa ra đề nghị của mình.

Khi đối đáp Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp đến cùng từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. Chủ toạ phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, người tham gia tố tụng khác tranh luận, trình bày hết ý kiến, nhưng có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án và ý kiến lặp lại. Chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến của người bào chữa, người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận. Hội đồng xét xử phải lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tranh luận tại phiên tòa để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật của vụ án. Trường hợp không chấp nhận ý kiến của những người tham gia phiên tòa thì Hội đồng xét xử phải nêu rõ lý do và được ghi trong bản án.

Với những nội dung trên, có thể thấy thủ tục tranh tụng gồm có nhiều hoạt động, bao gồm: Công bố bản cáo trạng; xét hỏi; công bố lời khai; xem xét vật chứng; nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; xem xét tại chỗ; trình bày, công bố báo cáo, tài liệu của cơ quan, tổ chức; trình bày luận tội của Kiểm sát viên; tranh luận… Trong những hoạt động này có thể trong hoạt động thực tế xét xử sơ thẩm vụ án hình sự sẽ có hoạt động không phát sinh, nhưng có thể thấy hoạt động tranh luận của Kiểm sát viên góp phần làm rõ bản chất sự thật khách quan của vụ án để Tòa án đưa ra bản án hoặc một quyết định khách quan, đúng người, đúng tội, làm cho bị cáo nhận thức được lỗi lầm của bản thân mình, thấy được sự nghiên minh của pháp luật, đối với những người tham gia tố tụng khác thấy được sự công bằng của pháp luật và niền tin vào công lý được thực thi. Qua hoạt động này phản ánh rõ nét chức trách, nhiệm vụ của Kiểm sát viên, vị trí, vai trò của ngành Kiểm sát trong đấu tranh với tội phạm, làm cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tham dự phiên tòa biết thêm về ngành Kiểm sát quân sự.

Khi Kiểm sát viên VKSQS khu vực trực tiếp tiến hành hoạt động tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là hoạt động thể hiện cao độ bản lĩnh chính trị trong thực thi công lý, trình độ, năng lực pháp luật của Kiểm sát viên, tác phong người cán bộ kiểm sát quân sự, thái độ kiên quyết trong đấu tranh với tội phạm, trách nhiệm trong bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật Nhà nước, bảo vệ sự nghiêm minh kỷ luật Quân đội. Qua đó, xây dựng hình ảnh Kiểm sát viên, đồng thời tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát quân sự cho Nhân dân và cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội.

Từ những nội dung trên để xây dựng hình ảnh Kiểm sát viên VKSQS khu vực qua hoạt động tranh luận tại phiên tòa trong tình hình mới, đáp ứng được yêu cầu của công tác cải cách tư pháp, yêu cầu của xây dựng Quân đội theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành Kiểm sát quân sự thì cần làm tốt một số nội dung sau:

Một là, để có nhận thức đúng đắng về mục tiêu phấn đấu, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên VKSQS khu vực thường xuyên quán triệt, thực hiện tốt các tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm về chức danh cán bộ theo các quy định hiện hành như: Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Tổ chức VSKND năm 2014; Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 400/QĐ-VKSTC ngày 17/11/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, cách chức đối với công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân; Thông tư số 17/2020/TT-BQP ngày 21/02/2020 của Bộ Quốc phòng quy định về tiêu chuẩn chức vụ cán bộ thuộc ngành Kiểm sát quân sự và các quy định của pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó không ngừng học tập, quán triệt các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, những quy định mới của pháp luật Nhà nước, quy định Quân đội, của ngành Kiểm sát trong xây dựng cán bộ về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật.

Hai là, làm tốt công tác nghiên cứ tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ, đối chiếu hành vi, mức độ hậu quả và các tình tiết khác trong vụ án, tập trung ghi chép những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa, cập nhật diễn biến tại phiên tòa để viết, bổ sung và chỉnh lý vào bản luận tội và đề cương tranh luận theo đúng các quy định của BLTTHS cùng các quy định của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC và các hướng dẫn có liên quan, trong đó phải dự kiến được cụ thể các tình huống có thể xảy ra và cách xử lý để tạo thể chủ động, tự tin khi đối đáp.

Ba là, thường xuyên rèn luyện kỹ năng trong sử dụng ngôn ngữ, phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát và xưng hô của Kiểm sát viên trong tranh luận tại phiên tòa. Đây là một nội dung có thể nói hết sức quan trọng trong xây dựng hình ảnh người Kiểm sát viên tại Viện KSQS khu vực, cụ thể: Tại Điều 250 BLTTHS quy định việc xét xử được tiến hành bằng lời nói và Hội đồng xét xử nghe ý kiến của Kiểm sát viên; tại Điều 322 BLTTHS thì Kiểm sát viên lập luận, đối đáp đến cùng từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa và Theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 45/QĐ-VKSTC ngày 20/02/2017 của Viện KSND tối cao về quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi THQCT, KS hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp, thì phải thể hiện hình ảnh người Kiểm sát viên: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Không phân biệt đối xử về dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, chủng tộc, thành phần, địa vị xã hội, giới tính của người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa. Không được có hành động chỉ trích, miệt thị, coi thường, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người tranh tụng với Kiểm sát viên, người phản đối quan điểm, ý kiến của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên. Khi xưng hô với người tiến hành tố tụng, bị cáo, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác phải đúng theo quy định của Quy chế. Khi đối đáp cần tổng hợp các vấn đề hoặc nhóm vấn đề và sử dụng khéo léo ngôn từ để ghi nhận toàn bộ, ghi nhận một phần, bác bỏ toàn bộ hay bác bỏ một phần ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác. Quá trình sử dụng ngôn ngữ đối đáp phải thể hiện được một cách khoa học, logic, dễ hiểu và có căn cứ pháp luật, số bút lục trong hồ sơ hay tài liệu, lời khai tại phiên tòa… để tạo ra sức thuyết phục trong phiên tòa tránh lan man, dàn trải, bỏ sót, trùng lặp nội dung đối đáp.

Bốn là, thực hiện đúng các quy định của Quân đội về mang mặc quân phục, lễ tiết tác phong quân nhân và các quy định của ngành Kiểm sát khi Kiểm sát viên THQCT, KS tại phiên tòa hình sự; thực hiện tốt sự điều hành của chủ tọa phiên tòa trong tranh luận. Đảm bảo từng cử chỉ, hành động của Kiểm sát viên đều chuẩn mực về điều lệnh Quân đội, thấy được uy nghiêm của quyền lực Nhà nước trong đấu tranh với tội phạm. Khi trình bày, đối đáp thể hiện dõng dạc, từ tốn, không cáu gắt, nóng giận, xúc phạm người khác.

Năm là, làm tốt công tác phối hợp với thẩm phán chủ tọa phiên tòa trong việc bảo đảm chất lượng hoạt động tranh luận, yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong tranh luận theo đúng quy định của pháp luật. Không để lợi dụng quyền tự do, dân chủ, lợi dụng tranh luận để tranh luận những nội dung không liên quan đến vụ án, hạ thấp uy tín ngành Kiểm sát, ngành Tòa án và người tham gia tố tụng khác hoặc cố tình tranh luận kéo dài trong khi Kiểm sát viên đã đối đáp đúng, đủ nội dung theo quy định của pháp luật.

Sáu là, đối với các phiên tòa xét xử lưu động, phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm, phiên tòa được xã hội, dư luận quan tâm Kiểm sát viên VKSQS khu vực được phân công cần làm tốt công tác xây dựng kế hoạch xét xử, chủ động xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Viện và cơ quan cấp trên, làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong đưa tin, hình ảnh về Kiểm sát viên và ngành Kiểm sát trong thực hiện nhiệm vụ.

Bẩy là, thường xuyên thực hiện tốt công tác rút kinh nghiệm sau khi xét xử xong mà trong đó có nội dung rút kinh nghiệm đối với Kiểm sát viên trong hoạt động tranh luận từ đó nhân rộng những kinh nghiệm hay cách làm sáng tạo, cách ứng dụng công nghệ thông tin trong tranh luận để phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Kiểm sát viên. Nghiêm khắc phê bình đối với những hành vi vi phạm kể cả xử lý kỷ luật, xử lý theo pháp luật đối với những vi phạm tùy theo mức độ.

Cuối cùng thực hiện tốt công tác tổng kết, đóng góp ý kiến vào hoàn thiện các văn bản pháp luật, quy chế, quy định của ngành Kiểm sát để xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tố tụng hình sự./.

Mạnh Hùng