Công văn số 5535/VKSTC-V14 nêu rõ, VKSND tối cao nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thừa Thiên Huế do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 1611/BDN ngày 21/11/2023.

Kiến nghị nêu rõ, theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tại khoản 3 Điều 39 không có quy định Kiểm lâm tiến hành trưng cầu giám định đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, Cơ quan Cảnh sát một số địa phương không chấp nhận kết quả trưng cầu giám định của Cơ quan Kiểm lâm. Mặt khác khoản 1 Điều 154 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định “Quyết định khởi tố vụ án hình sự phải ghi rõ căn cứ điều, khoản...” nghĩa là khởi tố đúng tội danh, trong khi không giám định thì không thể khởi tố đúng quy định của khoản nào (khoản 1, khoản 2, khoản 3 của Điều 39). Vì vậy, đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự tại Điều 39 quy định thẩm quyền trưng cầu giám định hình sự thuộc thẩm quyền của Kiểm lâm.

Nội dung kiến nghị trên, theo VKSND tối cao trả lời: Thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, VKSND tối cao đang triển khai việc xây dựng Kế hoạch nghiên cứu, rà soát và sơ kết thực tiễn 5 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021). Do đó, đối với khó khăn, vướng mắc nêu trên, VKSND tối cao sẽ tổng hợp nghiên cứu, đề xuất tại Báo cáo nghiên cứu, rà soát và sơ kết thực tiễn 5 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự gửi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

 

P.V