Bảo đảm tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp liên tục
Theo VKSND tối cao, Hướng dẫn số 22/HD-VKSTC ngày 23/4/2018 về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trong ngành Kiểm sát nhân dân (Hướng dẫn số 22) đã góp phần đưa công tác quy hoạch cán bộ trong Ngành chủ động hơn, khắc phục tình trạng thiếu hụt đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, xây dựng được đội ngũ cán bộ có năng lực, tạo nguồn bổ nhiệm cán bộ có chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập như: Một số bước trong quy trình thực hiện khi xây dựng, rà soát quy hoạch chưa rõ ràng, đầy đủ; số lượng cán bộ đưa vào quy hoạch ở một số đơn vị VKSND các cấp chưa phù hợp; một số điều kiện, tiêu chuẩn quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, việc sửa đổi Hướng dẫn số 22 là cần thiết, bảo đảm công tác quy hoạch cán bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, phù hợp với các quy định, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác quy hoạch cán bộ.
Đối với yêu cầu về xây dựng quy hoạch, dự thảo Hướng dẫn (sửa đổi) nêu rõ, tạo sự chủ động, có tầm nhìn chiến lược trong công tác cán bộ; khắc phục tình trạng thiếu hụt đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; bảo đảm tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, giữ vững đoàn kết nội bộ và sự ổn định chính trị.
Chuẩn bị sớm, dài hạn tạo nguồn cán bộ làm căn cứ để đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ đảm nhận các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp. Phát hiện sớm nguồn cán bộ trẻ, vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ và năng lực, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của từng địa phương, đơn vị.
Bên cạnh đó, việc xây dựng quy hoạch cán bộ phải xuất phát từ những quan điểm cơ bản của Đảng về công tác cán bộ. Cụ thể, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị và thực tế đội ngũ cán bộ; gắn với các khâu khác trong công tác cán bộ, bảo đảm sự liên thông quy hoạch của cả đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị nên phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ để xác định tiêu chuẩn, cơ cấu đội ngũ cán bộ, dự báo được nhu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, trên cơ sở đó mới tiến hành lựa chọn, giới thiệu cán bộ vào quy hoạch, đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ theo quy hoạch.
Đồng thời, phải giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đồng thời phát huy trách nhiệm của các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị.
|
|
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác tổ chức cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2020. |
Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý phải được xây dựng trên cơ sở quy hoạch cấp ủy đảng các cấp, quy hoạch cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cấp trên, bảo đảm liên thông, gắn kết giữa quy hoạch của các địa phương, giữa các địa phương và các đơn vị thuộc VKSND tối cao.
Cụ thể các nguyên tắc xây dựng quy hoạch
Theo dự thảo Hướng dẫn, trước hết phải đánh giá đúng cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch.
Đánh giá cán bộ là tiền đề, là khâu bắt buộc trước khi tiến hành xây dựng và bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thể hiện trên các nội dung cụ thể.
Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống: Nhận thức, tư tưởng chính trị; việc chấp hành Điều lệ Đảng, Nghị quyết, chủ trương, đường lối, quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc giữ gìn đạo đức, lối sống trong sạch, không tham nhũng, lãng phí; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác; có tinh thần học tập nâng cao trình độ, tính trung thực, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, phối hợp trong công tác.
Việc chấp hành pháp luật của vợ, chồng, con; có lý lịch và lịch sử chính trị rõ ràng, có mối quan hệ tốt với nhân dân. Kiểm điểm nghiêm túc và khắc phục triệt để các hạn chế, khuyết điểm; không vi phạm các biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống theo tinh thần Nghị quyết TW4 (khóa XII) của Đảng.
Về năng lực thực tiễn: Thể hiện ở kết quả, hiệu quả công tác; tính chủ động sáng tạo; mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; khả năng đoàn kết, quy tụ cán bộ, năng lực điều hành, tổ chức thực hiện; khả năng dự báo tình hình, xử lý những tình huống phức tạp phát sinh trong ngành, lĩnh vực, địa phương nơi công tác.
Uy tín: Thể hiện thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm và kết quả đánh giá cán bộ.
Sức khỏe: Bảo đảm sức khỏe để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức vụ quy hoạch.
Chiều hướng và triển vọng phát triển: Khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi được bố trí vào chức vụ cao hơn.
Cũng theo dự thảo Hướng dẫn, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đánh giá cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch gồm: Người đứng đầu cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ; tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ sở nơi cán bộ công tác đánh giá (sau khi đã tham khảo ý kiến của chi ủy nơi cán bộ cư trú nhận xét về bản thân và gia đình cán bộ).
Cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cán bộ xem xét, đánh giá, kết luận. Kết luận về đánh giá cán bộ phải được thể hiện bằng văn bản, công khai trong tập thể Ban cán sự đảng, Đảng ủy và lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Cấp có thẩm quyền quy hoạch cán bộ quyết định hình thức công khai đánh giá đối với cán bộ; kết quả đánh giá công chức hằng năm không quá 6 tháng tới thời điểm xem xét được sử dụng cho việc lựa chọn, giới thiệu cán bộ vào quy hoạch; trường hợp cán bộ có vấn đề mới phát sinh thì đánh giá, kết luận bổ sung.
Mặt khác, theo quy định tại dự thảo Hướng dẫn, quy hoạch cán bộ phải bảo đảm phương châm “mở” và “động”. Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương, đơn vị nào thì chủ yếu thực hiện đối với cán bộ đang công tác tại chỗ. Tuy nhiên, do chức năng, nhiệm vụ có tính đặc thù của từng đơn vị hoặc do tình hình khó khăn về đội ngũ cán bộ mà có thể thực hiện quy hoạch “mở”.
Quy hoạch mở là một chức vụ có thể quy hoạch một số người và một người có thể quy hoạch vào hai chức vụ mà họ có khả năng đảm nhận (chủ yếu ở VKSND tối cao); giới thiệu cán bộ vào quy hoạch không khép kín trong từng địa phương, đơn vị; không chỉ đưa vào quy hoạch những cán bộ tại chỗ mà cần xem xét, đưa vào quy hoạch cả các đồng chí đang công tác ở địa phương, đơn vị khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện và triển vọng đảm nhiệm chức vụ quy hoạch.
Đối với cán bộ có trong quy hoạch ở nơi khác, được đề xuất, giới thiệu vào quy hoạch của địa phương, đơn vị mình thì cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ cần liên hệ với cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu địa phương, đơn vị nơi cán bộ đang công tác để thẩm định báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét đưa vào quy hoạch, thông báo cho địa phương, đơn vị nơi cán bộ đang công tác và cá nhân cán bộ đó biết, không tổ chức lấy phiếu giới thiệu đối với nhân sự đó (cả nơi cán bộ đang công tác và nơi đưa cán bộ vào quy hoạch).
Cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch có trách nhiệm bổ sung nhân sự từ nơi khác vào quy hoạch của cấp dưới.
Cán bộ trong quy hoạch khi chuyển công tác đến đơn vị mới (trong Ngành), nếu có nhu cầu thì lãnh đạo và cấp ủy đơn vị mới họp, căn cứ số lượng, cơ cấu, điều kiện, tiêu chuẩn… về quy hoạch cán bộ của đơn vị mình, có văn bản gửi đơn vị cũ của cán bộ để xác nhận điều kiện, tiêu chuẩn tiếp tục quy hoạch và thống nhất đề nghị cơ quan, đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ trình cấp có thẩm quyền quyết định chuyển quy hoạch cho cán bộ.
Quy hoạch động là quy hoạch được định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh theo sát sự phát triển của cán bộ; kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch những người không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện, không có triển vọng phát triển hoặc uy tín thấp; đồng thời bổ sung vào quy hoạch những cán bộ có triển vọng phát triển.
Ngoài các nội dung trên, dự thảo Hướng dẫn còn đề cập đến các nội dung khác như: Sự liên thông trong quy hoạch; xác định tương đương trong quy hoạch; mối quan hệ giữa quy hoạch cán bộ và bố trí nhân sự; số lượng nguồn đưa vào quy hoạch; hướng dẫn thực hiện quy hoạch lãnh đạo các cấp; quy trình rà soát, bổ sung, thẩm quyền phê duyệt quy hoạch…
VKSND tối cao đề nghị các đơn vị nghiên cứu, góp ý bằng văn bản vào toàn bộ dự thảo Hướng dẫn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trong ngành Kiểm sát nhân dân, gửi về VKSND tối cao (qua Vụ 15) trước ngày 15/7/2021 để tổng hợp, hoàn thiện, trình lãnh đạo VKSND tối cao xem xét, quyết định. |